26/07/2014 08:39 GMT+7

Bà ngoại anh hùng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Tôi bị bắt khi hoạt động nội thành, đang mang thai bốn tháng. Thẩm vấn, tra tấn, biệt giam, đe dọa mãi vẫn không khai thác được gì, đối phương đưa bà ngoại của tôi đến và bảo bà khuyên cháu khai báo rồi sẽ được tự do về nhà sinh con.

Kỳ 1: Kỳ 2:

HMOwb7bg.jpgPhóng to
Tiệm bánh Trần Thượng, cơ sở cách mạng hơn 30 năm giữa Sài Gòn - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp

Bà ngoại nắm tay tôi rồi quay sang viên cảnh sát: “Cảm ơn ông đã cho tôi gặp cháu. Nó lớn rồi, còn có cha có mẹ, có chồng có em. Nó làm sao để còn nhìn mặt cha mẹ, mặt chồng, mặt em thì làm”. Nói rồi bà ra về, mắt lòa, dáng đi lụm cụm giữa hàng cảnh sát...” - bà Tố Nga kể lại câu chuyện ấn tượng nhất về bà ngoại của bà: bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo. Bà Nga kết luận giản dị: “Bà ngoại như thế đó, nên tôi chỉ có một con đường là chiến đấu đến cùng, đến hết cuộc đời này”.

Theo con làm cách mạng

Xuất thân là phụ nữ nông dân, giỏi làm ăn, những năm 1940, bà Lê Thị Mẹo và ông Nguyễn Văn Thâu, chồng bà, trở thành một điền chủ lớn ở Cần Thơ, Sóc Trăng. Là điền chủ nhưng bà vẫn giữ chất nông dân chân chất, dạy con cháu tằn tiện đến từng cái giẻ lau, tay run run ghi một chữ “Mẹo” vào giấy tờ mỗi khi chồng đi vắng. Thế nhưng nỗi đau mất nước, nỗi đau nô lệ của xứ thuộc địa lại thấm vào ông bà từ bao giờ, để khi kháng chiến nổi lên bà lại không một lời ngăn cản vợ chồng cô con gái duy nhất Nguyễn Thị Tú lao vào phong trào. Mà ngược lại bà gom hết tài sản, ruộng đất hiến cho cách mạng, cả gia đình xuống một chiếc ghe về quê cũ ở Thường Phước, Cần Thơ sinh sống.

Ông Trần Thượng Tân, chồng cô Tú, mất sớm vì bạo bệnh, để lại người vợ trẻ mới 24 tuổi và bốn con thơ. Cách mạng Tháng Tám thành công không bao lâu, Pháp chiếm lại Nam kỳ, cuộc đấu tranh đi vào những bước cam go mới. Cô Nguyễn Thị Tú được tổ chức phân công về Sài Gòn hoạt động trong khối trí thức, bà Mẹo và ông Thâu một lần nữa dọn nhà cùng đi, cùng nhau làm một hậu phương vững chắc cho con gái.

Tiệm bánh Trần Thượng một thời nổi tiếng Sài Gòn ra đời từ đó. Tiệm bánh là nơi lui tới, móc nối giao liên của phong trào cách mạng, xuyên suốt các thời kỳ Việt Minh, Mặt trận dân tộc giải phóng, các khối giáo chức, trí vận... Bà Mẹo, ông Thâu đột nhiên có thêm nhiều chàng trai, cô gái đến gọi là “ba, má”. Những chiếc bánh của tiệm Trần Thượng được giao đi khắp Sài Gòn, lợi nhuận của nó lại lên đường theo cô Nguyễn Thị Tú làm cách mạng. Bánh của Trần Thượng còn lên đường đi vào mật khu, góp vui trong các cuộc hội họp đến tiếp tế vào hầm bí mật. Những đồng chí của cô Năm Tú còn đến hôm nay ai cũng nhớ hình ảnh bà mẹ nhân hậu, chỉn chu của cô ở tiệm Trần Thượng. Có bà, cô Năm Tú yên tâm vững bước trên con đường mình chọn. Có bà, các con trai, con gái của cô được lớn lên trong yên ấm, ăn học đủ đầy và thấm đẫm tinh thần yêu nước của ông bà ngoại.

TZKnbBxp.jpgPhóng to
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mẹo - Ảnh tư liệu gia đình cung cấp

Bài học làm người

Không trực tiếp làm cách mạng nhưng bà Mẹo và ông Thâu lại chính là điểm tựa cả vật chất lẫn tinh thần cho những người cách mạng xuất thân từ gia đình ông bà. “Vì việc lớn, hi sinh bản thân, không trách móc, không đòi hỏi. Ông bà không nói, chỉ dạy cho chúng tôi bằng cuộc đời mình” - bà Tố Nga kể một câu chuyện ít được nhắc trong gia đình. Ấy là câu chuyện chiếc xe đưa ông về thăm quê bị phục kích vì lầm là xe chở sĩ quan Pháp. Những viên đạn vô tình bắn thẳng vào đứa cháu ngoại đang ngồi trong lòng, xuyên vào bụng ông, cắt rời chân phải. Bà Lê Thị Mẹo cắn răng chôn cất đứa cháu ngoại chỉ mới 3 tuổi, chứng kiến cảnh người ta cắt rời mấy miếng da còn dính lại trên chân của chồng, ba viên đạn xuyên bụng còn nằm im đó cho đến khi ông nhắm mắt. Vậy nhưng ông bà không một lời than trách những người đã gây ra mất mát oan nghiệt. Ông vẫn lặng lẽ đứng một chân điều hành tiệm bánh, bà vẫn ngược xuôi tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, các con cháu vẫn tiếp nối nhau lên đường cách mạng.

“Tôi nhớ nhất là hình ảnh bà ngoại đi thăm tù” - cả mấy chị em bà Tố Nga, Quế Nga, Tuyết Nga, Ngọc Lan đều nhắc. Cả nhà hoạt động cách mạng nên bao nhiêu năm cứ lần lượt... ở tù. Từ ông Tạ Bá Tòng (chồng sau của bà Nguyễn Thị Tú - PV), bà Năm Tú, đến Tố Nga, Quế Nga, Tuyết Nga... Khắp các trại tù: Tổng nha Cảnh sát, Nha đô thành, Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức, Côn Đảo... con cháu ở đâu, bước chân bà ngoại đi đến đó. Chiếc giỏ đệm của bà luôn được ông tự tay chuẩn bị, lèn chặt thức ăn, đồ tiếp tế, không chỉ cho con cháu mà cả những đồng đội của con cháu mình. “Bà không chỉ mang thức ăn và tình thương, bà mang cả sức mạnh” - bà Tố Nga ngùi ngùi nhắc. Cô Năm Tú bị đưa ra Côn Đảo, bà lặn lội xuống tàu, vượt biển ra thăm con. Những tên quản ngục thấy bà xuất hiện thì mừng lắm, hi vọng sự có mặt của bà sẽ lung lạc được cô con gái đang đứng đầu cuộc đấu tranh của tù nhân tại Chuồng Cọp. Gặp mẹ, chị Năm Tú nói ngay với bà điều đó. Bà hiểu, rớt nước mắt động viên con vài lời rồi quay lưng trở về đất liền. Hai lần bị ép đến gặp Tố Nga ở Tổng nha Cảnh sát cũng vậy, bà cứng cỏi dặn cháu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, con à”, rồi về.

Câu chuyện ngày 30-4

Trong vô số câu chuyện mà con cháu hôm nay kể về bà Lê Thị Mẹo, có câu chuyện về ngày 30-4, 1-5-1975. Ngày ấy, tiệm bánh Trần Thượng đông người lắm. Đầu tiên là Tố Nga bồng con gái chỉ vừa 4 tháng tuổi ra khỏi phòng biệt giam, cuống quýt vui tự do, mừng hòa bình về nhà bà ngoại. Rồi những người cháu khác, những liên lạc, giao liên của khối trí vận nô nức đến nhà. Lại có cả những người lính, sĩ quan cộng hòa vứt bỏ súng ống, hốt hoảng chạy vào cầu cứu, bà Mẹo hiền hòa lấy bánh cho ăn, lấy áo cho mặc, rồi an ủi, vỗ về, cho tiền về quê...

Buổi tối 1-5, một người đàn ông bước vào, rơm rớm nước mắt, vò mãi cái mũ, tự giới thiệu là trung tá ở Tổng nha Cảnh sát và nói với ông bà lời xin lỗi vì đã từng bắt giam, tra tấn chị Năm Tú. Đã gần 10 năm ruột gan rối bời vì không nghe tin con gái (bà Nguyễn Thị Tú mất tích trong trận càn Cedar Falls tại căn cứ Trung ương Cục năm 1967 - PV), đã qua hai ngày hi vọng mỏi mòn không thấy con về trong hòa bình, bà không khỏi đau xót. Thế nhưng bà vẫn bình tĩnh, cởi mở, trò chuyện rất hiền hòa. Ông Kiều Xuân Long, khi ấy là chánh văn phòng ban trí vận, cháu rể của bà, kể đến hôm nay chưa hết ngạc nhiên về bà ngoại: “Chiều ấy tôi vừa đến cửa, nhác thấy bóng tôi, bà ngoại liền ra đón. Bà bảo: có ông trung tá đang ở trong nhà, ông ấy đến xin lỗi gia đình. Người ta đã ngã ngựa, con đừng cư xử không phải với họ, con nhé... Bà ngoại, với bản năng bao dung của người mẹ, đã dạy tôi bài học về hòa hợp, hòa giải ngay lúc đó, ngay ngày 1-5-1975”.

“Bà ngoại của tôi là như vậy. Điều duy nhất làm bà day dứt đến phút cuối đời là chưa tìm được hài cốt của mẹ tôi. Bà không biết mình được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng nếu biết, chắc bà sẽ bảo phải có thêm cha anh hùng để dành cho ông ngoại tôi suốt đời lặng lẽ. Ông bà cho chúng tôi cả một cuộc đời để học, để noi theo...” - bà Tố Nga lặp lại, không biết đã là lần thứ bao nhiêu trong đời bà. Ấy thế mà bà còn được học, được noi theo cả cuộc đời của mẹ nữa...

______________________

Kỳ tới:Mẹ Tú

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên