27/08/2017 10:05 GMT+7

Bà Yingluck đào tẩu, hay được dọn đường rời khỏi Thái Lan?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Có nhiều lý do để chính phủ Thái Lan hiện tại phải lùng kiếm cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nhưng cũng không ít phân tích cho thấy họ vẫn có thể hài lòng với việc bà Yingluck ra đi.

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chào người ủng hộ sau khi bước ra khỏi Tòa án Tối cao tại Bangkok ngày 1-8 - Ảnh: Reuters
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chào người ủng hộ sau khi bước ra khỏi Tòa án Tối cao tại Bangkok hôm 1-8 - Ảnh: REUTERS

Đảng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) đã lớn tiếng yêu cầu chính quyền điều tra và tiến tới trừng phạt nếu xác thực nghi án một số quan chức cấp cao đã thông đồng với bà Yingluck, sau khi nữ chính trị gia này bất ngờ rời khỏi Thái Lan và được cho đang ở Dubai.

Có người tiếp tay?

Đối với PAD - đại diện cho phong trào đấu tranh “Áo vàng” đã lật đổ chính phủ của thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, việc “để xổng” bà Yingluck ngay trước giờ tuyên án hôm 25-8 là điều dĩ nhiên khó chấp nhận.

Trong tuyên bố ngày 26-8, PAD đặt nghi vấn về việc tại sao bà Yingluck có thể rời khỏi Thái Lan ngay trong thời điểm nhạy cảm này, trong khi trước đây chính bà than vãn về việc bị phía quân đội giám sát quá kỹ lưỡng.

Truyền thông Thái Lan và quốc tế cũng đưa tin và nhận định rằng bà Yingluck gần như chắc chắn phải có người tiếp tay mới thực hiện vụ “đào tẩu” nêu trên.

Tờ Bangkok Post dẫn lời “các nguồn tin cấp cao” cho biết có một số quan chức cao cấp đã thông đồng giúp bà Yingluck sang Dubai.

Hãng tin Reuters ngày 26-8 trong khi đó dẫn lời ông Thanawut Wichaidit - thành viên phong trào “Áo đỏ” Mặt trận Đoàn kết vì Dân chủ chống độc tài, vốn ủng hộ bà Yingluck, nhận xét dù không hướng đến đối tượng nào: “Bà ấy đã bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Không thể nào có chuyện bà ấy rời đất nước mà không có sự trợ giúp".

Ngày 25-8, thời điểm bà Yingluck bị yêu cầu có mặt tại Tòa án Tối cao ở Bangkok để nghe tuyên án, có khoảng 3.000 người đã đợi sẵn để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà, theo báo Bangkok Post.

Tại Thái Lan, sức ảnh hưởng của gia đình Shinawatra và bà Yingluck nói riêng vẫn rất lớn. Nếu phe đối lập và quân đội cáo buộc bà Yingluck xao nhãng, lạm quyền, làm thất thoát ngân sách, thì người ủng hộ bà tin rằng vị nữ thủ tướng Thái Lan khi xưa đã giang tay cứu nông dân bằng chương trình trợ giá gạo.

Chi tiết này ủng hộ một giả thuyết đang nổi bật trong vụ bà Yingluck rời Thái Lan: chính quyền âm thầm hỗ trợ bà Yingluck trốn ra nước ngoài với lý do không muốn Thái Lan lâm vào tình trạng bất ổn, vì cơ bản số người ủng hộ cựu thủ tướng vẫn còn đông đảo.

Ngăn chặn “Aung San Suu Kyi mới”

Trong bài phân tích ngày 26-8, hãng tin Reuters nhận định việc bà Yingluck rời khỏi Thái Lan vào thời điểm này thực tế lại mở ra cho phe quân đội một… hướng giải quyết vấn đề.

Đầu tiên, việc chính quyền của bà Yingluck bị lật đổ vào tháng 5-2014 đã để lại khoảng trống lớn cho chính trường Thái Lan.

Từ năm 2001 tới nay, quân đội và phe đối đầu dù rất nỗ lực, vẫn không xóa được dấu ấn của nhà Shinawatra trong lòng đông đảo cử tri nghèo và người tỉnh lẻ - vốn có sức mạnh không nhỏ qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử.

Nghĩa là khi bà Yingluck chính thức “ra đi”, cử tri mất đi một dạng biểu tượng, và trước hết sẽ khiến đảng Puea Thai lao đao.

Một thành viên đảng Puea Thai của bà Yingluck khẳng định: “Puea Thai không có lãnh đạo thực thụ ở thời điểm này. Không có nhân vật đầu tàu mà mọi người yêu mến”.

Bà Yingluck thời còn đương chức Thủ tướng và tướng Prayuth Chan-ocha (phải) nay là Thủ tướng Thái Lan - Ảnh: AFP
Bà Yingluck thời còn đương chức Thủ tướng và tướng Prayuth Chan-ocha (phải) nay là Thủ tướng Thái Lan - Ảnh: AFP

Kế đến, vào năm 2015, bà Yingluck bị chính quyền quân đội cấm tham gia chính trị trong vòng 5 năm. Tuy vậy bà vẫn có thể dùng uy tín của mình để vận động sự ủng hộ cho đảng Puea Thai trong đợt tổng tuyển cử năm 2018.

Nếu bị kết án (Tòa án Tối cao đã thông báo sẽ ra phán quyết vào ngày 27-9 tới), bà Yingluck có thể bị tù 10 năm, đồng nghĩa sẽ không thể vận động cho đảng chính trị của mình.

Tuy nhiên ngược lại, trong trường hợp bà ngồi tù thật thì chưa chắc chính quyền quân đội đã hưởng lợi. Bởi chính vụ lùm xùm về mua trợ giá lúa gạo đã giúp tên tuổi bà Yingluck lớn mạnh cả trong và ngoài nước, và danh tiếng này sẽ thậm chí lớn hơn nếu bà ngồi tù.

Hãng tin Reuters ví von rằng bà Yingluck sẽ có thể trở thành một nữ chính trị gia “tử vì đạo” theo phong cách của bà Aung San Suu Kyi - nữ chính trị gia được toàn thế giới ngưỡng mộ vì chịu tù tội và quản thúc nhưng quyết tâm phấn đấu vì nền dân chủ Myanmar.

Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc của Học viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, nhận định về việc bà Yingluck đến Dubai: “Điều này sẽ có lợi cho chính quyền quân sự vì không phải đẩy bà ấy vào tù”.

Nếu thực sự đang an toàn tại Dubai, bà Yingluck có thể tiếp tục ủng hộ đảng Puea Thai từ xa. Nhưng với điều kiện, câu chuyện "đào tẩu" này không phải kết quả của một cuộc bắt tay giữa bà và chính phủ như những nghi án những ngày nay.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên