Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao trong thời gian tới.
Dọc theo con đường ven biển kéo dài từ đèo Nước Ngọt (huyện Long Điền) sang đến Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) là các khu nghỉ dưỡng cấp cao.
Theo một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc phát triển các đô thị du lịch theo định hướng xanh, hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội sẽ từng bước định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.
Riêng Bãi Sau (TP Vũng Tàu) sẽ được xây dựng để có diện mạo mới và đẳng cấp, xứng đáng là điểm nhấn của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho biết TP Vũng Tàu đang chỉnh trang Bãi Sau để làm điểm nhấn thu hút du khách, tổ chức các sự kiện đông người, cùng các công trình dịch vụ công cộng, nơi sinh hoạt, buôn bán vào ban đêm.
Về lâu dài, Vũng Tàu sẽ tổ chức đấu giá đất để doanh nghiệp làm khu mua sắm, vui chơi, giải trí ở dưới lòng đất tại khu vực sát biển, thay cho mặt tiền biển như hiện nay.
Trong khi đó, bà Lê Thị Trang Đài, chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, cho biết ngành du lịch địa phương này đã có bước phát triển mạnh những năm gần đây, thu hút rất nhiều dự án đầu tư, doanh thu du lịch hằng năm tăng...
Tuy vậy, tốc độ phát triển của du lịch địa phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả.
Tuy nhiên, giữa năm 2022, địa phương đã phê duyệt đề án phát triển du lịch bền vững đến năm 2030 với mục tiêu trở thành một thiên đường du lịch hấp dẫn và lôi cuốn du khách.
Ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có đủ điều kiện thúc đẩy tăng trưởng về du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
"Để chuẩn bị cho việc này, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng đề án về thị trường để có chương trình, kế hoạch xúc tiến du lịch bài bản hơn, đồng thời tăng cường công tác đối ngoại, liên kết trong và ngoài nước", ông Trịnh Hàng nói và cho biết địa phương này cũng đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch, hình thành và đưa vào hoạt động kinh tế đêm...
Với các dự án giao thông kết nối quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ hoặc gấp rút khởi công như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến được khởi công từ giữa tháng 6-2023, và đường 994, con đường xuyên qua gần hết các đơn vị hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã được thi công mở rộng nâng cấp từ giữa tháng 4-2023, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Phương Hà, một người dân ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết một trong những lý do anh ngại đến Vũng Tàu là bởi quốc lộ 51 thường kẹt xe, ùn ứ. Đó cũng là tâm lý chung của hàng triệu du khách.
Chỉ đến khi các trạm thu phí trên quốc lộ 51 tạm dừng, lượng du khách mới đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều hơn, nhất là trong dịp lễ 30-4 và 1-5.
"Sau khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường 994 được đưa vào sử dụng, chắc chắn nhiều du khách sẽ chọn các khu nghỉ ven biển Hồ Tràm, Bình Châu hay Phước Hải làm nơi nghỉ ngơi vào các dịp cuối tuần", một du khách nhận định.
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung phát triển du lịch ven biển
Theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua, đến năm 2025, "du lịch và đô thị" sẽ là một trụ cột kinh tế của địa phương này, thay cho "nông nghiệp công nghệ cao".
Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung phát triển du lịch ở khu vực ven biển phía đông nam và Côn Đảo, hình thành trục động lực kinh tế du lịch theo đường 994 từ Vũng Tàu sang Bình Châu (huyện Xuyên Môc).
Đặc biệt, sẽ phát triển chuỗi đô thị ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm và Bình Châu, trong đó xác định TP Vũng Tàu là "trái tim" của du lịch tỉnh này với chất lượng đẳng cấp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận