TTCT - Người ta có thể “thông cảm” cho trọng tài Matt Clatterburg trong trận Chelsea - M.U cách nay hai tuần (phạt thẻ đỏ tiền đạo Fernando Torres và công nhận một bàn thắng cho M.U trong tình huống việt vị) vì những nguyên nhân đã được các nhà khoa học tìm ra từ lâu. Phóng to Trọng tài Matt Clatterburg rút thẻ đỏ phạt cầu thủ Chelsea trong trận gặp M.U ngày 28-10 - Ảnh: Reuters Theo những nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học ở châu Âu, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai lầm của trọng tài. Sức ép của khán giả Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh đăng trên Journal of the Royal Statistical Society Series A năm 2006 dẫn ra rằng cứ trong 15 trận đấu, một trọng tài Bỉ có một lần phạt thẻ đỏ một cầu thủ của đội khách, nhưng phải 64 trận ông mới làm thế đối với một cầu thủ đội chủ nhà. Thoạt đầu, nghiên cứu này chỉ muốn chứng minh có sự khác nhau trong công tác trọng tài ở những nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cho thấy yếu tố sân nhà ảnh hưởng lên tiếng còi của trọng tài ở tất cả các quốc gia. Chính những tiếng la hét, lời chửi rủa... vang lên từ khán đài đã gây sức ép lên trọng tài. Kết quả phân tích tất cả trận đấu ở các cúp châu Âu từ năm 2002-2006 cho thấy trọng tài Bỉ đứng đầu về thiên vị đội chủ nhà, nhưng hiện tượng này cũng có ở các trọng tài Nga, Pháp, Scotland... Chẳng hạn, số thẻ đỏ mà các trọng tài Pháp phạt cầu thủ đội khách nhiều gấp đôi số thẻ đỏ dành cho đội chủ nhà. Năm 2000, trong một nghiên cứu về ảnh hưởng những âm thanh từ khán giả đăng trên Psychology of Sport and Exercise, các nhà khoa học Anh đã chọn ra 40 trọng tài và chia thành hai nhóm: nhóm đầu tiên xem lại video 47 tình huống của trận Liverpool - Leicester, nhóm thứ hai cũng xem ngần ấy tình huống nhưng đã tắt âm thanh. Kết quả cho thấy tiếng la của đám đông ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của trọng tài. Những trọng tài xem video có âm thanh do dự nhiều hơn khi đưa ra quyết định, số lần bắt lỗi của họ đối với các cầu thủ đội chủ nhà ít hơn 15,5% so với các trọng tài xem video đã bị tắt âm thanh. Vóc dáng của cầu thủ Theo một kết quả nghiên cứu đăng trên Journal of Sport & Exercise Psychology năm 2010, hai nhà khoa học người Đức Steffen Geissner và Niels Van Quaquebeke chứng minh rằng những cầu thủ có vóc dáng to lớn làm liên tưởng đến hình ảnh một kẻ thô bạo, trong khi những cầu thủ nhỏ bé thường được xem là nạn nhân trong các cuộc va chạm trên sân cỏ. Hai nhà khoa học đã dựa vào ba nghiên cứu để đưa ra nhận xét như vậy: một nghiên cứu dựa trên 123.844 lỗi ở World Cup, Champions League và Bundesliga, hai nghiên cứu còn lại dựa vào ý kiến của những trọng tài về những hình ảnh ghi lại các cuộc tranh chấp bóng giữa một cầu thủ to lớn và một cầu thủ nhỏ con. Ảo giác trong bắt lỗi việt vị Trong bài báo “Sai lầm của lá cờ trong bóng đá” đăng trên tạp chí Perception năm 2002, ba nhà nghiên cứu Marcus Baldo, Ronald Ranvaud và Edgar Moya cho rằng khi bóng rời khỏi chân cầu thủ chuyền bóng, trọng tài có xu hướng nhìn thấy tiền đạo đứng trước vị trí thật sự của anh ta. Vì vậy, nếu một tiền đạo đang đứng ngang hàng với hậu vệ cuối cùng của đối phương, lập tức anh ta bị xem là việt vị khi đồng đội chuyền bóng. Các nhà khoa học của Đại học Louvain (Bỉ) đã kiểm chứng lại nhận xét này tại World Cup 2006. Sau khi nhận thấy có 26,2% sai lầm trong các quyết định của trọng tài về việt vị ở 64 trận của giải, họ xác định ba nhà khoa học nói trên đã đúng và yêu cầu các tổ chức lãnh đạo bóng đá xem xét lại phương pháp bắt lỗi việt vị. Tags: Trọng tàiKhán giảSức épViệt vịTiếng còi
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 23/12/2024 Trưa nay áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Pabuk (bão số 10).
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".