Tình nguyện viên chăm sóc các phi hành gia lúc trở về - Ảnh: AFP
Tàu vũ trụ Soyuz MS-09 do Nga sản xuất chở 3 phi hành gia đã đáp xuống vùng phủ tuyết rộng lớn ở Kazakhstan, nằm cách thành phố Dzhezkazgan khoảng 140km về phía đông nam ngày 20-12.
Nhóm các phi hành gia bao gồm bà Serena Aunon-Chancellor từ NASA, ông Sergey Prokopyev từ Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) và ông Alexander Gerst từ Cơ quan vũ trụ châu Âu - những người đã công tác trên ISS trong vòng 197 ngày, phục vụ cho sứ mệnh Expeditions 56 và 57.
Chuyến trở về của 3 phi hành gia là bắt buộc khi tháng 8 vừa qua, trên không gian họ phát hiện phần trên của tàu Soyuz MS-09 xuất hiện lỗ thủng với đường kính 2mm, làm cho áp suất không khí bên trong giảm dần.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do sự va chạm giữa Soyuz MS-09 và một siêu thiên thạch. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia từ Cơ quan vũ trụ Nga không loại trừ khả năng cái lỗ này bị ai đó cố tình khoan thủng.
"Đây có thể là lỗi sản xuất nhưng cũng có thể là một hành động cố ý" - ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu Roscosmos, từng lên tiếng trước truyền thông và cho biết sẽ tham gia điều tra khi tàu về lại Trái đất.
Nếu lỗ hổng này không được phát hiện, các phi hành gia có thể sẽ cạn kiệt khí oxy trong vòng 18 ngày.
May mắn nó đã được phát hiện. Nhóm phi hành gia sau đó đã khắc phục nó theo kiểu "dã chiến" và lập tức trở về. Rất may chuyến hành trình an toàn.
NASA cho biết các phi hành gia đã di chuyển 3.152 vòng Trái đất với quãng đường trên 134 triệu cây số và thực hiện trên 300 thí nghiệm khoa học trong khoảng nửa năm hoạt động.
Lỗ thủng xuất hiện trên tàu Soyuz MS-09 - Ảnh: NASA
Hình ảnh con tàu chở các nhà vũ trụ vừa đáp xuống đất - Ảnh: REUTERS
Người dân chào đón và tổ chức một buổi tiệc nhỏ mừng các phi hành gia - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận