Ngày 24-1, phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ 3 năm qua, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế xã hội, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn
Bà Mai chỉ rõ những kết quả này có sự đóng góp rất to lớn, quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tăng cường công tác vận động tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân...
Năm 2024, theo bà Mai, tác động của thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong đó kinh tế thế giới tuy được phục hồi nhưng đà phục hồi còn yếu, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn.
Tăng trưởng của các nước lớn đứng trước nhiều thách thức và các nước đang phát triển, các nước kinh tế mới nổi sẽ đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng toàn cầu. Gần đây các xung đột điểm nóng tiếp tục gia tăng.
"Đây cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề cho thế giới. Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, quan hệ độ mở rất lớn, không thể không chịu tác động ảnh hưởng.
An ninh tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng, tạo ra nhiều thách thức mới về biển.
Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, đối với các mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2025 - 2030 và đến năm 2045", bà Mai nói.
Cũng theo bà Trương Thị Mai, kết thúc năm 2023, Việt Nam còn 5 chỉ tiêu chưa đạt được. Nếu 2 năm còn lại của nhiệm kỳ mà không tăng tốc đạt được những chỉ tiêu này sẽ tác động khó khăn cho 5 năm tiếp theo và mục tiêu của 2025 -2030, đến năm 2045.
"Vì vậy phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn", bà Mai yêu cầu.
Chính sách bảo hiểm, an sinh phải trở thành trụ cột
Cũng theo bà Mai, từ 1-7-2024 có thể tiến hành sắp xếp để bắt đầu triển khai cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 của trung ương.
Khi triển khai cải cách tiền lương, đồng thời cải cách trợ cấp bảo hiểm xã hội, chính sách người có công, một số chính sách an sinh gắn liền với lương.
"Như vậy không chỉ lo cho bộ máy của hệ thống chính trị mà còn người hưởng lương hưu, người có công và những chính sách an sinh xã hội khác để có thể tiếp tục cải thiện, nâng cao cuộc sống", bà Mai nói.
Bà dẫn chứng nếu không có chính sách này thì một người đã khó khăn rồi nhưng gặp bệnh mãn tính hoặc một bệnh nguy hiểm khác có thể rơi vào cảnh đói nghèo. Do vậy những chính sách này sẽ tạo ra mạng lưới an sinh để người dân không bị đói nghèo.
Bà nêu thêm hiện tại đang có trợ cấp xã hội, lương hưu, nhưng mức tăng rất thấp. Vì vậy chính sách bảo hiểm, chính sách an sinh phải trở thành trụ cột và phải được quan tâm để hàng chục triệu người dân khi cao tuổi không rơi vào tình trạng không có một đồng thu nhập.
Cũng theo bà Mai, nếu không tạo được mạng lưới rộng lớn về chính sách an sinh thì kể cả một người đang sống ở TP.HCM, những đô thị đang phát triển nhưng chỉ cần gặp một cú sốc kinh tế có thể thành người nghèo, người thất nghiệp.
Ở miền núi, nếu người dân phải bỏ tiền túi đi chữa bệnh cũng có thể trở thành người nghèo.
Bà đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hỗ trợ để giải quyết vấn đề này.
Nếu mặt trận càng ngày càng thiết thực, gắn sát với thực tế, với cuộc sống người dân từ sức khỏe đến giáo dục, đến làm ăn, đến sinh kế sẽ có được niềm tin, có sự đồng thuận, làm tốt cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận