30/04/2017 22:18 GMT+7

​Ba tiêu chí về kẹt xe

N.ẨN - N.TRIỀU - TH.DUNG
N.ẨN - N.TRIỀU - TH.DUNG

TTO - UBND TP.HCM vừa đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng tạm bộ tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc giao thông (gọi tắt là kẹt xe) trên địa bàn TP.HCM.

Dòng xe bị “chôn chân” trên đường Hoàng Văn Thụ hướng từ vòng xoay Lăng Cha Cả về trung tâm thành phố -
 Ảnh: Hữu Khoa
Dòng xe bị “chôn chân” trên đường Hoàng Văn Thụ hướng từ vòng xoay Lăng Cha Cả về trung tâm thành phố - Ảnh: Hữu Khoa

Theo UBND TP.HCM, thời gian qua việc xác định kẹt xe trên địa bàn TP chủ yếu dựa trên cơ sở tiêu chí ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. TP nhận thấy phương pháp xác định này chưa phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Do vậy, cần xây dựng bộ tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng để xác định chính xác tình trạng ùn tắc. Qua đó có cơ sở để phục vụ công tác tổ chức giao thông cũng như hoạch định các chính sách về quản lý và điều hành giao thông đô thị.

Đo bằng vận tốc, thời gian, chiều dài dòng xe

Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết dựa trên cơ sở tham khảo, góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông, UBND TP xác định tình trạng ùn tắc giao thông bao gồm 3 tiêu chí: một là vận tốc trung bình dòng xe thấp hơn hoặc bằng 5 km/h, thấp hơn vận tốc của người đi bộ; hai là ùn tắc kéo dài trên 30 phút; ba là chiều dài dòng xe kéo dài từ 200 - 300m.

Đây là bộ tiêu chí được sử dụng để thống kê số vụ ùn tắc giao thông tương đương mức độ 4 - mức độ thấp nhất.

UBND TP còn cho biết tiêu chí vận tốc trung bình dòng xe nhỏ hơn hoặc bằng 5 km/h được xác định gồm: vận tốc trung bình dòng xe dựa vào thống kê, phân tích dữ liệu giám sát hành trình (GPS) của khoảng 60.000 xe tải, xe khách, taxi và xe buýt; vận tốc trung bình dòng xe dựa vào phân tích hình ảnh dữ liệu từ 471 camera giao thông được kết nối về Trung tâm điều khiển giao thông TP.

Về tiêu chí ùn tắc kéo dài trong thời gian trên 30 phút được giám sát, theo dõi từ hệ thống quản lý tự động trên nền bản đồ số của trung tâm điều khiển giao thông. Riêng tiêu chí chiều dài dòng xe từ 200 - 300m thì được xác định dựa vào phân tích dữ liệu hình ảnh từ hệ thống giám sát hành trình được tính toán trên bản đồ số giao thông.

Theo UBND TP, nếu áp dụng bộ tiêu chí nêu trên thì trong tháng 2 và 3-2017, TP.HCM có 35 vị trí ùn tắc giao thông.

Phải hội đủ 3 tiêu chí mới gọi là kẹt xe

Trao đổi về bộ tiêu chí kẹt xe TP, ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết việc xác định một vụ kẹt xe phải hội đủ bộ gồm 3 tiêu chí, không tính riêng mỗi tiêu chí là một vụ kẹt xe.

Trả lời câu hỏi tại sao năm 2015 sở cho rằng “xe còn nhúc nhích trên 30 phút thì chưa gọi là kẹt xe”, ông Đường nói lúc đó sở căn cứ đề xuất của Ban an toàn giao thông và Công an TP về cách tính kẹt xe khi xác định xe không di chuyển được trên 30 phút.

Giải thích về tiêu chí “tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút”, ông Ngô Hải Đường lấy ví dụ đường Lý Tự Trọng đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi, nếu trong thời gian trên 30 phút mà đoạn đường này có dòng xe chạy dưới tốc độ hoặc bằng 5 km/h và có dòng xe nối dài 200 - 300m thì đưa vào là điểm kẹt xe. Như vậy, giao thông trên đoạn đường này hội đủ các điều kiện của 3 tiêu chí kẹt xe.

Có quốc gia quy định xe không vượt qua được một giao lộ từ 3 chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trở lên thì được xác định là một vụ kẹt xe, liệu sở đề xuất thêm tiêu chí này?

Theo ông Đường, đây là tiêu chí “độ trễ” để xác định kẹt xe. Thực ra sở cũng quan tâm tới tiêu chí “độ trễ”, nhưng do giải pháp kỹ thuật chưa đáp ứng vì chưa kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông và camera về trung tâm điều khiển. Sở sẽ xem xét thực hiện tiêu chí này khi hình thành trung tâm điều khiển giao thông TP.

Mục tiêu của việc đưa ra tiêu chí trên để làm gì? Ông Đường cho biết qua thống kê theo dõi các vụ ùn tắc giao thông, sở sẽ xác định khu vực nào kẹt xe thường xuyên, nguyên nhân, thời gian nào... Từ đó, sẽ nghiên cứu đưa ra một số giải pháp cụ thể như tổ chức phân luồng giao thông, điều tiết giao thông... hoặc xây dựng cầu vượt, hầm chui tại các điểm kẹt xe.

* Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN (chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam):

Việc làm cần thiết

Hiện nay trong các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ dù có nói đến ùn tắc giao thông nhưng chưa làm rõ khái niệm này.

Việc TP.HCM kiến nghị lập bộ tiêu chí xác định ùn tắc giao thông là cần thiết. Thông qua các tiêu chí có thể định lượng được ùn tắc một cách thống nhất. Đồng thời việc thống kê tình hình ùn tắc thông qua các tiêu chí cụ thể sẽ cho thấy rõ sự tăng giảm hiện tượng ùn tắc giao thông hằng năm ở các đô thị, giúp công tác đánh giá, quản lý và đưa ra chính sách hay điều hành giao thông hợp lý hơn.

Ngoài TP.HCM, Hà Nội hay các thành phố khác có tình trạng ùn tắc cũng nên đánh giá tình hình ùn tắc giao thông bằng bộ tiêu chí mang tính định lượng.

T.PHÙNG ghi

Chưa phù hợp thực tế

* TS NGUYỄN QUỐC HIỂN (trưởng khoa công trình Đại học Giao thông vận tải TP.HCM):

Việc Sở GTVT chủ động đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá tình hình kẹt xe dựa trên vận tốc trung bình dòng xe, thời gian kẹt xe kéo dài, chiều dài dòng xe là kịp thời và phù hợp. Các tiêu chí này có thể dễ dàng đo đạc và lượng hóa, qua đó làm căn cứ để so sánh giữa thời gian và không gian khác nhau, giúp đánh giá và kiểm soát tốt hơn hoạt động giao thông TP.

Tuy nhiên về mặt lý thuyết, các tiêu chí đánh giá mức độ kẹt xe sẽ khác nhau cho các loại đường khác nhau, như đường trong đô thị, đường ngoài đô thị, đường nội bộ, đường trục chính... Nên xây dựng bộ tiêu chí cho từng loại đường riêng biệt thay cho việc áp dụng một bộ tiêu chí chung cho tất cả các khu vực.

* Chị NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (một người dân ở Q.Tân Phú):

Tôi cho rằng bộ tiêu chí chưa hợp lý đối với tình trạng giao thông ở TP. Đường Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình) kẹt xe hằng ngày, đường tắc không di chuyển được nhưng các đoạn tắc lại không liền mạch với nhau. Như vậy, nếu áp dụng theo tiêu chí thì các đoạn đường trên có gọi là kẹt không?

TP nên nghiên cứu kỹ hơn về các tiêu chí này sao cho phù hợp với đặc điểm giao thông và cần tập trung thực hiện các giải pháp chống kẹt xe giúp người dân đỡ phải chịu cảnh ùn tắc, khói bụi.

* Anh LÊ VĂN ĐỨC (tài xế ở Q.Tân Bình):

Nếu đợi dòng xe ùn ứ đến 30 phút mới gọi là “ùn tắc giao thông” thì tình hình sẽ rất kinh khủng. Còn quy định dòng xe phải ùn ứ với tốc độ dưới 5 km/h trong thời gian 30 phút trở lên là một hình thức bao biện, né tránh thực tế.

Chẳng hạn, mỗi khi kẹt xe ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai thì dòng xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ bị dồn liên hoàn ở các giao lộ với đường Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu với chiều dài hơn 500m.

Để giải tỏa 500m này cần ít nhất 5 chu kỳ đèn tín hiệu giao thông, cộng với thời gian di chuyển thì mất khoảng 15 phút với vận tốc chỉ 2 km/h. Nếu theo cách tính của bộ tiêu chí kẹt xe, thời gian thoát khỏi đoạn đường này nhỏ hơn 30 phút nên không được coi là kẹt xe. Cứ bao biện như thế này thì không chỉ vài năm mà thậm chí vài chục năm nữa câu chuyện kẹt xe của TP cũng chưa tìm được lối ra.

N.ẨN - N.TRIỀU - TH.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên