TTCT - Nếu tính từ khi dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 khởi động (năm 1996) đến nay, chương trình chống ngập của Hà Nội đã triển khai được 16 năm, tức qua hơn ba nhiệm kỳ lãnh đạo thành phố. Nhưng giờ cứ có mưa là người dân thủ đô lại cùng nhau lội nước. Phóng to Khu vực ngã tư Quang Trung - Trần Quốc Toản cứ mưa to là ngập - Ảnh: T.PHÙNG Năm 2003, số liệu của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy thành phố có 27 tuyến đường, phố có điểm ngập sau những trận mưa từ 50-100mm. Số điểm úng ngập từ hai giờ trở lên là 15 điểm. Nay có mưa là có ngập Tám năm sau - tức vào năm 2010 - số liệu tổng hợp điểm úng ngập của Hà Nội khiến nhiều người giật mình: số tuyến đường, phố có điểm ngập tăng đến 61 sau những trận mưa từ 50-100mm. Số điểm ngập trên hai giờ cũng tăng gấp bốn lần so với năm 2003, lên tới 60 điểm. Tại nhiều điểm, khu vực được xây dựng khá hiện đại của Hà Nội như Thái Hà, Thái Thịnh, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ (quận Đống Đa), thậm chí cả những khu vực có địa hình cao như ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, đường Lê Duẩn, đều dễ thấy cảnh hễ có mưa là có ngập. Năm nay, ông Nguyễn Lê, tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, hân hoan thông báo số điểm ngập trên các tuyến đường, phố đã được giảm nhiều. Trong mùa mưa năm 2012, toàn thành phố “chỉ còn” 21 điểm ngập úng khi có mưa lớn, dù mỗi khi có mưa là đường Thái Hà, Thái Thịnh, Huỳnh Thúc Kháng, Lý Thường Kiệt vẫn thành những tuyến đường “nửa phố, nửa sông”. Giải thích chuyện này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sở dĩ một số nơi trong khu vực đã thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 1 vẫn còn bị ngập là do hoặc địa hình thấp trũng, hoặc cống phía hạ lưu nhỏ, hoặc nhiều tuyến cống hiện có trên phố không đủ công suất thoát nước. Theo ông Lê, năng lực thoát nước của Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng được những trận mưa có cường độ 86mm/ngày. “Gặp những trận mưa to thì chắc chắn sẽ còn ngập úng. Vấn đề là có giải pháp chủ động chống ngập để giảm thời gian ngập xuống còn ngắn nhất là 30 phút, lâu hơn là một giờ” - ông Lê nói. Và “giải pháp chủ động”, theo ông Lê, tương ứng với ba tình huống, mức độ mưa ngập khác nhau. “Nếu mưa vừa khoảng 50mm thì về cơ bản không có điểm úng ngập, chỉ có một số khu vực trũng, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo gây đọng nước trên mặt đường. Khi đó sẽ huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, khả năng tự chảy kém, kịp thời giải quyết các điểm úng ngập mới phát sinh - người đứng đầu ngành thoát nước Hà Nội cho hay - Còn khi mưa to khoảng 50-100mm thì huy động lực lượng ứng trực và lực lượng xung kích thực hiện vệ sinh tại các họng thu nước. Vận hành tối đa công suất của trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt, đặt các tổ bơm di động tại những khu vực trung tâm, vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa của các hồ Tây, Đống Đa, Thuyền Quang, Bảy Mẫu. Chúng tôi cũng tính đến việc sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, giảm thiểu thời gian úng ngập tại các khu vực úng ngập cục bộ, nhất là ở 21 khu vực úng ngập nặng khi lượng mưa lên đến 100mm”. Còn trong trường hợp mưa rất to - trên 100mm - thì sẽ “huy động 100% cán bộ công nhân viên đi làm” để “vệ sinh các họng thu nước, kiểm tra, kịp thời xử lý những vật cản làm thu hẹp dòng chảy. Phá dỡ toàn bộ các đập chặn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước. Trong trường hợp mực nước sông Nhuệ lên cao, tình hình úng ngập trong nội thành đã được kiểm soát thì mở đập Thanh Liệt đưa nước về trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ và khu vực quận Hà Đông, khai thác hết công suất các trạm bơm nội thành”. Đó cũng là lúc phải vận hành nhiều trạm bơm nông nghiệp để hỗ trợ tiêu nước cho khu vực nội thành. Cuối cùng sẽ là “đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo vận hành trạm bơm Yên Lệnh hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ”. 3 năm nữa Hà Nội hết ngập thật? Vậy vì sao một dự án giai đoạn 1 có thể kéo dài 16 năm mà vẫn chưa thấy điểm “khép lại”, các “giải pháp chủ động” vẫn là huy động mọi lực lượng để ứng cứu theo kiểu nước nổi thì thuyền nổi? Ông Phạm Văn Cường, giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, cho rằng hệ thống thoát nước tại khu vực trung tâm Hà Nội nay “đã được nâng cấp” và các công trình đầu mối thoát nước như các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu và hệ thống trạm bơm, hồ Yên Sở đảm bảo đủ khả năng tiêu thoát nước cho trận mưa với lượng mưa 172mm/hai ngày, đủ để “góp phần giảm thiểu tình trạng úng ngập”. Câu chuyện khu vực trung tâm Hà Nội vẫn ngập úng tại nhiều điểm khi lượng mưa lớn hơn 172mm/hai ngày là do “khu vực đô thị chưa được cải tạo, có cao độ xây dựng thấp cục bộ so với quy hoạch, hệ thống kênh mương chuyển tải thoát nước từ mạng lưới cống thu gom nước mưa ra các sông chưa được cải tạo”. Tất cả đang chờ được thực hiện và hoàn tất trong dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2. Và đây là một khối lượng công việc đồ sộ. “Tại bảy quận nội thành của Hà Nội sẽ thi công xây mới hệ thống cống ở 44 tuyến đường, phố. Kích thước hệ thống cống xây dựng lần này toàn cỡ lớn, cống nhỏ nhất cũng trên 1m, còn lại toàn kích cỡ 2,6x2,4m, rộng và cao đến mức ôtô bảy chỗ chạy được trong cống. Chúng tôi sẽ làm trong năm 2012, đến hết năm 2013 phấn đấu xong” - ông Cường nói. Sau nhiều năm câu hỏi “bao giờ Hà Nội hết ngập?” không có câu trả lời, mới đây lần đầu tiên có giải đáp từ một lãnh đạo thành phố Hà Nội - phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi - qua lời khẳng định trước HĐND thành phố Hà Nội: đến năm 2015. Với quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, ông Khôi quả quyết: “Quy hoạch thoát nước mưa phải góp phần giảm thiểu và từng bước xóa bỏ tình trạng ngập úng tại đô thị trung tâm thủ đô Hà Nội và các đô thị khác trong phạm vi lập quy hoạch. Đến năm 2015 khu vực đô thị trung tâm phía nam sông Hồng đến sông Tô Lịch, tức khu vực nội thành, sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng tương đương với trận mưa có cường độ 310mm/hai ngày (theo chu kỳ tính toán mười năm)”. Theo ông Khôi, việc lập quy hoạch thoát nước và xác định lộ trình đầu tư các dự án lần này đã tính tới yếu tố biến đổi khí hậu và sẽ “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”. Theo quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã phê duyệt, tổng chi phí vốn đầu tư hạ tầng thoát nước Hà Nội đến năm 2030 là 116.417 tỉ đồng, trong đó riêng cho đô thị trung tâm là 92.671 tỉ đồng. Số liệu từ ngành thoát nước Hà Nội cho biết tổng kinh phí thực hiện các dự án thoát nước Hà Nội tính từ năm 1996 đến nay là 550 triệu USD. Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 1996-2005) có tổng vốn đầu tư 180 triệu USD với mục tiêu giải quyết tình trạng úng ngập trong phạm vi 77,5km2 của bảy quận nội thành và một phần hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2006, dự kiến hoàn thành cuối năm 2013 với tổng mức đầu tư 370 triệu USD, mục tiêu là giải quyết được tình trạng ngập úng do mưa ở mức 310mm/hai ngày. __________ Phóng to TS.KTS Lưu Đức Cường - Ảnh nhân vật cung cấpTS.KTS Lưu Đức Cường - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng) - đưa ra góc nhìn của ông về câu chuyện đô thị Việt Nam, ở miền núi hay đồng bằng cũng đều “cứ mưa to là ngập”. Ông Cường cho biết: Tình trạng úng ngập đang ngày càng gia tăng ở các đô thị Việt Nam, không chỉ tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ mà còn xuất hiện ở nhiều đô thị loại II, loại III trong cả nước. Và không chỉ xảy ra ở các đô thị vùng đồng bằng mà còn xuất hiện ở cả các đô thị vùng trung du, miền núi. * Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng đó? - Nguyên nhân thì rất nhiều, mỗi đô thị một kiểu và rất phức tạp. Ngay trong từng đô thị tại các thời điểm khác nhau cũng bị ngập do những nguyên nhân khác nhau. Nhưng phải khẳng định nguyên nhân chính là do đô thị hóa thiếu hợp lý, từ khâu quy hoạch để ứng phó với thiên tai đến khâu quản lý thực hiện quy hoạch và thực hiện các dự án. TP.HCM bị ngập do triều cường hoặc mưa hoặc cả hai. Hà Nội không có thủy triều như TP.HCM nên nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước yếu kém, và trong khi nước không thoát được thì lại thiếu các khu vực chứa nước tạm thời. Quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý trong nhiều năm đã làm suy giảm không gian chứa, điều tiết nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy sau mười năm (1986-1996), Hà Nội đã san lấp 64,5% diện tích mặt nước ao, hồ, ngòi, rãnh của bốn quận nội thành cũ. Cùng với sự suy giảm không gian chứa nước là bêtông hóa bề mặt, diện tích cây xanh thu hẹp, hệ số dòng chảy trước đây chỉ từ 0,7-0,75% thì hiện nay vào khoảng 0,9-0,95%, tức là không có khả năng thấm. Lúc này bài toán quy hoạch tổng thể phải được đặt ra. Nước trong nội thành thoát về phía nam ra sông Nhuệ, nhưng nếu mưa trên diện rộng thì mực nước sông Nhuệ lên cao, không thoát được, nước phải thoát cưỡng bức qua trạm bơm Yên Sở công suất 90m3/giây, tức khoảng 2 triệu m3/ngày, cũng không thể đáp ứng nổi lượng nước đến 23 triệu m3 lưu giữ trong các sông hồ. * Ông đánh giá thế nào về những giải pháp chống ngập của Hà Nội và một số đô thị đã, đang và sắp triển khai? Liệu có thể khắc phục được tình trạng ngập khi hệ thống thoát nước được phát triển chắp vá từ hạ tầng cũ, thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch? - Các đô thị đang thiếu một quy hoạch tổng thể nên các dự án dù cố gắng đến đâu cũng không đáp ứng được yêu cầu thoát nước trong quá trình phát triển đô thị, thoát được chỗ này thì lại ngập chỗ kia. Quy hoạch thoát nước mà Hà Nội lập từ năm 1992 với sự phối hợp của JICA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (phê duyệt năm 1995) lại chỉ lập cho phần nội ô. Trong quá trình phát triển, thành phố cũng lập các quy hoạch khác như quy hoạch chung 1998, quy hoạch tổng thể cải thiện môi trường đô thị của JICA năm 2000, chương trình phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội (HAIDEP) hay quy hoạch thủy lợi hệ thống thủy lợi sông Nhuệ… nhưng vấn đề thoát nước về cơ bản cũng chỉ tuân thủ đề xuất của dự án JICA năm 1995. Đương nhiên là quy hoạch này giờ không còn phù hợp với tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ trong gần 20 năm qua. Trong khi đó tốc độ thực hiện các dự án theo quy hoạch lại chậm. Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội theo hai giai đoạn thực hiện từ năm 1995 mới xong giai đoạn 1 vào năm 2008, giai đoạn hai dự kiến đến năm 2014 mới xong nhưng cũng chỉ bao phủ diện tích 135,4km2 của nội ô. Ở đây chưa nói đến vấn đề thiết kế. Dự án thoát nước giai đoạn 1 chỉ đáp ứng được trận mưa 170mm/hai ngày, sau khi xong giai đoạn 2 mới đáp ứng được trận mưa 310mm/hai ngày. Trong khi đó tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự báo như trận mưa đầu tháng 11-2008 có cường độ đến 475mm/hai ngày (số liệu của Công ty Thoát nước Hà Nội), vượt xa kỷ lục năm 1984 là 394mm. Dự án của JICA thiết kế cho chu kỳ mười năm thì không thể đáp ứng cho trận mưa có chu kỳ đến 80 năm như năm 2008, nhưng không thể không có những giải pháp tình thế dự phòng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Ở khía cạnh khác, việc không chú ý xây dựng hệ thống thoát nước tương xứng, đồng bộ với mở rộng mặt bằng xây dựng, khu đô thị mới thường có cao độ nền cao hơn khu đô thị cũ sẽ cản trở dòng chảy mặt. Năm 2008, Bộ Xây dựng đã thanh tra một số dự án khu đô thị mới ở Hà Nội, thấy nhiều dự án được phê duyệt mà thành phố không yêu cầu chủ đầu tư phải tôn cao khu vực cốt nền bao nhiêu, chủ yếu thỏa thuận cốt cục bộ trên cơ sở mặt nền hiện trạng, do đó khi trời mưa, các đô thị mới vẫn ngập hơn so với các khu phố cổ, phố cũ thiết kế thời Pháp. Nếu cứ phát triển theo kiểu đô thị xây trước mà không quan tâm đến thoát nước đúng cách, rồi triển khai các dự án thoát nước theo sau để khắc phục thì sẽ “tiền mất tật mang”, vấn đề ngập mãi mãi không được giải quyết, giải quyết được khu vực này thì lại xảy ra ở khu vực khác. Phóng to Cảnh lội nước quen thuộc mỗi khi mưa lớn ngay trên phố Quang Trung - trung tâm TP Hà Nội - Ảnh: T.PHÙNG * Theo ông, những giải pháp nào có thể chữa được “căn bệnh mãn tính” này? - Trước hết, ngập lụt hiện nay chủ yếu do đô thị hóa không hợp lý nên phải giải quyết vấn đề bằng quy hoạch đô thị. Thứ hai, cách tiếp cận “mềm” cần được kết hợp với các biện pháp công trình thông qua những giải pháp nhằm gia tăng khả năng điều tiết nước tại chỗ. Thứ ba, phải xác định nguyên tắc chính cho các giải pháp thoát nước là thoát nước sinh thái và tổ chức hệ thống phân tán. Trên quan điểm đó, Hà Nội cần phải xây dựng cho được một quy hoạch thoát nước tổng thể trong mối liên hệ với vùng đồng bằng sông Hồng, lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích… Quy hoạch thoát nước này cần phải thực hiện đồng thời cả hai giải pháp thoát nước gồm biện pháp công trình (xây dựng hệ thống thoát nước, cống, trạm bơm…) và phi công trình (tận dụng điều kiện thoát nước tự nhiên như ao, hồ, cây xanh, đất ngập nước, bán ngập nước…) cho từng khu vực đô thị hóa một cách phù hợp. Tiếp theo, một vấn đề cực kỳ quan trọng là thiết kế công trình, thiết kế cảnh quan trong các quy hoạch dự án cụ thể như thế nào để giải quyết vấn đề thoát nước với mục tiêu tăng diện tích thấm, trữ, điều tiết nước trong đô thị, thậm chí tái sử dụng tài nguyên nước. * Cảm ơn ông! Tags: Hà NộiNgập nướcGiải pháp chống ngậpLội nước
Báo Mỹ: Ông Trump vươn lên 198 phiếu đại cử tri, bà Harris 109 phiếu TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Theo cập nhật mới của New York Times, số phiếu đại cử tri của ông Trump là 198, trong khi số phiếu của bà Harris lên 109.
Trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ 06/11/2024 Câu hỏi ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đang thường trực trong đầu không chỉ những người ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác. Ai sẽ chiến thắng? Cùng Tuổi Trẻ Online xem trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kiểm phiếu 7 bang chiến trường: Lợi thế nghiêng về ông Trump ở Georgia, North Carolina và Arizona THANH HIỀN 06/11/2024 Cập nhật đến 10h10 sáng 6-11 (giờ Việt Nam), cơ hội giữa hai ứng viên đang ngang nhau ở bang chiến trường Pennsylvania, nơi sở hữu nhiều phiếu đại cử tri nhất (19 phiếu).
Thiếu tình thương cha mẹ, làm mẫu trang điểm kiếm sống, là HS giỏi tỉnh, tân SV ĐH Bách khoa TP.HCM YẾN TRINH 06/11/2024 Trong khuôn viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, tân sinh viên Lê Kiều Hân (19 tuổi) ngồi lần giở những trang sách. Cô mở điện thoại, vào nhóm làm thêm xem có lịch mới hay không.