TTCT - Sở An toàn thực phẩm đủ cơ chế, đủ quyền để quản lý và tham mưu cho UBND TP nhưng không phải là "cây đũa thần" có thể làm tình hình an toàn thực phẩm tốt ngay được. Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG ĐỊNH Sở An toàn thực phẩm đủ cơ chế, đủ quyền để quản lý và tham mưu cho UBND TP nhưng không phải là "cây đũa thần" có thể làm tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) tốt ngay được. Bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. UBND TP.HCM đang hoàn tất thủ tục để HĐND ra quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm - một cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP - theo nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đề án này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ được chuyển "nguyên đai nguyên kiện" thành Sở An toàn thực phẩm, không tăng kinh phí, biên chế so với hiện tại. "Tôi vẫn là trưởng ban đến ngày công bố quyết định thành lập sở", bà Lan nói.ATTP chỉ tốt hơn, chưa tốt nhất Lĩnh vực an toàn thực phẩm luôn "nóng" vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân. Sở An toàn thực phẩm sắp thành lập liệu có đủ cơ chế, quyền và lực để quản lý?Vì Ban An toàn thực phẩm hiện tại có thẩm quyền ngang bằng đơn vị cấp sở nên từ ban chuyển thành sở không tăng thêm thẩm quyền. Về tinh thần thì tôi và anh em trong ban thấy yên tâm hơn vì mình không còn… khác người, quan trọng là đủ cơ sở để hoạt động như một cơ quan tham mưu của UBND TP.Về mặt pháp lý, sở sẽ không bị vướng những quy định kiểu như văn bản này chỉ áp dụng đối với các sở, thẩm quyền chỉ cho giám đốc sở chứ không quy định cho trưởng ban.Thậm chí, trước đây có các quy phạm pháp luật dành thẩm quyền cho "giám đốc sở hoặc tương đương" nhưng văn bản mới ban hành thay thế bỏ 3 chữ "và tương đương" nên trưởng ban không được ký, không được xử lý gây khó khăn trong quản lý. Cái thuận lợi nữa là sở sẽ có phòng thanh tra, có thanh tra viên sẽ linh động trong công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc tại cơ sở.Việc lập Sở An toàn thực phẩmsắp tới cũng thí điểm, chỉ là… cao cấp hơn (thí điểm theo nghị quyết của Quốc hội thay vì theo quyết định của Chính phủ). Khi hết thời hạn của nghị quyết, vẫn phải tổng kết đánh giá rồi chờ… quyết định tiếp. Nhưng dẫu sao, bước đầu cũng thiết lập được mô hình hoạt động, thống nhất đưa quản lý an toàn thực phẩm từ ba sở về một sở xem như thành công của TP.HCM.Tôi vẫn thiết tha muốn Sở An toàn thực phẩm giữ được mô hình đặc thù mà ban đã hoạt động tương đối hiệu quả qua 6 năm qua. Đó là tổ chức các đội quản lý An toàn thực phẩm ở địa bàn, là cánh tay nối dài của ban ở địa phương. Đặc điểm của các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là xảy ra nhanh, khuất mặt và giấu giếm, xóa dấu vết nhanh. Nếu chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, có thông báo trước thì làm sao tìm ra vi phạm để xử lý? Đội quản lý an toàn thực phẩm ở tại chỗ, nắm địa bàn và kịp thời hỗ trợ địa phương, ứng phó nhanh với thông tin vi phạm.Về "lực" thì tất nhiên là chưa đủ. Biên chế qua 6 năm qua của Ban An toàn thực phẩm từ 468 người ban đầu nay còn 369 người, lập sở cũng khó có khả năng được tăng thêm biên chế. Trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 10 đội quản lý an toàn thực phẩmquản lý 3 chợ đầu mối, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Mỗi đội chỉ có 20 người, thậm chí có đội chỉ có 15 người nhưng công việc cần đến 30 người.TP.HCM đã có Ban Quản lý An toàn thực phẩm từ năm 2017 nhưng đến nay người dân chưa yên tâm về an toàn thực phẩm. Rau bẩn vẫn vào siêu thị, buôn bán thực phẩm vỉa hè không rõ nguồn gốc xuất xứ. Liệu lập Sở An toàn thực phẩm thì tình hình này có được cải thiện không?Việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm là cơ sở để TP.HCM xây dựng một kế hoạch dài hơi bài bản về việc xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn. Theo tôi, tình hình an toàn thực phẩm của TP.HCM có chuyển biến tốt từ khi thành lập ban năm 2017 đến nay. Việc này được đánh giá trên 4 tiêu chí là thanh kiểm tra nhiều hơn, xử phạt nghiêm khắc hơn; ngộ độc xảy ra ít hơn về số lượng và quy mô; thực phẩm đạt danh hiệu chuỗi thực phẩm an toàn, Global GAP, VietGAP ngày càng nhiều trên thị trường; và cuối cùng thực phẩm được kiểm nghiệm ngày càng nhiều, số mẫu kiểm nghiệm, số lượng thực phẩm đạt chất lượng năm sau nhiều hơn năm trước.Tuy nhiên, ban hay sở An toàn thực phẩm cũng không phải là cây đũa thần, lập xong một cái là quản lý được hết thực phẩm bẩn, không còn ngộ độc. Tôi chỉ nói tình hình an toàn thực phẩm ở TP.HCM những năm gần đây tốt hơn thôi, chứ chưa là tốt nhất. Những vụ việc thiên về phòng ngừa thì ban đã làm được, còn những vụ việc lẻ mẻ thì… hên xui. Ví như việc đưa phần lớn thực phẩm vào hệ thống phân phối để quản lý, kiểm nghiệm phòng ngừa thì làm được chứ người dân tự pha rượu uống rồi ngộ độc thì… chưa biết phòng bằng cách nào. Số lượng vụ ngộ độc thực phẩm ghi nhận được là ngộ độc cấp tính, còn tình trạng thực phẩm bị ô nhiễm, ăn vào trong người đến 10 năm sau mới phát bệnh thì chưa đo đếm được. Rồi tình trạng thực phẩm bẩn "đội lốt" thực phẩm sạch cũng chưa thể kiểm soát hết, ban cũng chưa đủ kinh phí để kiểm nghiệm thường xuyên tất cả các thực phẩm.Truy xuất nguồn gốc thịt heo để bảo đảm an toàn thực phẩmtại lò mổ Bình Tân trước khi chở lên chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNHThực tế thì thị trường luôn có biến động, "đạo cao một trượng thì ma cao một thước", Nhà nước có quản lý chặt chẽ đi nữa thì vẫn có những đối tượng hám lợi bất chấp để vi phạm. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dự kiến còn rất nhiều việc."Ớn nhất là thủ tục hành chính"Hiện nay, thực phẩm bán tràn lan trên các trang mạng xã hội và gần như không có cơ sở đánh giá chất lượng hay an toàn. Ban hay sở (trong tương lai) có kế hoạch gì để quản lý loại hình này?Hai nỗi lo lớn nhất của tôi trong đảm bảo an toàn thực phẩm là tình trạng buôn bán không phép và bán hàng trên mạng. Hiện nay, pháp lý để quản lý hàng trên mạng không có gì khác biệt với kinh doanh trực tiếp, cũng phải có đầy đủ giấy tờ như giấy khám sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, giấy phép kinh doanh… Ban An toàn thực phẩm đã làm việc với các đơn vị kinh doanh ứng dụng đặt thức ăn qua mạng để buộc các cơ sở bán thực phẩm niêm yết trên ứng dụng phải có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ về an toàn thực phẩm. Lo nhất là những người tự rao bán thực phẩm qua mạng xã hội như bánh, bún chả cá… "nhà làm", mùa này sắp có bán bánh trung thu tự làm. Đa số những người bán hàng qua mạng không có tờ giấy gì lận lưng, khi có sự cố thì khóa tài khoản, biến mất là hết trách nhiệm.Chúng tôi đang đề xuất với Quốc hội cơ chế đặc thù để quản lý bán thực phẩm qua mạng như buộc người bán phải công khai nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, khám sức khỏe, hồ sơ tự công bố… trên trang web bán hàng. Còn trước mắt, chúng tôi vẫn tuyên truyền để người dân ý thức hơn, đồ ăn thức uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phải mua ở những nơi có uy tín, tin cậy, nơi mình biết chắc là hàng sạch, chất lượng, nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Được thí điểm thành lập đầu tiên trong cả nước, trở ngại lớn nhất của ban khi hoạt động chuyên môn là gì?Điều tôi "ớn" nhất sau 6 năm làm quản lý là quy trình thủ tục hành chính, nó làm mất rất nhiều thời gian, làm lỡ nhiều việc. Giống như bác sĩ phải lo hồ sơ đúng quy trình rồi mới cứu người, xong quy trình rồi thì người bệnh không còn. Ví dụ như lúc mới thành lập, Ban Quản lý An toàn thực phẩm muốn phân công giữa ban và các quận, huyện. Theo đó, UBND quận, huyện sẽ quản lý các hộ kinh doanh thực phẩm và chịu trách nhiệm xử lý đối với những vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người trở xuống, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp và xử lý các vụ ngộ độc trên 30 người. Nhưng sau đó, Sở Tư pháp "tuýt còi" vì chỉ có UBND TP mới được phân quyền. Vậy là ban gửi tờ trình lên UBND TP, các sở ngành thẩm định, góp ý, làm các thủ tục đến 2 năm sau mới có được văn bản phân quyền.■ 3 điểm khó trong quản lý an toàn thực phẩmHệ thống sản xuất, phân phối manh mún, nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. "Cái khó là thu nhập của người dân còn thấp nên chấp nhận mua thực phẩm bán ở chợ tạm, vỉa hè. Tôi không nói thực phẩm lòng lề đường là thực phẩm bẩn, nhưng rất khó kiểm soát vì họ không có nơi buôn bán cố định, không có giấy phép kinh doanh để quản lý" - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.Khó khăn thứ 2: pháp luật về an toàn thực phẩm hiện chồng chéo và có những lỗ hổng do xây dựng từ 3 ngành khác nhau.Bộ máy của các địa phương vẫn thuộc 3 ngành khác nhau nên khi cần một đầu mối tập trung để giải quyết thì rất khó. Với điểm khó này, TP.HCM giải quyết bằng việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Năm 2016, Quốc hội có giám sát về công tác an toàn thực phẩm ở toàn quốc cho thấy trung bình mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chỉ có 200.000 đồng/vi phạm. Qua tổng kết 6 năm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, số tiền xử phạt 1 vụ vi phạm trung bình 6 - 7 triệu đồng/vi phạm, hơn 21 triệu đồng/cơ sở.Trong 2 năm 2014 - 2016, toàn TP.HCM có 18 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.235 người mắc, trong khi 6 năm (2017 - 2022) chỉ có 12 vụ ngộ độc thực phẩm, có 185 người mắc; giai đoạn 2017 - 2022 chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người trong khi giai đoạn 2014 - 2016 có đến 13 vụ tương tự. Tags: Ban quản lýNguồn gốc xuất xứThực phẩm sạchThực phẩm an toànThực phẩm bẩnNgộ độc thực phẩmChợ đầu mối Bình ĐiềnQuản lý chặt chẽGiấy phép kinh doanhKinh doanh thực phẩmĐồ ăn thức uốngPhạm Khánh Phong LanAn toàn thực phẩm
Bầu cử Mỹ: 'Nước Pháp sẵn sàng làm việc với chính quyền Trump mới' NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Ông Trump và bà Harris đều giành được 3 phiếu tại Dixville Notch, bang New Hampshire, nơi mở cửa điểm bầu cử từ 0h.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.