Ba thách thức mới cho người lao động

TTCT - Việt Nam rõ ràng cần duy trì được một nền dân số trẻ, có trình độ, kiến thức và kỹ năng. Có như vậy, người lao động Việt Nam mới tận dụng và phát huy được những thay đổi đang và sẽ diễn ra trong tương lai...

Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân người lao động cần tự trang bị kiến thức, nâng cao tay nghề để thích ứng bối cảnh mới. Ảnh: Đ.BÌNH
Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân người lao động cần tự trang bị kiến thức, nâng cao tay nghề để thích ứng bối cảnh mới. Ảnh: Đ.BÌNH

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Nhật Bản, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới hiện nay, là một ví dụ phát triển mà nhiều quốc gia trên thế giới muốn học theo, bao gồm cả VN. Tuy nhiên trước đây, Nhật Bản cũng gặp không ít lúng túng trong ứng phó với những vấn đề thời đại mà có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Như vấn đề già hóa dân số, năm 2018, dân số già (từ 65 tuổi trở lên) tại Nhật Bản gần 36 triệu người, chiếm hơn 28% tổng dân số, đạt mức kỷ lục và cao hơn Mỹ và các nước châu Âu. Trong khi đó, trẻ em (0-14 tuổi) ở Nhật Bản chỉ chiếm 12,2%, mức thấp nhất từng được ghi nhận. Tình trạng này đang đe dọa cơ cấu lao động của Nhật Bản, gia tăng nguy cơ thiếu lao động trầm trọng trong thời gian tới.

Ngày 28-4 vừa qua tại VN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.

Điều này cho thấy Chính phủ đang rất quan tâm đến vấn đề già hóa dân số đang diễn ra ở VN. Nếu không có những quyết định như trên và thêm nhiều giải pháp tương tự trong thời gian tới, tốc độ già hóa ở VN (từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019) sẽ đưa VN tới trước những nguy cơ thiếu hụt lao động như Nhật Bản đang đối mặt hiện nay.

Thêm vào đó, cơ cấu lao động ở VN đang đứng trước ba tác động lớn, có khả năng thay đổi căn bản phân bổ lao động - việc làm và tác động sâu sắc đến các chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Thứ nhất, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường lao động VN qua sự biến chuyển của đa số các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế.

Thứ hai, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ định hướng lại các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ trên thế giới trong khi tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của VN đã vượt qua con số 200% GDP. Thứ ba, đại dịch COVID-19 tuy cơ bản được khống chế ở VN nhưng còn diễn biến rất phức tạp ở cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, sẽ khiến các nhà đầu tư quốc tế đã và đang cân đối, phân bổ lại dòng vốn FDI trong khu vực và ở VN.

Lao động phải có trình độ, tay nghề

Trong khi cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi cách thức sản xuất và chế tạo, nhu cầu về lao động kỹ năng, trình độ cao sẽ tăng mạnh; các chủ thể tham gia thị trường lao động sẽ đa dạng hơn; và công nghệ mới sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới với ứng dụng công nghệ cao.

Trong ngắn và trung hạn, VN đã và đang đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế, như AHKFTA với đối tác chính là Hong Kong (Trung Quốc) và ASEAN, CPTPP với các đối tác hai bên bờ Thái Bình Dương và EVFTA với các nước EU.

Người lao động trong nước, nhất là lao động có tay nghề, sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường rộng lớn và đa dạng, cơ hội nhận được sự bảo vệ, điều kiện làm việc tốt hơn khi mà các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có những điều khoản nhằm nâng cao điều kiện làm việc của người lao động và vị thế đàm phán của người lao động trước giới chủ.

TS Nguyễn Xuân Hải. Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Xuân Hải. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, người lao động sẽ phải đối mặt với ba thách thức mới, bao gồm quy mô việc làm thu hẹp do tự động hóa, một số ngành nghề thu hẹp do hội nhập kinh tế và bất bình đẳng thu nhập gia tăng. 

Cách mạng công nghệ 4.0 với nền tảng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra lực lượng robot có năng lực thao tác trong những công việc đòi hỏi sự tinh vi với giá rẻ hơn trước đây rất nhiều, mà không chịu các chi phí như đào tạo ban đầu, ốm đau, thương tật, lãn công, đình công hay thậm chí trộm cắp tại nơi sản xuất.

Trong khi đó, hội nhập kinh tế và những dòng vốn đầu tư nước ngoài sắp tới sẽ thay đổi cơ cấu ngành nghề ở VN, mở rộng các ngành như dệt may, du lịch, sản xuất, chế biến, lắp ráp... nhưng thu hẹp các ngành vốn dĩ yêu cầu lao động thủ công, trình độ thấp.

Những lao động có tay nghề nằm trong ngành nghề có nhu cầu lao động mở rộng sẽ hưởng lợi, thu nhập tăng nhưng những lao động khác thu nhập sẽ giảm và tạo nên sự doãng rộng trong thu nhập giữa các nhóm.

Trước những cơ hội và thách thức trên, VN rõ ràng cần duy trì được một nền dân số trẻ, có trình độ, kiến thức và kỹ năng và được tiếp cận thông tin đầy đủ, cập nhật. Có như vậy, người lao động VN mới tận dụng và phát huy được những thay đổi đang diễn ra.

Kiến nghị chính sách

Nhật Bản trong hơn 20 năm qua đã ban hành nhiều bộ luật và chính sách, như Luật nghỉ phép để chăm sóc trẻ em, nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn, tăng tuổi nghỉ hưu và sử dụng nhiều hơn nữa lao động nhập cư. Đây là những chính sách mà VN hoàn toàn có thể tham khảo và học hỏi.

Ngoài ra, VN cần có những chính sách đẩy mạnh phát triển thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu để tăng hiệu quả hoạt động của thị trường; mở rộng quy mô lao động khu vực chính thức để tăng tính ổn định của thị trường và có những chính sách để bảo vệ những lao động yếu thế, dễ bị tổn thương trước những thay đổi của kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa những chính sách về đào tạo, tái đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Khi trình độ người lao động được nâng cao về cả kiến thức và kỹ năng và khi họ có thông tin đầy đủ, chính họ cũng sẽ có những sự chuẩn bị hợp lý nhất cho những thay đổi trong tương lai. ■

3.000 - 5.000 tỉ đồng để đào tạo lại lực lượng lao động

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp sáng 9-5 do Thủ tướng chủ trì, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ đề xuất Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.

Theo ông Dung, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19, đến đầu tháng 5-2020 có tới 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng: 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc...

Chính phủ đã có những nghị quyết, quyết định với gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỉ đồng. Trên 20 triệu lượt người được nhận khoản hỗ trợ này.

Tuy nhiên về lâu dài, thị trường lao động VN sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Dung, với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hằng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn với khoảng 70.000 - 80.000 người/tháng. Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị.

“Tổ chức Lao động quốc tế đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.

Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo ông Dung, về phương thức, sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp. 

ĐỨC BÌNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận