Chiều 20-3, sau khi được 5 luật sư bào chữa, bà Trương Mỹ Lan đã tự bào chữa bổ sung một số điểm mà theo bà là chưa được trình bày.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan nói gì khi tự bào chữa
Đề nghị SCB trả tiền thuê tòa nhà
Theo đó, bà Lan nói cảm thấy rất đau xót khi viện kiểm sát nhận định bà quanh co, chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới.
Bà Lan cho biết bà nhận một phần trách nhiệm, nhưng cho rằng bà chỉ đi kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào cơ cấu SCB mà không biết người ở SCB vi phạm.
Theo bà Lan, quá trình hợp nhất, thực hiện đề án cơ cấu SCB đã kéo dài 10 năm, đến năm 2016 - 2017, một số tỉ phú bạn của 5 nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu vào SCB, nhưng vì xảy ra vụ án này nên đổ bể, các tỉ phú quay lưng với SCB.
Bà Trương Mỹ Lan đề nghị hội đồng xét xử xem xét bối cảnh SCB trước khi bà bị bắt vẫn hoạt động bình thường và có tương lai tốt đẹp.
"Tôi tạm giam ngày nào thì ngày đó trái tim như rỉ máu. Tôi nhiều lần đề nghị cho phép tôi tại ngoại để tiếp tục hỗ trợ SCB. Cho đến mấy tháng sau có các đơn vị tài chính nước ngoài, tôi nhắn luật sư nói con tôi liên hệ với họ, tôi mong họ tiếp tục đồng hành với SCB.
Họ hứa có một tập đoàn tài chính thế giới vào, nhưng với điều kiện là phải gặp tôi để tôi bảo lãnh. Trong quá trình tạm giam, tôi vẫn cố gắng giúp đỡ SCB", bà Lan nói.
Về việc này, tòa cho biết trong trường hợp có các tập đoàn tài chính nước ngoài vào hỗ trợ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo khắc phục hậu quả. Nhưng tòa cũng lưu ý bị cáo cần đưa chứng cứ bào chữa bản thân, không trình bày lan man.
Bà Lan còn cho biết tòa nhà số 19 Nguyễn Huệ (tòa nhà hội sở Ngân hàng SCB) là do bà cho SCB thuê để lấy tiền trùng tu biệt thự cổ 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), nhưng hơn một năm nay chưa trả tiền thuê, nên bà đề nghị SCB trả tiền thuê tòa nhà để khắc phục hậu quả (nếu có).
Bà Trương Mỹ Lan nói SCB không có mối liên hệ nào với Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan nói Ngân hàng SCB không phải do bà mà nó đổ vỡ, và cho rằng bà không làm người dân thiếu niềm tin để dẫn đến việc họ rút tiền.
Bà Lan một lần nữa khẳng định bà và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa thực sự liên quan đến SCB.
"Nói tôi chiếm đoạt số tiền lớn như vậy thì xin hội đồng xét xử xem xét cho tôi căn cứ gì để xác định thiệt hại do tôi gây nên. Mỹ Dung (bị cáo Trần Thị Mỹ Dung - cựu phó tổng giám đốc SCB - PV) nói trong 1-2 năm cho tôi vay mấy trăm nghìn tỉ, hội đồng xét xử cho phép tôi hỏi rõ số tiền tôi chiếm đoạt hai năm như vậy thì tiền đâu SCB còn mà cho tôi vay.
Mỹ Dung khai tiền đó cơ cấu nợ này, phí này kia, mua dự án nọ, nhưng đó là dự án SCB mượn cơ cấu lại, không phải của tôi.
Hội đồng xét xử cho tôi biết đối lưu của dòng tiền mà cho rằng tôi đã chiếm đoạt, giúp tôi làm rõ số tiền. Nó ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tôi", bà Lan trình bày.
Bà Lan cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại mối quan hệ giữa Vạn Thịnh Phát và SCB vì cho rằng Vạn Thịnh Phát không có người ở SCB.
Theo bà Lan, Hồ Bửu Phương (phó tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chỉ hỗ trợ Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc SCB, đã chết) việc cho mượn cổ phần để cơ cấu, Đặng Phương Hoài Tâm (phó trưởng phòng văn phòng hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Nguyễn Phương Anh (phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) cũng như vậy.
Về kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, bà Lan cho rằng sau khi bà bị bắt, giá trị các tài sản sẽ xuống thấp, trước khi bà bị bắt, giá trị tài sản cao hơn gấp đôi, gấp ba. Từ đó, bà Lan cho rằng kết quả định giá này gây bất lợi cho bà.
"Xin viện kiểm sát cho tôi xem lại tất cả các bảng thực thu thực chi của SCB và báo cáo tài chính trước khi tôi bị bắt.
Xin xem xét thật kỹ về số liệu quy buộc là tôi chiếm đoạt. Viện kiểm sát buộc tội tôi vậy ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng trước hàng xóm. Cá nhân tôi ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe", bà Lan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận