Tờ The Nation số ra ngày 26-8 đăng tải bài viết dẫn nguồn đảng Puea Thai nói rằng bà Yingluck đã sang Dubai và kèm theo đó là hình ảnh bà tươi cười cùng với anh trai Thaksin với giới thiệu lấy từ Facebook của bà Yingluck - Ảnh chụp màn hình |
Các nguồn tin chính thức, cả từ chính quyền Thái Lan cũng đã xác nhận cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã rời Thái Lan. Nhưng bà đi bằng cách nào và hiện đến đâu thì vẫn còn là những thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng.
Tờ The Nation số ra ngày 26-8 đăng tải bài viết dẫn nguồn quan chức đảng Puea Thai nói rằng bà Yingluck đã sang Dubai và kèm theo đó là hình ảnh bà tươi cười cùng với anh trai Thaksin với giới thiệu lấy từ Facebook của bà Yingluck.
Tấm ảnh này không nói rõ là ảnh mới hay cũ. Cùng lúc này, trên mạng xã hội Line thông dụng của người Thái cũng xuất hiện một số hình ảnh bà Yingluck vui mừng gặp lại anh trai - người hiện đang sống lưu vong ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) và London (Anh).
Hình ảnh này sau đó thực ra được xác nhận là hình ảnh hai anh em họ gặp nhau ở Pháp hồi năm 2014.
Cựu Thủ tướng Thaksin đã phải sống lưu vong sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Năm 2008, ông Thaksin từng bị Tòa án Tối cao Thái Lan kết án 2 năm tù vì hành động lạm dụng quyền lực.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về cuộc hội ngộ của ông Thaksin và em gái vào năm... 2014 |
"Bóng ma" Thaksin
Với nhiều nhà phân tích chính trị, việc bà Yingluck phải rời khỏi đất nước và nhiều khả năng chấp nhận đời sống lưu vong là rất khả dĩ và điều đó có thể là dấu chấm hết cho ảnh hưởng của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái vốn chịu nhiều ảnh hưởng của giới quân sự.
Ngay cả việc chính quyền hiện tại quyết liệt đưa bà Yingluck ra tòa được cho là cũng nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của dòng họ vốn xuất thân từ giới tài phiệt để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm sau.
Trong thời gian qua, dù ông Thaksin sống lưu vong và em gái ông trong tình cảnh phải chờ ra tòa vì tội gây thiệt hại cho ngân sách trong chương trình trợ giá gạo, nhiều hoạt động chống chính quyền vẫn xảy ra và được cho là do ông Thaksin giật dây.
Chẳng hạn vào ngày 16-6 vừa qua, cựu Thủ tướng Yingluck đã phải lên tiếng bác bỏ các tin đồn cho rằng ông Thaksin có liên quan đến Wattana Pummares - nghi phạm được cho là đã gây ra 6 vụ đánh bom ở Bangkok, trong đó có vụ đánh bom Bệnh viện quân y Phra Mongkutklao, khiến 25 người bị thương.
Theo bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin - người đã phải sống lưu vong sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006, được nhiều người ngưỡng mộ. Bà Yingluck đồng thời khẳng định ông Thaksin và đảng Pheu Thai không bao giờ khuyến khích sử dụng bạo lực để đạt mục tiêu chính trị.
Sau vụ đánh bom, khi khám nhà của nghi phạm Wattana Pummares, cảnh sát đã tìm thấy một đồng hồ treo tường có hình ông Thaksin.
Nghi phạm này cũng được cho là đã nảy sinh ý định đánh bom sau khi cảm thấy căm phẫn trước các hành động đàn áp người biểu tình thuộc phe Áo đỏ.
Những thông tin trên đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán về mối liên hệ của ông Thaksin cùng phe Áo đỏ tới các vụ đánh bom thời gian qua ở Bangkok.
Trong tháng 5-2017, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan thường xuyên xảy ra những vụ tấn công bằng bom nhỏ lẻ, nhằm vào những mục tiêu mang tính biểu tượng và không gây thương vong lớn.
Trong số này, đáng chú ý nhất là vụ nổ tại Bệnh viện quân y Phra Mongkutklao hôm 22-5 - đúng 3 năm sau ngày quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Quả bom được đặt tại phòng chờ khám mang tên “Wongsuwon”, theo tên của Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon. Nhiều ý kiến cho rằng vụ đánh bom có động cơ chính trị hoặc nhằm mục đích làm mất uy tín chính quyền quân sự.
Bà Yingluck chủ động đưa hình ảnh quì cúng các nhà sư lên Facebook vào ngày 23-8, thời điểm được cho là bà bắt đầu bí mật rời khỏi Thái Lan - Ảnh: Facebook |
Chính quyền tấn công Thaksin quyết liệt
Trước đó, vào tối 31-3, sau nhiều tháng im lặng, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc rằng ông đứng đằng sau những vụ tấn công đẫm máu tại Thái Lan và là mối đe dọa đối với đất nước cũng như hoàng gia nước này.
Trong một thông điệp trên trang Facebook cá nhân, vị cựu chính khách đang sống lưu vong ở nước ngoài khẳng định ông vẫn luôn trung thành với Hoàng gia và hoàn toàn ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến.
Tuy nhiên, ông Thaksin cũng tuyên bố không muốn can dự vào tiến trình hòa giải quốc gia hiện nay, và phủ nhận những tin đồn ông liên quan đến các vận động nhằm lật đổ chế độ quân chủ lập hiến.
Chính trường Thái Lan đã lâm vào khủng hoảng kể từ các cuộc biểu tình rầm rộ năm 2006 trước cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin.
Các chính phủ lên nắm quyền sau đó của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và Yingluck Shinawatra - em gái ông Thaksin, đều phải đối mặt với các làn sóng biểu tình dữ dội do lực lượng đối lập tổ chức.
Cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014 đã diễn ra sau khi bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp bãi chức Thủ tướng.
Ngày 23-4-2016, đảng Dân chủ Thái Lan công bố thông tin từ Văn phòng Thư ký Hạ viện Mỹ, để chứng minh rằng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bỏ tiền thuê các công ty nước ngoài vận động hành lang để Washington có các chính sách bất lợi cho chính phủ tại Thái Lan từ năm 2006 đến 2015.
Một ngày trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-ocha lần đầu tiên nêu đích danh nhà lãnh đạo bị phế truất là người đứng đằng sau làn sóng phản đối dự thảo Hiến pháp mới và tạo ra hình ảnh xấu về chính phủ đương nhiệm ở Thái Lan.
Số liệu do đảng Dân chủ công bố cho thấy một loạt công ty vận động hành lang tại Anh và Mỹ đã nhận tiền từ ông Thaksin và tập đoàn của ông này, với số tiền từ 5.000 - 460.000 USD để tiến hành nhiều cuộc tham vấn liên quan chính sách của Chính phủ Mỹ về dân chủ tại Đông Nam Á, cũng như một số vấn đề quốc tế và pháp lý mà ông Thaksin phải đối mặt sau cuộc đảo chính ngày 19-9-2006. Một số công ty còn được nhận tiền để theo dõi chính sách của Mỹ đối với chính phủ lâm thời tại Thái Lan.
Ngày 12-10-2015, Tòa án Hình sự Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sau khi ông Thaksin không có mặt tại phiên chất vấn đầu tiên trong vụ kiện ông phỉ báng quân đội Thái Lan.
Giám đốc Văn phòng Pháp lý Quân đội Hoàng gia Thái Lan, Thiếu tướng Sarayuth Klinmahom đứng đơn kiện ông Thaksin đã có các phát biểu phỉ báng quân đội trong các cuộc trả lời phỏng vấn tại Hàn Quốc từ ngày 19 đến 22-5-2015.
Tòa án Hình sự Thái Lan đã chấp nhận vụ kiện trên và ấn định ngày 12-10 tiến hành phiên chất vấn đầu tiên để nguyên đơn và bị đơn giải trình các bằng chứng.
Tuy nhiên, sáng ngày 12-10, chỉ có luật sư của ông Thaksin xuất hiện với lời giải thích rằng thân chủ của mình đang ở nước ngoài tị nạn chính trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận