05/06/2012 00:01 GMT+7

Ba thời điểm phù hợp để tìm bệnh lý cho thai nhi

(Nguồn: Bệnh viện Hùng Vương)
(Nguồn: Bệnh viện Hùng Vương)

Tin dịch vụ - Chẩn đoán tiền sản là việc chẩn đoán những bất thường của thai từ khi còn trong bụng mẹ với sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm và thiết bị khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa phòng khám của Bệnh viện Hùng Vương, thường khuyên các thai phụ nên đi khám sớm để có thể nắm bắt được tình hình thai nhi. Có 3 thời điểm phù hợp để đi tìm bệnh lý cho thai nhi, cụ thể:

Giai đoạn 1, thai nhi được 10 - 13 tuần, thai phụ được siêu âm để đo độ mờ da gáy và làm xét nghiệm máu douple test (pappA, b hCG). Theo dõi thai trong giai đoạn này để nhận định sớm những thay đổi bất thường của thai kỳ, tiến hành công việc sàng lọc chẩn đoán bất thường cũng như dự phòng được những bệnh lý có thể là nguy cơ gây ra bất thường thai nhi.

Giai đoạn 2, thai nhi từ 20 - 24 tuần, là thời điểm rất tốt để siêu âm 3D, 4D nhằm khảo sát hình thái học cho thai; nếu siêu âm sớm hơn hoặc trễ hơn thời điểm này thì sẽ khó quan sát được những dị tật của thai. Qua siêu âm 3D, 4D có thể phát hiện được những dị tật về hình thể của thai như sứt môi, não úng thủy, thiếu hoặc thừa ngón tay, chân, tim bẩm sinh...

Giai đoạn 3, thai nhi từ 30 - 32 tuần, việc siêu âm sẽ giúp chẩn đoán, phát hiện một số bất thường của thai như: thai chậm tăng trưởng, dây rốn quấn cổ, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…

Đây là 3 thời điểm phù hợp trong việc tìm, phát hiện những bệnh lý của thai nhi (nếu có). Ngoài những thời điểm đó, vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ có thể bỏ sót vì những bệnh lý trên phát sinh nằm ngoài thời điểm được siêu âm; đồng thời mức độ chẩn đoán chính xác còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm. Để việc khám và phát hiện bất thường của thai nhi thuận lợi hơn, bắt buộc bác sĩ chuyên sâu phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, trình độ máy móc kỹ thuật hiện đại, thai phụ đến đúng thời điểm thích hợp. Ngoài siêu âm còn nhiều xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước ối, xét nghiệm bánh nhau, từ đó hình thành cơ sở để chẩn đoán được những bất thường của em bé trước khi sinh.

Cũng theo bác sĩ Hạnh, thai phụ nên đi khám thai định kỳ một cách đều đặn và thường xuyên tại các bệnh viện công, bệnh viện sản, phòng khám sản của các bệnh viện đa khoa để việc theo dõi thai được tốt hơn.

Các cặp vợ chồng cũng nên lưu ý, trước khi có kế hoạch mang thai phải đi khám tổng quát sức khỏe để phát hiện và điều trị bệnh nếu có, nhằm đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Trong quá trình mang thai, nếu phát hiện thai có bất thường thì bác sĩ sẽ tăng cường theo dõi, siêu âm và chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân, như: bất thường thuộc dạng có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, do di truyền, do bất thường mắc phải trong thai kỳ. Việc biết rõ nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ nắm được tình trạng thai nhi, từ đó có hướng theo dõi và xử lý kịp thời. Trong việc xử lý bất thường của thai nhi thì quyết định của thai phụ và người nhà dù đúng hay sai theo chuyên môn vẫn luôn được tôn trọng. Vai trò của người sản khoa và nhi khoa là giúp cho thai phụ và người nhà có đầy đủ thông tin về tình trạng bất thường của thai, hiểu được ích lợi và bất lợi khi họ lựa chọn bất kỳ cách giải quyết nào cho thai.

(Nguồn: Bệnh viện Hùng Vương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên