Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN nói: "Cần phải nhận thức ở một thành phố trên 10 triệu dân, ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập và ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra và sẽ còn xảy ra.
Quan điểm của tôi là không xem nhẹ và đừng bao giờ nghĩ ngộ độc thực phẩm là bất ngờ. Ngộ độc đó nếu xảy ra với các nhóm cơ địa yếu, dị ứng sẽ nguy hiểm đến tính mạng không kém gì các bệnh lý nghiêm trọng".
Ngại kiểm tra thực phẩm từ thiện
* Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM hôm qua, bà có đưa ra nhận định thực phẩm từ thiện vẫn còn là "một mảng trống", chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả. Theo ý bà, "mảng trống" ở đây là gì?
- Đúng là góc độ chuyên môn, thực phẩm dù từ thiện hay không từ thiện vẫn phải đảm bảo an toàn. Không phải cứ đồ cho là muốn sao cũng được, bởi lỡ gây ra sự cố vẫn phải chịu trách nhiệm. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là đang vướng về quy định pháp luật và vấn đề tâm lý.
Chúng ta thấy rõ ràng thực phẩm từ thiện không phải vì mục tiêu kinh doanh, do đó không cần phải đăng ký, không phải đóng thuế. Và khi không đăng ký kinh doanh, chúng tôi không có thể lệ nào thẩm định, cấp phép. Tương tự thức ăn đường phố hoặc các hộ buôn bán nhỏ lẻ cũng như thế.
Nói vậy không có nghĩa chúng tôi không kiểm tra thực phẩm từ thiện nhưng rõ ràng sẽ khó kiểm soát hơn những đơn vị được cấp phép, điều này kéo theo tần suất và xác suất kiểm tra sẽ ít hơn. Chưa kể đây cũng là đối tượng làm từ thiện, nói thật tâm lý chúng tôi rất ngại kiểm tra, nhiều khi họ lại nghĩ làm phiền.
Để lấp đầy "khoảng trống" này, theo tôi, cần có các quy định thẩm định cấp phép riêng cho tất cả thực phẩm từ thiện, từ đó người sử dụng cũng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng. Phải khẳng định từ thiện là rất tốt, nhưng có điều thực phẩm từ thiện không nên làm tự phát bởi hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức khó lường.
* Thực tế không riêng gì sản phẩm kém chất lượng mới xảy ra ngộ độc. Vụ việc chùm ca ngộ độc ở TP Thủ Đức vừa rồi là một ví dụ cụ thể khi kết quả phân tích có chứa vi khuẩn Salmonella spp, thưa bà?
- Thực phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng là tốt, nhưng trong trường hợp này chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Vụ việc này hiện chưa có kết quả sau cùng nên tôi chưa dám kết luận, nhưng rõ ràng vẫn có thể xảy ra ngộ độc.
Có thể bản chất của bánh su kem có thương hiệu này cũng có vấn đề, nhưng khi nhìn sơ qua đã thấy người sử dụng chưa tuân thủ theo quy tắc vệ sinh của sản phẩm. Cần hiểu loại bánh này nguyên tắc phải bảo quản lạnh, ăn trong ngày, chứ đâu thể qua ngày hôm sau. Tôi nhận thấy đã có sai sót ở đây khi bánh này được để qua đêm đến ngày hôm sau mới ăn và không được bảo quản lạnh.
Hiểm họa về mất an toàn thực phẩm luôn hiện hữu, đặc biệt khi khí hậu nước ta nóng ẩm khiến vi khuẩn, vi nấm rất dễ phát sinh. Thực tế với sự kiện từ vài chục đến vài trăm người như vừa qua cũng phải cần thêm ý thức cộng đồng, chứ không thể cơ quan nào giám sát nổi.
* Bà cũng nhận định khi phát hiện vụ việc đã chậm (từ tối 29-9 đến sáng 2-10) cơ quan chức năng mới vào cuộc và nhấn mạnh nhiều lần từ "giá như". Phải chăng sự phối hợp giữa các cơ quan từ địa phương cho đến chuyên môn chậm trễ?
- Theo tôi, sự cố này rất trầm trọng nhưng mọi người vẫn đang còn xem nhẹ ngộ độc thực phẩm, còn có tâm lý "ăn vài cái bánh có sao đâu".
Tôi nói từ "giá như", bởi khi xảy ra sự cố, thông tin đó từ chung cư, các cơ quan địa phương cần phải cảnh báo ngay để các cơ quan chuyên môn tiến hành các bước điều tra dịch tễ, triển khai các phương án chẩn đoán, chăm sóc, điều trị. Trong vụ này, sự việc lại kéo dài đến gần 4 ngày cho đến khi có bé tử vong mới lộ ra vấn đề.
Mọi sự cố địa phương phải biết trước, nhưng sự cố này đang đi theo quy trình ngược. Sự cố này nếu phản ứng nhanh hơn ngay từ đầu có thể không đến mức trầm trọng dẫn đến chết người như thế. Đó là lý do tôi nói "giá như".
Hạn chế hậu quả ngộ độc, cách nào?
* Có nhiều ý kiến cho rằng nhập viện điều trị chỉ là tình thế giải quyết hậu quả, quan trọng nhất vẫn là ở gốc - tức các giải pháp quản lý an toàn thực phẩm, từ Ban quản lý an toàn thực phẩm?
- Tôi xin đính chính rằng giải pháp quản lý thực phẩm chúng tôi đã có, đã làm từ lâu rồi nên tình hình mới được như hiện nay, nếu không sẽ còn "tưng bừng" nữa. Tuy vậy trong một số trường hợp làm không xuể, đặc biệt với các trường hợp riêng lẻ, tự phát như thời gian qua.
Tôi không dám khoe nhưng đối với các trường học, công ty, bếp ăn tập thể... nếu so sánh với các địa phương cả nước, chỉ TP.HCM có điều kiện thực hiện theo chương trình hành động "xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn".
Chương trình này đã trở thành một cái nếp. Tuy vậy, với quy mô dân số và ý thức của người dân chưa cao vẫn làm ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm.
* Cũng có ý kiến cho rằng quản lý an toàn thực phẩm hiện còn nhiều bất cập, nhiều người hoài nghi khi trước đây có phát hiện, xử lý nhiều vụ thực phẩm bẩn, sao giờ không thấy. Liệu thực phẩm sạch có là bề nổi không, thưa bà?
- Để ngồi lại tính toán xem kết quả an toàn thực phẩm có tốt hay không sẽ có các yếu tố như thanh tra phải nhiều hơn, xử phạt phải thích đáng hơn. Nhưng như thế cũng sẽ có các ý kiến phản biện nếu xử phạt thích đáng hơn, phạt nhiều hơn suy ra vi phạm nhiều hơn. Có thể cái gì cũng nói được cả.
Trước tình hình như vậy, bắt buộc chúng tôi phải vào cuộc quyết liệt và trong quá trình làm có sao chúng tôi nói vậy. Dư luận đều thấy ngay cả kết quả kiểm nghiệm, chúng tôi đâu có giấu, không đẹp là không đẹp thế thôi. Điều quan trọng là theo từng năm an toàn thực phẩm sẽ hoàn thiện, tích cực hơn.
Thực tế hiện nay là chúng tôi con người chỉ có vậy (thậm chí giảm), luật vẫn như thế không đổi. Trước sức ép và mong muốn của người dân, chúng tôi càng phải cố gắng làm, hy vọng đến một lúc có kết quả kéo giảm các vụ ngộ độc thực phẩm.
* Vậy theo bà, TP.HCM cần có biện pháp gì để hạn chế rủi ro ngộ độc cũng như ứng phó khi ngộ độc thực phẩm xảy ra?
- TP.HCM nếu muốn kiểm soát cần phải có một tổng thể, cho nên mới thấy vai trò các chợ đầu mối, siêu thị và các lò mổ tập trung rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn thực phẩm an toàn. Tuy sẽ có trà trộn, có "lách" nhưng như thế ít ra sẽ kiểm soát được cơ bản nguồn thực phẩm.
Và với việc thống nhất lực lượng từ nông nghiệp, y tế, công thương như hiện nay khiến vai trò trách nhiệm của chúng tôi lớn hơn. Nếu có xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cần phải nhìn nhận là với môi trường, thói quen ăn uống như hiện nay thì ngộ độc thực phẩm không phải là vấn đề đáng ngạc nhiên. Vấn đề đặt ra là chúng ta phản ứng ra sao? Theo tôi, vẫn phải phòng nhiều hơn chống.
Theo đó, phòng bằng cách thay đổi các thói quen ăn uống theo hướng "ăn sạch, uống sạch", rà soát lại các quy trình kiểm tra hạn chế chồng chéo, mức xử phạt vi phạm đủ sức răn đe.
Kế đến nâng cao năng lực của hệ thống y tế đủ sức phản ứng trước ngộ độc, mà bài học đắt giá từng xảy ra khi các cơ sở y tế cạn kiệt thuốc cấp cứu các ca ngộ độc botulinum. Việc chủ động và không xem nhẹ ít ra giúp chúng ta dự phòng được các trường hợp ngộ độc hàng loạt, trầm trọng hơn.
Xem xét quy trình tiếp nhận ngộ độc
Liên quan vụ cháu P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau) nghi ngộ độc sau khi ăn bánh nhưng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) không để bé nhập viện điều trị, giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn nhằm xem xét, đánh giá khách quan về quá trình tiếp nhận, nhận định và xử trí của Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Sau khi sự việc xảy ra, cả bác sĩ trực tiếp khám cho cháu Q. và Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có báo cáo giải trình. Dự kiến vào tuần sau hội đồng chuyên môn sẽ họp xem xét.
Các cơ sở y tế phải báo cáo ngay khi có ca nghi ngộ độc
Đây là chỉ đạo mới nhất của giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhằm kịp thời phát hiện, xử trí, báo cáo, phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Động thái này được đưa ra sau khi xuất hiện chùm ca bệnh ngộ độc thực phẩm tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), trong đó có một ca trẻ em tử vong.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo cũng như rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận và xử trí khi phát hiện các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt lưu ý báo cáo kịp thời cho Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP cùng các đơn vị có liên quan khi phát hiện có trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Tổ chức tập huấn và tập huấn lại về chẩn đoán, xử trí ngộ độc thực phẩm theo quy định. Song song đó, các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các phương án và lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc men, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc hàng loạt xảy ra; tổ chức điều trị, cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh.
Đối với các trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, giám đốc Sở Y tế yêu cầu khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm phải báo cáo ngay về Sở Y tế và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP; đồng thời phối hợp điều tra xác minh nguyên nhân và có giải pháp cảnh báo người dân nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh lan rộng.
Giao Phòng nghiệp vụ y chủ động phối hợp các chuyên gia tổ chức tập huấn về chẩn đoán xử trí ngộ độc thực phẩm và ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Rà soát lại các văn bản, quy trình, quy chế phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã ban hành trước đây để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế để trình UBND TP.HCM xem xét quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận