Buổi họp ra quyết định xử lý sai phạm của Tư Lách diễn ra rất căng thẳng. Anh Sáu bí thư đập bàn ầm ầm:
- Tư Lách làm càn, lạm quyền, dám cho tư thương phá rừng nuôi bò. Phá hoại rừng phòng hộ. Nhiệm kỳ qua, Tư Lách còn dung túng cho mấy nhà thầu làm ăn cẩu thả, mấy con đường dẫn vào làng mới khánh thành, hai ba tháng sau thì xảy ra sụt lún. Tội này nặng lắm không xử lý mạnh tay thì dân trong xã này sẽ mất lòng tin với lãnh đạo.
Tư Lách nghe anh Sáu bí thư tố mình ngồi im re. Lại thấy chị Ba phụ nữ đứng dậy tiếp tục tố cáo:
- Tui còn nghe anh Tư Lách đạo đức không chuẩn mực, cặp bồ với mấy cô chân dài, đến nỗi có con rơi ngoài giá thú. Tôi đề nghị chúng ta xử lý thật nghiêm minh.
Tư Lách đắng lòng, chị Ba này ngày xưa Tư Lách xem như “anh em một nhà, một miếng cắn làm ba”, vậy mà...
Lúc bấy giờ anh Năm hội đồng cũng đứng dậy lên tiếng:
- Tư Lách thường xuyên ăn nhậu trong giờ làm việc, chi tiêu công quỹ vô tội vạ vào mấy cái sự kiện tào lao của làng, làm thâm hụt công quỹ, xin cấp trên có biện pháp xử lý thích đáng.
Tư Lách giận tái mặt, lòng rủa: “Dậu đổ bìm leo, thằng Năm mày quên ai đỡ nâng đỡ mày rồi! Đồ bạc bẽo”.
Cả đám cán bộ chủ chốt trong làng hùa nhau đòi xử tội Tư Lách. Thấy tình thế nguy hiểm, Tư Lách khúm núp đứng dậy:
- Tội tôi gây ra thì tôi chịu. Nhưng mong cấp trên thương tình xét lại dầu gì tôi cũng có gần 20 năm cống hiến cho cái làng này. Tư Lách vốn rất giỏi việc “lách” nên nghĩ tới ngay “quyền trợ giúp” thứ nhất.
Hắn tiếp lời:
- Nay để cho đúng tinh thần dân chủ, tôi đề nghị mấy anh cho biểu quyết, nếu số đông cho tôi có tội, thì Tư Lách này xin đứng ra chịu tội!
Tư Lách vốn rất tự tin, ngoài chị Ba phụ nữ, Năm hội đồng, tay chân Tư Lách còn anh Tám phó bí thư, chị Chín trên huyện, cô Mười cán bộ hưu trí... phần thắng năm sáu phần trong tay.
Anh Sáu bí thư liếc Tư Lách một cái ngọt lịm rồi cho biểu quyết. Tư Lách toàn thân run rẩy, “một người tính không bằng nhiều người tính”. Anh Tám, chị Chín, cô Mười… đồng loạt giơ tay theo phe của chị Ba, anh Năm. Tư Lách chết trân như Từ Hải chết vì gái.
Anh Sáu bí thư đứng dậy phát biểu:
- Như vậy đã rõ, tội Tư Lách rành rành không còn gì để chối cãi! Tư Lách nhất định phải bị trừng trị trước pháp luật.
Thoáng chút hụt hẫng, Tư Lách lanh trí nghĩ ngay tới “quyền trợ giúp” thứ hai:
- Nếu các anh chị cho Tư Lách có tội, thì Tư Lách này xin nhận. Nhưng mong các anh chị giơ cao đánh khẽ để Tư Lách xin rút kinh nghiệm, tự kiểm điểm (Tư Lách hy vọng với chiêu này, có thể làm giảm tội của mình, cùng lắm là kiểm điểm trước toàn làng).
Ai dè chị Chín huyện ủy đứng phắt dậy, mắt trừng trừng nhìn vào Tư Lách:
- Không được nhẹ tay với Tư Lách, sai phạm của Tư Lách có tính hệ thống, Tư Lách làm lãnh đạo quan liêu, vô trách nhiệm dẫn tới việc làng này thiệt hại nặng nề về kinh tế, bản thân làm lãnh đạo mà Tư Lách suy thoái đạo đức, bồ bịch lăng nhăng… nhất định làng ta phải xử đúng người, đúng tội
Tư Lách nghe trời xoay, đất chuyển… tối tăm mặt mày. Cả đám hô hào:
- Phải xử Tư Lách, phải xử Tư Lách!
Toàn thân Tư Lách run lập bập, cố gắng hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Tư Lách xin phép anh Sáu bí thư ra ngoài gọi điện thoại cho người thân. Đây là quyền trợ giúp cuối cùng của Tư Lách. Chẳng biết Tư Lách gọi cho ai và nói cái gì?
Một lúc sau điện thoại anh Sáu bí thư vang lên như sấm rền. Mọi người chỉ thấy anh Sáu: “Vâng vâng... Dạ, dạ...” với người bên đầu kia điện thoại, mặt anh Sáu tái xanh.
Anh Sáu cho triệu tập mọi người vào phòng họp kín:
- Chúng ta đã sai lầm khi tố cáo anh Tư Lách, người cán bộ nhiệt thành của làng này. Bởi chúng ta quá chủ quan, tin lời tố cáo nặc danh mà không kiểm chứng. May mà cấp trên có chỉ thị kịp thời. Không thì chúng ta mất đi một người lãnh đạo tài năng. Anh Sáu bí thư vỗ vai Tư Lách an ủi:
- Thiệt là làm khổ anh Tư!
Tư Lách nhếch môi cười, xóa tan mọi căng thẳng trong phòng họp. Chị Ba, anh Năm, anh Tám, cô Mười… cũng nhe răng cười với Tư Lách. Tư Lách đã được giải cứu thành công ngoài mong đợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận