Thông báo truy nã hai các thành viên trong gia đình Maute của cảnh sát Philippines - Ảnh: Cảnh sát Cebu |
Sở hữu tài sản kếch xù ở đảo Mindanao miền nam Philippines và thủ đô Manila cùng một công ty xây dựng, ít ai ngờ rằng ở cái tuổi 60, người phụ nữ có giọng nói nhỏ nhẹ tên Farhana Maute lại đứng đầu một trong nhóm khủng bố đáng sợ nhất Philippines: Maute.
Từ chỗ gần như vô danh, chỉ sau 2 năm gầy dựng thanh thế, Maute đã trở thành nhóm phiến quân lớn nhất ở Philippines tuyên bố trung thành với IS, dám đương đầu với quân đội Philippines trong suốt 1 tháng trời ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao và vô số những lần thử lửa khác.
Theo những tài liệu hãng tin Reuters tiếp cận được, con đường trở thành nhóm khủng bố đáng sợ nhất Philippines của anh em nhà Maute bắt nguồn từ... một tranh chấp hợp đồng dân sự giữa công ty xây dựng của bà Farhana với thị trưởng Butig Dimnatang Pansar.
Những bất hòa đã bị thổi bùng thành sự thù hận giữa hai gia tộc, điều rất phổ biến ở đảo Mindanao, và ngày càng lan rộng trở thành cuộc đối đầu giữa các tay súng cực đoan và quân đội.
Bắt cả cha lẫn mẹ nhưng...
Ngày 9-6, một chiếc xe chở đầy vũ khí và chất nổ bị chặn bắt ở Masiu khi đang chuẩn bị lăn bánh tới Marawi cách đó 35km. Không ai ngờ được rằng trên chuyến xe đó, có một người phụ nữ được nhóm Maute xem như trái tim của tổ chức: bà Farhana.
Vụ bắt giữ khi đó được kỳ vọng sẽ là đòn hạ gục ý chí của các anh em nhà Maute bởi 3 ngày trước đó, cha của bọn chúng - Cayamora Maute đã bị bắt tại thành phố Davao.
"Bà ấy chỉ là dân làm ăn bình thường. Nhưng chuyện gia tộc của bà dính vô xung đột với thị trưởng Butig đã khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn", một sĩ quan quân đội về hưu giấu tên sống ở Marawi nói với hãng tin Reuters.
Nhiều người dân sống ở Marawi đã từng tiếp xúc với gia đình Maute và các nhà phân tích khẳng định ảnh hưởng của bà Farhana lên các con là rất lớn, hơn cả người cha Cayamora.
Là người có niềm tin mãnh liệt vào đức tin Hồi giáo, thông thạo tiếng Ả rập và tiếng Anh, tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy bà Farhana đã bị cực đoan hóa như các con.
"Bà ta đơn giản chỉ là người bảo trợ, chu cấp tiền bạc và ủng hộ hai con. Ông cha cũng làm, nhưng bà mẹ ủng hộ nhiều hơn", Rohan Gunaratna - một chuyên gia chống khủng bố ở Mindanao, nói với Reuters.
Bằng quyền lực và tiền bạc, Farhana đã cho hai con trai Omarkhayam và Abdullah sang Trung Đông học hành tử tế.
Ông Rommel Banlaoi, cố vấn của cảnh sát quốc gia Philippines, kể rõ rằng bà Farhana chịu ảnh hưởng từ cựu lãnh đạo của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Quá trình trỗi dậy nhanh chóng của Maute cũng có dấu ấn nhất định của lực lượng này.
Mohammad Noaim Maute, một trong 7 anh em nhà Maute, bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Cagayan De Oro ngày 15-6 - Ảnh: Reuters |
Mở rộng ảnh hưởng bằng cưới xin
Jannati Mimbantas, một chỉ huy của MILF, thừa nhận giữa lực lượng này và nhóm Maute có mối quan hệ dây mơ rễ má. Chẳng hạn như Omarkhayam và Abdullah - hai thủ lĩnh của nhóm Maute, là anh họ của Azisa Romato - vợ của Alim Abdul Aziz Mimbantas - một thủ lĩnh của MILF.
Hai người này có với nhau một người con gái. Cô này sau đó được gả cho Sanusi - thủ lĩnh của nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah ở Mindanao. Tên này sau đó trở thành "thầy", huấn luyện cho hai anh Maute, theo đài ABS-CBN.
Cuối năm 2016, sau khi kết thúc trận chiến ở Butig, người ta phát hiện trong số những tay súng Maute bị tiêu diệt có một cái xác mặc đồng phục của MILF.
Chi tiết này khi đó đã bị ông Mimbantas phủ nhận, và nhấn mạnh MILF là một tổ chức đấu tranh giành độc lập, không cầm súng chiến đấu và đã ký hiệp ước hòa bình với chính phủ từ năm 2014.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng cho dù đó là người của MILF thật, lực lượng này không thể ngăn cản các thành viên có quan hệ họ hàng với Maute cầm súng chiến đấu giúp đỡ nhóm kia.
Maute hiện cũng đang cung cấp một trại huấn luyện cho các tay súng của MILF ở gần Butig, theo Reuters.
Tin tình báo của quân đội Philippines cho biết hiện tại thành phố Marawi đang có ít nhất 3 nhóm vũ trang khác nhau đang cùng chống lại chính phủ, trong đó Maute đông nhất.
Các chỉ huy quân đội Philippines đang cố gắng kết thúc chiến sự nội trong tuần này do lo ngại sau khi kết thúc tháng chay Ramadan, nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang khác sẽ kéo tới Marawi, chia lửa với nhóm Maute.
Khủng bố có học thức
Abdullah Maute đang chỉ vào một vị trí trên bản đồ Marawi. Ngồi cạnh y là Isnilon Hapilon, kẻ cầm đầu nhóm khủng bố Abu Sayyaf. Quân đội Philippines công bố bức ảnh trên ngày 15-6 - Ảnh: AFP |
Những người tiếp xúc với gia tộc Maute tại Marawi đều ít nhiều có cái nhìn thiện cảm.
"Tụi nó (anh em nhà Maute) đã từng là người tốt. Farhana là một người mẹ mẫu mực. Nhưng đó là chuyện trước khi tụi nó tràn vào chiếm thành phố Marawi", ông Khana-Anuar Marabur Jr - thành viên hội đồng thành phố Marawi, nói với Reuters.
Ông xác nhận rằng một ngày sau khi Marawi bị chiếm đóng, ông đã tới gặp anh em Maute nhưng bị yêu cầu rời khỏi thành phố bởi "đó là mệnh lệnh của IS".
Cho tới bây giờ người ta vẫn chưa biết chính xác liệu hai tên Omarkhayam và Abdullah đã trở thành những người Hồi giáo "cứng rắn". Chính xác là cứng rắn theo cách gọi của người dân Marawi bởi họ không xem nhà Maute là những kẻ cực đoan hay khủng bố.
Ông Joseph Franco, nghiên cứu viên thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng nhóm Maute đang mượn uy IS và cái mác khủng bố cho những toan tính của riêng họ.
Amaq, "cơ quan truyền thông" của IS, trong các bản tin về Marawi tuyệt nhiên không nhắc đến nhóm Maute mà chỉ nói chung chung các phần tử thuộc tổ chức này đang kiểm soát phần lớn thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận