Bà Trương Thị Vy đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bắc Bình Thuận - Ảnh: Thiện Trí |
Bà Trương Thị Vy (35 tuổi, Bình Thuận) đã đốt con 12 tuổi vì vé số ế bán không hết và thiếu lại đại lý 400 ngàn đồng.
Câu chuyện thương tâm mẹ đốt con đã khiến nhiều người căm phẫn và lên án.
Khi nhìn thấy hình ảnh bà Vy, hàng trăm bạn đọc tiếp tục đặt câu hỏi, phẫn nộ.
"Bà Vy liệu có ôm bé Linh dập lửa? Vậy sao bà Vy không bị bỏng ở phía trước mà bị phỏng ở phía sau? Bà Vy bỏ con đi ra ngoài, cháu Linh chạy theo ôm nên bà bị phỏng? Công an phải xác định rõ việc này để xem xét sự việc"- bạn đọc Lê Trung Hiếu nói.
Nhiều độc giả bày tỏ quan điểm: “Đã qua rồi thời kì dạy con bằng roi vọt và ngược đãi tinh thần. Trước khi trách trẻ hãy xem cha mẹ đã biết cách dạy con hay chưa, đánh con đến mức bầm dập hay xúc phạm danh dự con thì đâu còn là dạy dỗ”.
Cũng như nhiều bà mẹ khác, chị Hồng Phương (Cần Thơ) cho biết mình rất xót xa cho cháu bé bị mẹ dùng xăng đốt.
“Khi cháu bé bị đau, có thể bé chạy đến ôm người mẹ như tìm một chỗ dựa trong cơn nguy khốn, trong khi người mẹ lại xem con như một nơi trút giận vì mất tiền”, chị Phương bức xúc nói.
Đánh con để giải tỏa bức xúc?
Theo nhận định của luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhiều trường hợp cha mẹ đánh đập, hành hạ, thậm chí có hành vi tước đoạt mạng sống của con là vì bức xúc với cuộc sống túng quẫn, điều kiện kinh tế quá ngặt nghèo, khốn khổ.
“Có thể thương con thì vẫn thương nhưng lại không đè nén được sự tức giận mà trút hết lên con”, luật sư Hồng Liên chia sẻ thêm.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ đánh giá: “Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng việc giáo dục nghiêm khắc bằng đòn roi sẽ giúp con trẻ ghi nhớ lâu, không dám tái phạm những hành vi của mình tuy nhiên những tác hại về tâm lý thì nhiều bố mẹ lại chưa nghĩ đến”.
Căn nhà nơi xảy ra sự việc - Ảnh: Thiện Trí |
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ phân tích, có những bố mẹ trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó xem con mình là nguyên nhân của những biến cố trong nhà (ai đó mất, làm ăn thất bại…) và khi có sự việc tương tự xảy ra họ sẽ trút hết nỗi tức giận lên đứa con.
“Đây là vụ việc thương tâm, lực lượng công an sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với bà Vy. Hoàn cảnh gia đình nạn nhân nghèo. Cha cháu Linh đã mất vì tai nạn giao thông. "Cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hành vi của bà Vy nghiêm khắc đúng theo quy định của pháp luật, để răn đe hành vi bạo hành với trẻ em". "Trước mắt chính quyền, đoàn thể địa phương đang kêu gọi chạy chữa cho bé Linh, cũng như tìm hướng giúp đỡ gia đình bé Linh trong tương lai”, |
Tất cả những nguyên nhân trên đều bắt nguồn từ sức khỏe tâm thần, bà Minh Huệ cho biết một người tỉnh táo, có tâm lý ổn định sẽ không bao giờ có những hành vi thiếu kiềm chế như vậy, nhất là với người thân của mình.
Đồng tình với quan điểm trên, thạc sĩ (Ths) Phạm Thị Thúy cũng phân tích, người mẹ này đang có những biểu hiện bất ổn về tâm lý dẫn đến việc không khống chế được hành vi của mình.
“Việc thường xuyên chửi mắng con cái, đặc biệt là bé Linh bị bà Vy đối xử khắc khe hơn có thể Linh liên quan đến nỗi đau nào đó của bà, dẫn đến việc châm lửa như “giọt nước làm tràn ly”, Ths Thúy nhìn nhận.
Có thể bị tước quyền nuôi con
Nhiều phụ huynh cho rằng cần bảo vệ trẻ em trước hiện tượng làm nhục, ngược đãi hay vì một lí do nào đó cha mẹ ích kỉ, vô lương tâm và vô trách nhiệm với chính con mình.
Luật sư (LS) Phạm Thanh Bình và LS Trương Thị Hòa cho biết, việc ngược đãi, gây hại đến danh dự, tính mạng của trẻ, ngoài việc bị truy tố trách nhiệm hình sự, những người bạo hành còn thể bị tòa án tước quyền làm cha mẹ.
LS Nguyễn Thị Hồng Liên phân tích thêm, tùy theo tính chất, mức độ và hoàn cảnh phạm tội, tòa án sẽ quyết định tước quyền nuôi con của người gây ra hành vi thương tổn cho con cái trong thời gian nhất định.
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng sẽ được trao cho người còn lại trong gia đình (nếu mẹ gây thương tổn cho con thì giao quyền cho cha và ngược lại).
Trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị tước quyền nuôi con thì việc chăm sóc, dạy dỗ đứa trẻ sẽ được giao cho Trung tâm bảo trợ trẻ em ở địa phương đảm trách.
Em Linh đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: THÙY DƯƠNG |
Ths Phạm Thị Thúy chia sẻ các bậc phụ huynh chú ý vai trò giáo dục có tác động rất lớn đến nhận thức và tâm lý của trẻ. Vì vậy mỗi bậc cha mẹ nên thấu đáo trong vấn đề dạy con, đừng để những thương tổn thể xác và tinh thần làm con bị ám ảnh, dẫn đến những biểu hiện tâm lý không ổn định về sau.
Từ câu chuyện trên, Ths Thúy nói: “Mỗi người chúng ta chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của môi trường và bối cảnh xã hội. Và rõ ràng xã hội đang tác động xấu đến niềm tin, cách đối xử của con người. Nhiều người dễ dàng đánh đập thậm chí sát hại ngay cả người thân của mình. Đó là bất ổn và trách nhiệm của xã hội nữa chứ không chỉ nằm ở khía cạnh tâm lý người”.
Căn cứ vào Điều 60 của BLDS năm 2005 quy định về Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ thì cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: 1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; 3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ. Vậy nếu một người là cha/mẹ có hành vi giết con thì đương nhiên không đủ điều kiện là người giám hộ đối với con chưa thành niên vì không đáp ứng được điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 60 BLDS 2005. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Luật sư Phạm Thanh Bình
>> Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên
>> Thạc sĩ Phạm Thị Thúy
>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
>> Chị Hồng Phương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận