01/10/2015 12:04 GMT+7

Nhà báo Trần Nhật Vy ra sách "Ba nhà báo Sài Gòn"

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Tập sách của nhà báo Trần Nhật Vy giới thiệu cuộc đời và hành trình làm báo của ba cây bút Nam kỳ nổi tiếng: Dương Tử Giang, Trần Tấn Quốc, Bà Bút Trà vừa ra mắt bạn đọc.

*** Error ***
Ảnh: Lam Điền

Đây là một quyển trong loạt sách kỷ niệm 150 năm báo quốc ngữ (1865 - 2015), do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành.

Ba nhà báo với những câu chuyện gắn bó trong làng báo Sài Gòn ở nhiều góc độ, hoàn cảnh khác nhau. Và cũng nhờ thế nên khi khảo cứu về cuộc đời của ba người cũng chính là lật giở lại những góc khuất, những mảng tình tiết thú vị của một thời báo chí Sài Gòn.

Nhà báo Dương Tử Giang với một đời sôi động, từng tham gia nhiều tòa soạn, viết nhiều bài chống chính quyền thực dân, đứng về phía những người cách mạng từ trong thời kỳ chống Pháp đến thời đệ nhất cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Đọc lại những chặng đời của Dương Tử Giang, thấy nổi bật một tấm lòng tha thiết với nghề báo, nghề văn. Và đáng quý hơn ở ông là một khí chất văn nghệ tài hoa. Ông soạn tuồng, dựng kịch, tổ chức biểu diễn, gây động phong trào… làm tất cả chỉ để kêu gọi tấm lòng, khơi dậy ý thức yêu nước ở người dân.

Đọc cuộc đời ông, thấy câu chuyện làm báo thời xưa vừa tự do vừa gian nan, ra báo dễ mà bị bắt, bị đóng cửa cũng rất dễ. Dương Tử Giang đã xông vào thời cuộc bằng trang báo và sống chết với nghề theo đúng nghĩa đen: ông bị bắt khi đang ngồi ở nhà in sửa morasse tờ Duy Tân.

Nhà báo Trần Tấn Quốc cũng là một cây bút sống tích cực với đời sống dân lành trong thời loạn lạc. Ông không chỉ dùng ngọn bút để lật xới những mặt trái xã hội trong thời Pháp thuộc, mà làng báo văn nghệ hẳn sẽ không quên ông khi chính ông đã lấy bút hiệu của mình thành lập giải Thanh Tâm vào năm 1958 để khuyến khích và tìm kiếm các nghệ sĩ cải lương tài năng bấy giờ.

Giải Thanh Tâm vừa là một dấu mốc quan trọng của làng báo Sài Gòn khi thể hiện vai trò “bà đỡ” cho các nghệ sĩ, vừa là sự kiện trong lịch sử cải lương khi có một giải thưởng nghiêm túc, chất lượng trong thời buổi đất nước còn chiến tranh.

Phần khảo cứu về Bà Bút Trà Tô Thị Thân có dung lượng không nhiều, nhưng đây quả là một “kỳ nhân” của làng báo Sài Gòn. Bà cùng với chồng là Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận xoay trở suốt 40 năm làm báo - một thời gian “đứng chân” kỷ lục trong làng báo bấy giờ.

Bà gầy dựng nhiều tờ báo, nhưng dành công sức nhiều nhất cho việc xây dựng điều hành và kinh doanh với tờ Sài Gòn Nhựt Báo trải qua bao biến động của thời cuộc.

Ba tên tuổi gọi là nhà báo Sài Gòn, nhưng không ai là người sinh ra ở Sài Gòn cả. Ông Dương Tử Giang quê Bến Tre. Trần Tấn Quốc người Đồng Tháp. Còn Bà Bút Trà ở Long An. Đây có lẽ cũng là đặc điểm của báo giới Sài Gòn: phần đông là người từ nơi khác đến.

Đọc về mới biết được miền Nam có một dạo bị cấm đờn ca tài tử, người dân sợ đến mức đập bỏ đờn phách, có thèm ca lắm thì chèo xuồng vô tận trong bưng sâu “ca cho đã” rồi trở ra.

Những chuyện kỳ thú như vậy cũng là một nội dung thiết thân với lịch sử con người và văn hóa vùng đất này. Ngày nay, có ai còn để công tìm hiểu và nói lại với con cháu mai sau chăng?

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên