11/01/2022 11:21 GMT+7

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

Xây dựng chính quyền số, 'số hóa' các thủ tục hành chính, tài liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp được chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân - Ảnh 1.

Màn hình kiểm soát giao thông tại Trung tâm điều hành thông minh TP Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Những năm qua, nhiều tiện ích đã được tích hợp và ra đời giúp giảm bớt nhiều thủ tục hành chính.

Năm 2021 là một dấu mốc khá đặc biệt của chuyển đổi số tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là tháng 5-2021, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính.

Nhiều app cho đời sống người dân

Trước đó, chính quyền các cấp và sở ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng (app) trên điện thoại di động để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Cuối năm 2020, TP Vũng Tàu đưa vào sử dụng "trung tâm điều hành đô thị thông minh". Cùng với trung tâm này, chính quyền Vũng Tàu sử dụng ứng dụng "VungtauIOC" trên điện thoại di động. Ứng dụng này giúp người dân, DN dễ dàng nộp các giấy tờ cũng như biết trước mình cần những giấy tờ gì để chuẩn bị. Đáng chú ý, thông qua ứng dụng "VungtauIOC", người dân có thể phản ảnh và tương tác thuận tiện với chính quyền về các vấn đề xã hội bất cập mà mình chứng kiến.

Ứng dụng này còn giới thiệu cho du khách các điểm du lịch, ăn uống, di tích tại TP Vũng Tàu... Trung tâm điều hành thông minh Vũng Tàu còn giúp chính quyền giám sát giao thông, kịp thời phát hiện các vụ cháy, nổ, theo dõi hoạt động của tàu cá...

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham quan, trải nghiệm mạng 5G - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sử dụng ứng dụng "quản lý đất công" với dữ liệu của hơn cho 7.500 khu đất có tổng diện tích 11.104ha.

Dữ liệu này được công bố đến công dân và DN. Đồng thời công bố thông tin vệ tinh của các khu đất dự kiến được đem ra đấu giá dưới dạng "WebGIS" để giúp người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, biết được thông tin khu đất.

Tháng 11-2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai trương ứng dụng tích hợp chữ ký số trên nền tảng di động vào dịch vụ công của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong giao dịch.

Ông Lê Văn Tuấn, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết giải pháp chữ ký số "usb token" có những bất tiện khi sử dụng thì chữ ký số trên nền tảng di động dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều cho người dùng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

“Tỉnh thực hiện chương trình chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chúng tôi xác định chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh tiệm cận được với các đô thị thông minh trong khu vực và thế giới với các lĩnh vực: kinh tế, quản trị, môi trường, giao thông, cư dân. Kinh phí để phát triển đô thị thông minh lên đến hàng ngàn tỉ đồng".

Ông Trần Văn Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nhiều ứng dụng tiện ích cho chính quyền, ngành chức năng

Đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản hình thành chính quyền điện tử. Từ tháng 7-2017, toàn bộ các cơ quan, đơn vị nhà nước ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy.

Đến nay 100% các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh đã xử lý văn bản hoàn toàn trên mạng Internet bằng phần mềm "eOffice" và liên thông 4 cấp, từ xã đến Chính phủ. Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có "sổ tay quản lý đất đai" chạy trên hai hệ điều hành Android và iOS để nhân viên công vụ có đầy đủ dữ liệu về đất đai...

Sau một năm đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành thông minh TP, ông Vũ Hồng Thuấn, phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết việc sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ người dân và quản lý đô thị đã mang lại nhiều giá trị thiết thực, sát sườn.

Đó là chất lượng đời sống của người dân được nâng cao vì không phải đi lại nhiều khi làm các dịch vụ công. Đó là chính quyền điều hành và quản trị xã hội hiệu quả hơn. Từ đó, năng lực quản lý, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cũng được nâng lên đáng kể.

Đáng chú ý, vào tháng 6-2021, khi lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ngoài cộng đồng, những ứng dụng số đã được tỉnh này sử dụng để phục vụ hiệu quả cho cuộc chiến chống đại dịch.

Cụ thể Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số ít các tỉnh thành sử dụng ứng dụng "Zalo connect" để kết nối, hỗ trợ người dân trong mùa dịch. Tỉnh này cũng áp dụng nhắn tin khi thuê bao di động đi vào tỉnh để tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19.

Năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có việc "thanh toán không dùng tiền mặt", tăng tỉ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử lên 90%.

Năm 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 7 cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index). Đến nay 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4.

Tỉnh này cũng bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp với kế hoạch tạo 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã hoàn thành kết nối Hệ thống hội nghị truyền hình đến 100% cấp xã theo yêu cầu của Chính phủ và đã sử dụng để phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên