Phóng to |
Ảnh minh họa |
Ngay từ khi chúng con còn bé, ba đã bỏ anh em con ở nhà với má để đi Sài Gòn. Con nào biết Sài Gòn ở đâu, chỉ biết là xa lắm vì mỗi năm ba chỉ về một lần vào ngày Tết. Trong đầu óc đơn sơ của con lúc ấy, con nghĩ rằng ba không thương mẹ con con. Nhưng không, mỗi lá thư ba gởi về là cả một trời thương ba dành cho hai đứa con bé bỏng.
Lần nào về, ba cũng có quà. Nhưng cả hai đứa đều hờ hững với những món quà ấy, chỉ thích ba ở nhà. Mỗi lần ba đi, chúng con lại nước mắt vắn nước mắt dài níu chân mong ba ở lại. Nhưng ba vẫn đi. Con còn nhớ một lần, vì bắt xe không được (sau này con mới biết) nên ba đã quay về. Nước mắt chưa kịp ráo trên khuôn mặt ngây thơ, con lại cười toe toét, vừa bá cổ ba, vừa nói: “Ba không đi nữa. Ba ở nhà với con phải không ba?” Ba ôm con vào lòng và rằng: “Con gái ba ngoan, ở nhà học giỏi thì ba không đi nữa.”
Đêm đó, trên tay ba con ngủ thật ngon. Nhưng sáng thức giấc thì không thấy ba đâu nữa. Hỏi má thì được biết là ba đã lại tiếp tục cuộc hành trình dang dở.
Ngày ấy con thật sự rất ghét ba, vì ba đã dối con.
Càng lớn lên, mỗi con người ta càng thêm nhiều hiểu biết. Và con, con biết rằng không phải vì ba không thương, không nhớ ba mẹ con con, mà vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của hai đứa con mà ba phải đi tha phương cầu thực. Lúc đau ốm chỉ có một mình, lúc buồn, cô đơn cũng chẳng có người thân ở bên để chia sẻ. Con thương ba rất nhiều. Càng thương ba con càng quyết tâm học, để sau này trở thành một cô giáo như mong ước của ba và của má.
Khi xưa, con ao ước biết bao ba sẽ không đi nữa mà ở nhà mãi với chúng con. Rồi đến một ngày, ao ước ấy cũng trở thành sự thật. Ba không đi nữa khi tuổi đã lớn. Oái ăm thay, lúc ba ở nhà cũng là lúc chúng con phải rời mái nhà mình.
Anh trai đi làm xa nhà. Con thì khăn gói ra Huế bắt đầu đời sinh viên. Còn má, vì con, má cũng phải xa ba để làm đầu bếp cho một nhà hàng, khi mọi người đi ngủ cả má mới được về.
Ba lại một mình.
Những lúc nhớ ba, con lại tranh thủ về thăm ba. Hình ảnh ba lặng lẽ ngồi bên tô cơm đạm bạc làm con không cầm được nước mắt. Bởi vậy nên con hay về thăm ba, chỉ để ăn với ba miếng cơm và cùng nhau trò chuyện. Trong những câu chuyện ấy, con thấy ở ba một người bạn sâu sắc, một người thầy tận tâm và hơn hết, một người cha đầy tình thương.
Mỗi lúc buồn, con lại nhớ tới ba. Hình ảnh ba lại ở bên con, động viên con bước lên phía trước. Con biết mình cần phải cố gắng nhiều để xứng đáng là đứa con gái mà ba đã luôn gọi là “công chúa của ba”.
Ngay lúc này, nếu có một điều ước, con ước gì mình sẽ có đôi cánh để bay đến bên ba và nói với ba rằng: “Ba ơi, con nhớ ba nhiều lắm!”
Mời bạn viết Những lời của con Cha mẹ cho chúng ta một cuộc đời, cho chúng ta những bệ phóng để vươn đến trời cao... Cha mẹ cũng luôn là bờ vai yên bình nhất để chúng ta dựa vào những khi thất bại, những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen... Và không phải đợi đến Ngày gia đình VN (28-6), Ngày của Mẹ (chủ nhật thứ hai của tháng 5); Ngày của Cha (chủ nhật thứ ba của tháng 6), mọi người mới gửi tặng cha mẹ những món quà yêu thương. Bởi mỗi ngày trôi qua đều có thể là món quà dâng tặng cha mẹ nếu chúng ta biết cách báo đáp chữ hiếu, thể hiện tình cảm của mình. Tuổi Trẻ Online mong sẽ là nhịp cầu bắc tấm lòng của những người con đến cha mẹ thông qua nội dung Những lời của con trong chuyên mục Nếp nhà. Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện, những kỷ niệm, những điều xúc động về cha mẹ mà bạn muốn gửi tặng đấng sinh thành - những người đã cho bạn vóc hình hôm nay. Đó cũng có thể là những tâm tư mà bạn khó có thể nói trực tiếp bằng lời... Bài viết xin gửi về [email protected] hoặc [email protected] với tiêu đề: Những lời của con. Xin vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt. Lưu ý, độ dài bài viết không quá 800 chữ (gửi kèm hình nếu có thể). TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận