26/01/2016 08:29 GMT+7

Ba ơi, ba ở đâu?

M.T.
M.T.

TT - Từ một mảnh giấy bị vứt đi, câu chuyện về sự khao khát tình cảm gia đình của nhiều học sinh được hé lộ...

*** Error ***

Một hôm, trước cửa lớp tôi tình cờ nhặt được một tờ giấy nhàu nhĩ, có lẽ do được vò đi vò lại. Bình thường tôi sẽ nhặt lên và tiện tay bỏ vào thùng rác theo thói quen. Nhưng không hiểu sao hôm nay tôi mang theo tờ giấy vào bàn giáo viên và mở ra xem.

Mấy dòng chữ viết vội hiện ra như sau: “Ba ơi! Hôm nay con thấy mấy đứa bạn được ba mình đưa đi sắm đồ tết sớm, cha con họ vui lắm. Ba ơi, thằng bạn của con bỏ học đi chơi game nên bị ba nó đánh còn mấy vết đỏ trên người, nó đau lắm nhưng nó không bỏ được trò chơi game, nó vẫn trốn ba nó chơi game. Còn con nhỏ bạn mà con hay chơi thân, nó hay làm nũng ba nó lắm, ba nó cũng cưng nó nữa, nhưng mẹ nhỏ bạn nghiêm khắc với nó lắm... Ba ơi, con thèm một lần được ba đánh vào người con lắm ba ơi. Con muốn biết cảm giác nhận được sự yêu thương từ những trận đòn roi của ba như thế nào... Con muốn biết ba trừng mắt lên giận dữ với con ra sao ba ơi. Nhưng ba ở đâu hả ba? Tết đến rồi ba. Con nhớ ba lắm... và hình như mẹ cũng vậy!...”.

Đọc đến đây, nước mắt tôi chẳng hiểu từ đâu tuôn ra. Nó tuôn ra tự nhiên lắm... Có lẽ bức thư đó là của một học sinh mất cha, cũng có thể là của một học sinh có ba mẹ ly dị, họ không cùng sống với nhau, trách nhiệm dành cho nhau và đứa con chung đã cạn.

Một đồng nghiệp của tôi cầm tờ giấy đó lên đọc cũng không cầm nổi nước mắt. Cô nói: “Lớp mình cũng có mấy đứa hoàn cảnh gia đình tội lắm, không đầy đủ ba mẹ...”. Sau khi đọc tờ giấy trên, tôi tìm hiểu một thời gian ở những lớp mà mình phụ trách dạy thì cả 10 lớp đều có trường hợp ba mẹ ly hôn, ba hoặc mẹ mất.

Cũng có nhiều trường hợp các em học sinh không sống với ba mẹ mà sống cùng ông bà nội ngoại hay cô cậu. Hỏi thông tin từ giáo viên chủ nhiệm và xem sổ điểm chính (sổ cái) tôi biết được: ở 10 lớp tôi phụ trách thì trung bình có đến 30 em học sinh cả nam và nữ trên tổng số 400 em rơi vào trường hợp gia đình không đầy đủ.

Trong số này, em được ba hoặc mẹ quan tâm chăm sóc chu đáo thì sạch sẽ gọn gàng, học hành khá tốt. Còn ngược lại, có em ăn mặc nhếch nhác luộm thuộm, quần áo dơ bẩn, có em thì học hành hôm được hôm mất, hạnh kiểm trồi lên tụt xuống.

Nhiều giáo viên bộ môn than phiền và trách cứ giáo viên chủ nhiệm về những em “có vấn đề” như trên, nhưng họ đâu hiểu hết giáo viên chủ nhiệm cũng đau đầu lắm chứ. Những học sinh này thiếu thốn tình cảm cha mẹ, các em đâu được sẻ chia tâm tư khi buồn vui, hờn giận cùng cha mẹ mình. Khi đó, chắc chắn các em sẽ rơi vào hụt hẫng.

Với những đứa trẻ này, cho dù phá rối ngỗ nghịch cỡ nào thì khi ngày tết về các em cũng thèm được ở cùng cha mẹ lắm. Như học sinh viết tờ giấy vò nát kia là thèm “sự yêu thương của trận đòn roi”, cái “trừng mắt giận dữ”, những điều ấy có vẻ quá xa xỉ với em. Vì không ai có thể cho các em cảm giác đó được!

Giáo viên chúng ta chỉ có thể ở bên cạnh, động viên trò chuyện nhiều hơn với các em học sinh này, sánh bước cùng các em ở đoạn đường ngắn trong cuộc đời. Nhưng biết đâu như vậy chúng ta lại có thể cho các em một tương lai biết trân quý giá trị gia đình hơn sau này.

M.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên