Xác máy bay Metrojet 9268 năm 2015 - Ảnh: REUTERS
Chuyến bay Metrojet số hiệu 9268 chở theo 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã biến mất khỏi màn hình radar 23 phút sau khi cất cánh từ sân bay Sharm El Sheikh của Ai Cập ngày 31-10-2015.
Chiếc máy bay sau đó được xác định đã rơi khi đang trên không phận bán đảo Sinai và không một ai trên máy bay sống sót. Nga, quốc gia có nhiều công dân đi trên máy bay nhất, ngay sau đó đã điều 3 máy bay tới hiện trường và thu thập được hộp đen máy bay chỉ vào ngày 1-11-2015.
Theo một số quan chức chính phủ Ai Cập giấu tên, phi hành đoàn đã yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp trước khi mất liên lạc. Một số giả thuyết lập tức được đưa ra: máy bay đã gặp sự cố kĩ thuật và rơi.
Tuy nhiên, dữ liệu thu thập từ hộp đen cho thấy phi công không hề đưa ra yêu cầu hạ cánh khẩn cấp hay chuyển hướng. Dù nó bị hư hỏng khá nặng, người ta vẫn nghe thấy một tiếng nổ lớn khi trích xuất dữ liệu từ hộp đen trước khi mọi thứ chìm vào im lặng.
Một cuộc điều tra quốc tế đã được mở ra ngay lập tức, với sự tham gia của Pháp, Đức và Anh nhưng các nỗ lực chính do Ai Cập và Nga dẫn dắt. Người Anh, sau một cuộc điều tra đã thận trọng đưa ra kết luận "máy bay đã cố tình bị làm cho rơi".
Các chuyên gia quân sự khẳng định các tổ chức khủng bố ở Sinai không có khả năng bắn hạ một máy bay ở độ cao hơn 9.000m.
Vụ thảm sát Luxor năm 1997 ở Ai Cập khiến 36 du khách Thụy Sĩ thiệt mạng - Ảnh chụp màn hình
Theo cơ quan tình báo Anh, sau vụ tấn công, các đoạn thông tin liên lạc giữa các nhóm khủng bố ở Sinai đã bị chặn và cho thấy một quả bom đã được cài lên máy bay Nga trước khi nó cất cánh. Đến đây, việc điều tra bắt đầu quay ngược trở lại sân bay của Ai Cập với những câu hỏi như bằng cách nào những kẻ khủng bố đã vượt qua kiểm soát an ninh và ung dung mang bom lên máy bay.
Ngày 17-11-2015, Nga tuyên bố các hành động khủng bố là nguyên nhân khiến máy bay Metrojet bị rơi sau khi phát hiện các dấu vết của thuốc nổ trên xác mác bay. Sức công phá của thiết bị nổ tự chế tương đương 1kg thuốc nổ TNT, đủ sức xé toạc thân máy bay.
Một ngày sau tuyên bố của Nga, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng đứng ra nhận trách nhiệm và cho biết không phải một mà tới ba thiết bị nổ tự chế đã được cài lên máy bay Nga.
Bất chấp những tuyên bố này, ngày 14-12-2015, người đứng đầu ủy ban điều tra tai nạn của Ai Cập khẳng định "không có bằng chứng cho thấy có hành động khủng bố hay sự can thiệp bất hợp pháp dẫn tới thảm họa".
Tuyên bố này đã chọc giận Matxcơva, buộc người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phải lên tiếng nhấn mạnh "các chuyên gia Nga đã khẳng định đó là một hành động khủng bố".
Vào thời điểm này, ngành du lịch - nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập, đã gần như bị tê liệt. Nỗ lực gượng dậy của nó nhanh chóng bị đánh gục bởi vụ tấn công. Trong khi Nga điều hàng chục máy bay tới đón công dân là khách du lịch về nước, các hãng hàng không của Anh, Pháp và Đức đình chỉ toàn bộ chuyến bay đến và đi từ sân bay Sharm el-Sheikh.
Kim tự tháp Giza ở Ai Cập - Ảnh chụp màn hình
Đến ngày 24-2-2016, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận chủ nghĩa khủng bố là thủ phạm đánh bom máy bay Nga.
"Chủ nghĩa khủng bố đã cáo chung chưa? Ai muốn đánh bom chiếc máy bay đó? Để làm gì? Đâu chỉ để gây tổn hại cho ngành du lịch mà còn muốn tổn hại quan hệ của Ai Cập với Nga" - ông Sisi nói.
Các nhóm khủng bố tại Ai Cập đã nhiều lần nhắm mục tiêu là các du khách nước ngoài. Ngày 17-11-1997, sáu tay súng thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan al-Gamaa al-Islamiya bất ngờ tấn công ngôi đền Hatshepsut ở Luxor, Ai Cập, giết chết 62 người, phần lớn là du khách nước ngoài.
Năm 2005, một loạt vụ đánh bom khủng bố tại các khu nghỉ dưỡng Sharm El Sheikh cũng cướp đi sinh mạng của 88 du khách. Năm 2017, một sinh viên cuồng tín đã dùng dao tấn công các du khách nước ngoài trong một khu nghỉ dưỡng khiến ít nhất 2 người Đức thiệt mạng.
Vụ đánh bom máy bay Nga năm 2015 được xem là hành động khủng bố đẫm máu nhất nhắm vào du khách nước ngoài ở Ai Cập.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù thừa nhận chủ nghĩa khủng bố là thủ phạm song cuộc điều tra Metrojet năm xưa vẫn chưa thể gọi là kết thúc khi danh tính thủ phạm thực sự vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Hàng loạt câu hỏi vẫn chưa được giải đáp như bọn khủng bố đã lọt hàng rào an ninh và đem bom lên máy bay bằng cách nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận