Osman vượt Địa Trung Hải sang châu Âu trên con tàu cũ chất đầy người như thế này - Ảnh: AFP
Chúng dọa nếu tôi đi báo cảnh sát, chúng sẽ săn tôi như con mồi và truy lùng tìm giết tôi"
Lời khai của người di cư Osman
Osman (tên đã thay đổi) 40 tuổi sinh ra ở Ai Cập. Tháng 7-2015, Osman ra làm nhân chứng trước Ủy ban Chống nô lệ thời hiện đại (CCEM-tổ chức hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Pháp). Lời khai của anh đã vạch trần bộ mặt khủng khiếp sau chuyện đưa người di cư bất hợp pháp.
Rơi vào bẫy đưa người
Tháng 4-2013, Osman gặp một người tên Mohamed X (họ tên đã được xác minh nhưng ẩn danh) tại vùng quê anh ở Ai Cập. Mohamed X tỏ thái độ rất thân thiện, hỏi về công ăn việc làm rồi giải thích ở Pháp có thể kiếm nhiều tiền nuôi gia đình và khi có giấy tờ ở Pháp có thể đi khắp châu Âu. Osman do dự, cuối cùng đồng ý ra đi.
Mohamed X đòi 5.000 euro chi phí vượt Địa Trung Hải. Osman chỉ có 1.000 euro nên phải vay mượn thêm. Điểm hẹn tập trung gần Alexandria nhỏ xíu nhưng có đến 40 người tạm trú.
Một đêm nọ, những người di cư lên xe tải đi một quãng rồi đi bộ đến bãi biển nhỏ. Nhiều tay có súng đưa họ lên một chiếc ghe nhỏ đi ra tàu lớn. Gần 300 người chen chúc trên con tàu dài 20 m. Tàu cập vào bãi biển ở Sicily (Ý). Cảnh sát Ý hay tin đột kích nhưng Osman trốn thoát.
Từ đó trở đi, bọn đưa người là tay chân của Mohamed X hướng dẫn Osman đi tàu tới Napoli, đi tàu hỏa đến Milan, mua thẻ SIM mới và gặp hai tên đưa người chuyên nghiệp gốc Ai Cập. Chúng phụ trách đưa Osman từ Ý sang Paris.
Osman kể lại: "Họ nói với tôi rằng tôi như gói hàng cần giao mà không nói tôi sẽ sống ở Pháp thế nào".
Bọn buôn người đưa người di cư vào làm việc trong các công trường xây dựng nhưng không trả tiền công. Ai hó hé, chúng hăm dọa sẽ báo cảnh sát - Ảnh: AFP
"Mày chỉ là một con chó, một tên nô lệ"
Từ tháng 12-2013 đến 9-2014, Osman được đưa đến làm việc tại ba công trường xây dựng ở khu vực Paris. Nơi trú ngụ bên trong container. Ban đêm Mohamed X khóa cửa container lại. Container không điện, không nhà vệ sinh, nước lấy từ vòi tưới vườn. Mỗi khi chuyển công trường, Mohamed X lấy xe đưa đi vào ban đêm.
Ngày Osman lấy can đảm yêu cầu trả lương, Mohamed X đánh không trượt phát nào rồi hăm dọa sẽ báo cảnh sát và đe dọa gia đình Osman ở Ai Cập.
Tháng 9-2014, sau khi công trường xây dựng thứ ba kết thúc công trình, bọn buôn người bỏ rơi hàng chục người Ai Cập. Thầu xây dựng biến mất. Họ trở thành người cư trú bất hợp pháp.
Một tối tháng 5-2015, Osman tình cờ gặp lại Mohamed X ở lối vào một quán cà phê. Osman đòi tiền công và chỉ trích hắn đã đưa anh vào cảnh này.
Phản ứng của Mohamed X chẳng khác gì tên tội phạm. Hắn hăm he sẽ xử toàn bộ gia đình Osman. Bọn đi chung với hắn túm lấy Osman đánh vào mặt. Chúng dọa nếu Osman đi báo cảnh sát, chúng sẽ săn lùng anh như con mồi và tìm giết anh. Mohamed X nói mấy câu Osman không bao giờ quên: "Mày chỉ là một con chó, một tên nô lệ".
Một số tiệm mát xa ở Paris che giấu hoạt động mại dâm. Nhân viên mát xa là các cô gái trẻ châu Á không giấy tờ tùy thân - Ảnh: AFP
Nô lệ thời hiện đại
Liên Hiệp Quốc đánh giá trong hệ thống phân cấp làm giàu bất chính liên quan đến tội phạm có tổ chức trên thế giới, nạn buôn lậu người di cư đứng thứ hai sau buôn ma túy.
Năm 2018, Cơ quan Trấn áp nhập cư bất hợp pháp và sử dụng lao động nước ngoài không giấy tờ của Pháp (OCRIEST) đã tiến hành chuyên án mang bí danh "chuyên án Anmo", qua đó triệt phá một mạng lưới hỗ trợ nhập cảnh, vận chuyển và lưu trú bất hợp pháp cũng như tìm việc cho người nước ngoài cư trú trái phép và kinh doanh mại dâm.
Mạng lưới này gồm 11 tên phụ trách tổ chức và bốn nhân viên điều hành hơn chục tiệm mát xa ở Paris. Trên thực tế đó chỉ là vỏ bọc che giấu hoạt động mại dâm. Các nhân viên là các cô gái trẻ châu Á không có giấy tờ tùy thân làm mát xa kiêm luôn "mát gần".
OCRIEST đánh giá: "Lợi dụng việc đưa người di cư, một số chủ lao động vô đạo đức không ngần ngại sử dụng người di cư hoặc ký hợp đồng với các công ty muốn tuyển lao động giá rẻ".
Dù vậy, Sylvie O’Dy – người đồng sáng lập CCEM nhận định rất phức tạp để chứng minh mối liên kết hữu cơ giữa bọn buôn người và nạn bóc lột lao động.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm, cô chắc chắn một số lượng đáng kể người di cư qua tay bọn buôn người đã bị bóc lột trong các lĩnh vực làm việc nhà, xây dựng, làm nông, may mặc, dịch vụ hỗ trợ (người già, trẻ em, người bệnh…), vệ sinh công nghiệp, phục vụ ăn uống và tất nhiên có lĩnh vực kinh doanh thân xác.
Báo cáo của CCEM ghi nhận rất nhiều nạn nhân người di cư không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, nhất là sợ gia đình họ ở quê nhà gặp chuyện không may.
Bọn buôn người cầm giữ người ở Pháp
OCRIEST ghi nhận các đường dây đưa người di cư bất hợp pháp qua biên giới Pháp đến Anh, Bắc Âu và Đức để lấy tiền công. Song tuyến đường này chỉ dành cho người di cư đến từ Sừng châu Phi, Trung Đông và Trung Á cư trú trong các lán trại ở Paris, tỉnh Nord và tỉnh Pas-de-Calais.
Trong khi đó, nhằm mục đích thu lợi bất chính, chúng sẵn sàng sử dụng mọi cách thức bất hợp pháp để giữ lại ở Pháp hàng trăm ngàn người di cư đến từ Bắc Phi, khu vực châu Phi nói tiếng Pháp, Đông Âu và châu Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận