Bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: REUTERS
Phiên tòa xử bà Aung San Suu Kyi diễn ra sáng 10-1, gần 1 năm sau khi quân đội bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân sự Myanmar vào ngày 1-2 năm ngoái.
Tướng Zaw Min Tun xác nhận với Hãng thông tấn AFP việc bà Suu Kyi sẽ còn đối mặt nhiều phiên tòa xét xử các tội danh khác. Trong thời gian chờ đợi, bà sẽ bị quản thúc tại gia.
Trước đó, một nguồn tin của AFP am hiểu tình hình Myanmar cho biết bản án 4 năm tù của bà Suu Kyi là do bà đã phạm 3 tội hình sự, gồm tội nhập lậu và tội sử dụng trái phép bộ đàm, một tội khác liên quan đến quy định phòng dịch COVID-19.
Lực lượng an ninh Myanmar đã thu giữ một số thiết bị bộ đàm tại nhà của bà Suu Kyi sau cuộc chính biến tháng 2-2021 và cáo buộc bà đã nhập thiết bị này mà không khai báo.
Ngoài các tội danh nêu trên, bà Suu Kyi còn phải đối mặt với nhiều tội danh tham nhũng mà nếu bị kết tội có thể đối mặt hàng chục năm tù.
Một số đồng minh chính trị của bà cũng bị bắt và xét xử, trong đó có ông Win Myint - người giữ ghế tổng thống khi bà Suu Kyi nắm vai trò "Cố vấn nhà nước Myanmar".
Trong phiên tòa kết án đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, bà Suu Kyi bị tuyên 4 năm tù vì tội kích động bạo lực và vi phạm các nguyên tắc chống dịch trong thời gian vận động tranh cử.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng sau cuộc chính biến và đang đứng đầu chính quyền Myanmar, sau đó ra lệnh giảm án cho bà Suu Kyi xuống còn 2 năm.
Cuộc chính biến tháng 2-2021 diễn ra không lâu sau khi Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020.
Phía quân đội cáo buộc có gian lận bầu cử và tiến hành bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của chính quyền dân sự với lý do bảo vệ hiến pháp.
Hành động của quân đội dẫn tới các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar và khiến nhiều nước lo ngại, kêu gọi các bên liên quan hòa giải và đối thoại để xuống thang căng thẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận