Đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH của bà được gửi đi "quá muộn" - Ảnh: TL
Trước đó, ngày 4-5, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật đảng bằng hình thức cách hết các chức vụ mà bà Phan Thị Mỹ Thanh nắm giữ, cao nhất là chức phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai.
Cùng với cách hết chức vụ, Ban Bí thư cũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Thanh theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, một ĐBQH có quyền xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác, ví dụ trường hợp ông Ngô Đức Mạnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ để đi làm Đại sứ VN tại Liên bang Nga.
Nhưng chuyện cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội cũng từng được áp dụng với ông Võ Kim Cự, sau khi ông này bị xử lý kỷ luật. Trường hợp này từng gây ra quan điểm khác nhau, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng đã bị kỷ luật thì phải bị bãi nhiệm chứ không thể cho thôi nhiệm vụ.
Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm".
Nếu thực hiện đúng đề nghị của Ban Bí thư thì bà Phan Thị Mỹ Thanh thuộc trường hợp bị bãi nhiệm và phải do Quốc hội hoặc cử tri quyết định, chứ không thuộc trường hợp cho thôi nhiệm vụ (thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận