21/10/2024 13:42 GMT+7

Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt: Viên pin của đại sứ và nền kinh tế tuần hoàn Phần Lan

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Thông qua các sự kiện như Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh, Phần Lan nói riêng và các nước Bắc Âu khác có thể chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn với Việt Nam.

Kỳ 3: Viên pin của đại sứ và nền kinh tế tuần hoàn Phần Lan - Ảnh 1.

Tái chế pin đã qua sử dụng tại Nhà máy Akkuser Oy ở Phần Lan - Ảnh: Paristokierrätys

Cách đây vài năm, hành trang về nước của Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto luôn có một túi những viên pin đã qua sử dụng để tái chế. Nhưng giờ thì điều đó không còn cần thiết nữa, vì ông đã có thể làm điều ấy ngay tại Việt Nam.

Phần Lan đã trở thành "Phần Lan" như thế nào?

Năm 2016, Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố lộ trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Gần chín năm trôi qua, vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng quốc gia này đang bước đi chắc chắn trên hành trình không để bất cứ thứ gì bị lãng phí.

Đón phóng viên chúng tôi tại Đại sứ quán Phần Lan ở Hà Nội một ngày đầu mùa thu, cô nhân viên người Việt của đại sứ quán thông báo mọi người thông cảm chờ đại sứ trong giây lát.

Căn phòng nơi chúng tôi ngồi chờ là một thư viện nhỏ, nơi có những quyển sách nói về đất nước Bắc Âu rộng lớn nhưng chỉ có hơn 5,6 triệu dân. Chúng tôi tinh ý nhận ra điều đó và phía đại sứ quán cũng thật tinh tế khi để khách tự do tìm hiểu về đất nước của họ qua trang sách.

Thấy tôi chọn một quyển có tên "How Finland became Finland" (tạm dịch: "Phần Lan đã trở thành Phần Lan như thế nào") có bìa hơi cũ và góc đã vênh lên vì nhiều người đọc, cô nhân viên người Việt nhanh trí giới thiệu sơ qua về nội dung.

Càng đọc, ta càng hiểu về câu chuyện về một đất nước vẫn bị xem là nghèo, tuổi thọ trung bình chỉ 46 năm vào đầu thế kỷ 20 đã trở thành một nước đứng tốp thế giới về thu nhập và nổi danh vì nền giáo dục hay các công ty trong ngành ICT như Nokia.

Đó là một câu chuyện dài mà người đọc dễ nhận ra sự tương đồng giữa Phần Lan và Việt Nam: độc lập chưa bao lâu, từng trải qua nhiều cuộc chiến để giành tự chủ và con người, tinh thần là vốn liếng quý giá nhất.

Phải mất hơn 50 năm để Phần Lan thay đổi từ một quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trở thành một trong những nước có tiềm lực đổi mới sáng tạo, cạnh tranh dựa trên tri thức hàng đầu châu Âu.

Nhiều bước đi, phép thử đã được thực hiện ngay cả khi Phần Lan không chắc chắn nó có đem lại hiệu quả tốt như kỳ vọng. Nhưng nhờ những lần thử nghiệm đó, Phần Lan đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.

Người Phần Lan tin rằng sự nhảy vọt của họ có thể không mất đến nửa thế kỷ mà chỉ cần một thế hệ được giáo dục tốt, một xã hội đồng thuận cao và biết nắm bắt các xu hướng của thời đại là đã có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Khiêm tốn tự nhận Phần Lan chỉ là "một quốc gia nhỏ" khi so với Việt Nam về dân số, Đại sứ Keijo Norvanto lạc quan khi cho rằng trong hành trình phát triển sắp tới, hai nước có thể đồng hành và chia sẻ nhiều kinh nghiệm, trong đó có xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

"Có rất nhiều sinh viên tài năng của Việt Nam đã đến Phần Lan học tập và khi trở về nước, họ có thể chia sẻ kiến thức của mình, đóng góp cho sự phát triển bền vững và trở thành sợi dây liên kết của hai quốc gia" - ông Keijo Norvanto nói, trước khi đi sâu hơn về chiến lược trở thành nền kinh tế tuần hoàn của Phần Lan.

Kỳ 3: Viên pin của đại sứ và nền kinh tế tuần hoàn Phần Lan - Ảnh 2.

Cụm công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn ở vùng Kemi-Tornio của Phần Lan - Ảnh: ELMO

Tiết kiệm mỗi tài nguyên

Hiểu nôm na, nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình vòng tròn, nơi sản phẩm của một ngành và kể cả phế thải của việc sản xuất sẽ trở thành nguồn đầu vào sản xuất cho một ngành khác.

Không có thứ gì sẽ bị thải loại hoặc không được tận dụng trong mô hình này, với mục tiêu tối đa hóa giá trị sử dụng, không lãng phí và không gây tác hại môi trường.

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nói có vẻ to tát nhưng thực tế có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tái chế những thứ đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. Và ông Keijo Norvanto đã nhắc lại một câu chuyện khiến ông được truyền cảm hứng tại Việt Nam.

Đó là khi ông bắt gặp một bài báo về mô hình thu gom pin đã qua sử dụng của một sinh viên Hà Nội để chúng không bị thải ra môi trường và được tái chế.

"Tôi đã tự hỏi phải làm gì với những cục pin qua sử dụng và tôi đã từng mang chúng trở lại Phần Lan. Nhưng giờ tôi biết rằng tôi có thể tái chế chúng ở Việt Nam nhờ những sinh viên trẻ như bạn nêu trên", ông nói.

Tất cả người dân Phần Lan, mọi gia đình, mọi công dân, mọi người trẻ hay người già, đều có thể đóng góp vào chiến lược kinh tế tuần hoàn đó Phần Lan, theo Đại sứ Keijo Norvanto.

Ngay cả trẻ em cũng có thể đóng góp bằng cách cho các em biết ý nghĩa của việc khi ăn trưa, các em chỉ lấy lượng mình sẽ ăn chứ không phải nhiều hơn để giảm chất thải.

Hay câu chuyện của một số nhà hàng ở Helsinki, quê hương của đại sứ, đã bắt đầu tính phí khách hàng nếu họ để lại đồ ăn thừa. "Bạn không chỉ trả tiền cho bữa ăn mà bạn đã gọi mà còn cả dịch vụ phân loại, vận chuyển nếu bạn phung phí thực phẩm", ông nói.

Các công ty, nhà sản xuất - những người có thể hưởng lợi từ nền kinh tế tuần hoàn - cũng cần hiểu được giá trị của việc hợp tác để biến thứ bỏ đi của công ty ngành khác thành tài nguyên, nguồn đầu vào của công ty mình.

Trong quá trình đó, theo đại sứ Phần Lan, nhà nước phải liên tục lắng nghe và có khả năng đưa ra các cơ sở pháp lý, công cụ để hiện thực hóa và hỗ trợ nhu cầu muốn trở thành một phần của sự thay đổi này của mỗi công ty, mỗi người dân.

Để các quyết sách được thành công, theo Đại sứ Keijo Norvanto, cần có sự ủng hộ của người dân và muốn có được điều ấy, theo quan điểm của ông, các công dân phải hiểu được rằng chính phủ và hệ thống chính trị đang làm hết sức mình để đảm bảo an ninh, phát triển bền vững, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ.

Đó là những gì đã diễn ra tại Phần Lan trong các năm qua để góp phần tạo ra sự đồng thuận cao của xã hội.

Việt Nam và Phần Lan có hệ thống chính trị khác nhau nhưng cùng hướng tới một mục đích là phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau nên giữa hai nước đã có sự hợp tác về cách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cách cải thiện nền kinh tế tuần hoàn.

"Thông qua các sự kiện như Diễn đàn và Triển lãm kinh tế Xanh, Phần Lan nói riêng và các nước Bắc Âu khác có thể chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn với Việt Nam. Bởi vì chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, chúng ta phải cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu như giảm phát thải", ông Keijo Norvanto chia sẻ.

Nỗ lực không còn bãi chôn lấp rác của Phần Lan

Lớn lên khi đất nước đang chuyển mình, Đại sứ Keijo Norvanto chia sẻ ông đã chứng kiến sự biến mất dần của những bãi chôn lấp rác đô thị ở Phần Lan.

Đến nay, 99% số rác từ các đô thị ở quốc gia này đã được tái chế. Với Việt Nam, ông tin rằng điều này hoàn toàn có thể làm được và Phần Lan thực sự tự hào khi đã có một nhà máy điện rác tại Bắc Ninh hoạt động dựa trên công nghệ xử lý chất thải hiện đại của Phần Lan.

"Đó là một phần của nền kinh tế tuần hoàn, nơi chúng ta không còn thải chất thải ra bãi rác nữa mà có thể sử dụng nó như một nguồn tài nguyên hoặc vật liệu cho các ngành sản xuất khác", ông chia sẻ.

------------------------

Nhiều người tin rằng khi một nền kinh tế phát triển, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên. Song nhiều quốc gia, trong đó có Thụy Điển, đã cho thấy một câu chuyện khác: GDP tăng nhưng lượng điện sử dụng vẫn ổn định suốt nhiều năm.

Kỳ tới: Thụy Điển tham vọng nói không với nhiên liệu hóa thạch

Kỳ 3: Viên pin của đại sứ và nền kinh tế tuần hoàn Phần Lan - Ảnh 3.Bắc Âu xanh và kinh nghiệm cho người Việt Nam - Kỳ 2: Na Uy biến đồ cũ, rác thải thành tài nguyên

Với tỉ lệ tái chế rác thải nhựa lên đến 97%, Na Uy chứng minh việc nâng cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường là hoàn toàn khả thi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên