Thầy trò Trịnh Thị Phúc trong buổi nhận hỗ trợ học phí 5 năm học, trước khi nhập trường sáng 27-8 - Ảnh: L.ANH
Dáng nhỏ nhắn, giọng nói đặc sệt vùng núi Thọ Xuân, Thanh Hóa, hôm nay Phúc ăn mặc tươm tất đến trường. Những bộ quần áo này là mấy ngày trước vợ thầy Dũng đưa Phúc đi mua. "Nhà em thì không có, khi nhận giấy báo đậu vào trường, em không có đồng nào", Phúc kể.
Đến tận nhà "chiêu sinh" cô học trò nghèo
Đi cùng học trò lên Hà Nội nhập học, thầy Dũng không muốn nói về mình, phải sau mấy lần thuyết phục thầy mới kể vài câu chuyện nhỏ.
Cơ duyên thầy gắn bó với cô học trò Trịnh Thị Phúc là năm Phúc tốt nghiệp THCS, hồi ấy bố Phúc đang ốm (năm Phúc học lớp 11 thì bố mất), mẹ Phúc mỗi ngày đạp chiếc xe thồ hơn 50km lên huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa để bán rau nuôi con.
"Năm ấy Phúc được giải Vật lý, tôi dạy Vật lý nên hay chú ý những em học sinh như vậy. Vì trong huyện còn những trường THPT khác nữa nên thầy hiệu trưởng, bí thư Đoàn trường và tôi đã đến tận nhà Phúc để mời em ấy nhập học vào THPT Thọ Xuân 4 của chúng tôi. Chúng tôi vẫn thường đi 'chiêu sinh' như vậy", thầy Dũng kể.
Sau này Phúc kể, nếu không có cuộc "chiêu sinh" ấy thì Phúc sẽ không đi học THPT, vì lúc ấy gia đình quá khó khăn. Nhưng thầy Dũng nói cứ đi học, trường quê không phải đóng góp bao nhiêu, ăn ở thì đến nhà thầy.
Khi Phúc đến, con lớn của thầy Dũng đang học lớp 3, con bé 3 tuổi. Ngày Phúc đi học, ăn cơm cùng với gia đình thầy, tối ngủ với em bé con thầy. Các em đều quý chị Phúc, đòi chị suốt. Được hai năm thì bố Phúc mất, mẹ Phúc phải vào Cà Mau làm thuê mong sao thu nhập tăng lên một chút để có tiền nuôi con.
Ấy vậy mà năm lớp 11 đó Phúc vẫn được giải Vật lý cấp tỉnh, dù là giải "bé", như lời Phúc.
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phúc được 24,8 điểm, chưa tính điểm cộng, quả là nỗ lực lớn của cô học sinh nghèo, chẳng có tiền đi học thêm hay sách vở để ôn luyện. Điểm số đó thừa chút ít để Phúc đậu vào ĐH Dược Hà Nội.
"Hai thầy trò bàn nhau, bối rối lắm, lúc đầu Phúc xác định không đi học, tôi thì nghĩ vào đời cũng có nhiều cách, có thể đi làm sau này đi học cũng được. Nhưng rồi lại nghĩ đậu ĐH Dược mà không học thì tiếc lắm, thầy trò lại tính. Ban đầu báo Thanh Hóa đăng về trường hợp của cháu, nhưng hỗ trợ từ cơ quan trong tỉnh và huyện cũng chỉ được 1,5 triệu đồng", thầy Dũng chia sẻ.
Cơ hội đi học vẫn xa vời, lần này thầy Dũng nghĩ đến chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Thầy trò liền gửi đơn qua mạng, nhưng thầy vẫn lo, nếu không được thì học trò mình sẽ đi học thế nào? Thầy cậy cục tìm sự hỗ trợ của báo chí, nhờ một bài báo được đăng, nhiều người biết đến hoàn cảnh của Phúc hơn.
"Ở quê thì mỗi người thường gửi 50.000 đồng giúp cháu, nhưng cũng có người ở xa gửi đến 10 triệu. Từ hôm báo đăng đến nay mọi người cũng gửi giúp trên 200 triệu. Rồi lại nhờ cầu nối là một nữ nhà báo, có Công ty ALC nhận tặng học phí cho cháu trong suốt 5 năm học. Tôi nói với Phúc toàn bộ số tiền này dành cho em đi học, nếu 5 năm còn thiếu, thầy sẽ tặng chỗ còn thiếu đó", thầy Dũng nói.
Giờ bên cạnh Phúc hầu như không có người thân: hai chị gái đều đã lập gia đình và rất nghèo, bà nội đã ngoài 80 tuổi ở quê, mẹ ở tận Cà Mau. Trước ngày đến trường mới ở Hà Nội, vợ thầy Dũng đưa Phúc đi sắm chút quần áo, đồ dùng, để cô trò nhỏ có thể bắt đầu những ngày mới, với hành trang mới.
Lại một lứa học trò vào lớp 10, thầy Dũng lại bắt đầu đi "chiêu sinh" những học sinh giỏi và đỡ đầu những học trò nghèo - sứ mệnh của những người đưa đò ở vùng quê.
"Em chỉ biết nỗ lực hết sức mình"
"Khi em học xong lớp 9, chuẩn bị lên lớp 10 thì 3 thầy đến, các thầy hỏi dân làng, lúc ấy bố em đang ốm, bố em bắt đầu ốm từ khoảng 35 tuổi, càng ngày càng nặng, còn mẹ em hàng ngày đi xe thồ ra chợ mua rau rồi đạp xe lên tận huyện Ngọc Lặc cách nhà 50 km để bán, bao giờ bán hết thì về. Hồi đó nếu 3 thầy không đến gọi, em có thể đã nghỉ học", Phúc kể câu chuyện buồn của mình.
"Thấy hoàn cảnh em khó khăn, em lại định không đi học, thầy nói đến ăn cơm nhà thầy, vậy là em đến nhà thầy, ban đầu tối tối về nhà ngủ, sau này vướng lịch học (nhà Phúc ở xã cách Trường khá xa) thì ngủ lại nhà thầy luôn, chỉ khi nào hè hay tết thầy cô và các em về quê thì em về nhà".
Năm Phúc học lớp 11 thì bố em mất, mẹ em vào Cà Mau, trong đó có các bác hỗ trợ nên mẹ đỡ được tiền ăn, tiền lương mẹ gửi cho hai bà cháu ở nhà, nhưng Phúc còn 2 chị gái, một chị con ốm, định kỳ tháng nào cũng lên bệnh viện 15 ngày, một chị lấy chồng ở cùng huyện nhưng hiện nay đang đi làm công nhân.
"Nếu không có sự hỗ trợ này, chắc chắn em không thể đến trường, chắc chắn em phải dừng việc học tập mặc dù em yêu thích nó lắm. Sau này, em chỉ biết nỗ lực hết sức mình, học tập thật tốt", cô bé 18 nhỏ nhắn hơn hẳn so với các bạn cùng tuổi nhưng trông tinh nghịch, lanh lợi, chia sẻ.
Khi có người khen Phúc học được vậy đã là nỗ lực, cô bé luôn miệng thanh minh: "Em vẫn học lệch, điểm của em còn kém lắm..."
Hôm nay, Phúc đến trường, chị Bích Ngọc - một trong số các nhà hảo tâm hỗ trợ Phúc - dặn em hãy học thật chắc, khi ổn định việc học thì đi làm gia sư để trang trải thêm cuộc sống.
Một nhà hảo tâm khác thì kêu Phúc đến chơi nhà vì gia đình cũng có 2 cô con gái sàn sàn tuổi, để Phúc có được không khí gia đình dù đang sống xa quê, xa bà, mẹ, các chị và một gia đình cũng thân thuộc nữa với em là gia đình thầy Hoàng Văn Dũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận