19/11/2014 09:58 GMT+7

"Ba năm nữa dân hết chui túi nilông, đu dây vượt lũ"

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Sáng nay (19-11), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tiếp tục trả lời chất vấn và giải tỏa nỗi nhiều vấn đề mà đại biểu quốc hội cũng như cử tri quan tâm.

Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: H.Nam
Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: H.Nam

Trước đó, hứa trước Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 18-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết trong ba năm nữa sẽ xây xong 7.811 cầu treo qua suối, người dân không phải chui túi nilông, đu dây vượt lũ...

Đây là một trong những lời hứa có mốc thời gian, có số liệu cụ thể ở 50 tỉnh trên cả nước mà Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết: “Đã không hứa thì thôi, hứa rồi thì phải làm”.

Tiền đâu để xây?

Đại biểu ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (TP.HCM):

Bộ trưởng trả lời đơn giản quá

Bộ trưởng Đinh La Thăng quên trả lời nội dung tôi hỏi là vì sao dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao, đội vốn tới hơn 300 triệu USD. Về sự an toàn khi dự án này đưa vào vận hành là điều đang được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm. Dự án sử dụng công nghệ Trung Quốc, ở Trung Quốc thì nó từng gây ra tai nạn rồi. Trong khi đó đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đi trên đầu hàng ngàn người dân tham gia giao thông đường bộ bên dưới. Đây là nỗi lo chung của nhiều cử tri.

Vậy, bộ trưởng với trách nhiệm của mình có dám cam kết là sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tai nạn nữa không? Chứ còn nếu mà trả lời là sẽ thực hiện theo đúng quy trình, quy định thì nó vô cùng lắm. Với một vấn đề quan trọng như vậy mà bộ trưởng trả lời quá đơn giản. Tôi quyết định không hỏi lại nữa, bởi hỏi lại đôi khi bị nhận xét là người hay đôi co.

LÊ KIÊN ghi

Trước đó, đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) đặt câu hỏi về khả năng hoàn thành những dự án cầu treo mang tính cấp thiết trong năm 2015 mà Bộ GTVT đã khởi công.

Ông Đinh La Thăng cho biết có 186 cầu treo được khởi công, ứng vốn của năm 2015 và đến ngày 30-6-2015 sẽ hoàn thành.

Còn đề án 7.811 cầu treo hiện Tổng cục Đường bộ và các địa phương đã rà soát, lên kế hoạch để đầu tư.

Để có 12.000 tỉ đồng thực hiện đề án, ông Thăng đề nghị các địa phương cũng phải chắt chiu, góp vốn xây dựng. Riêng Bộ GTVT sẽ tìm nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới, từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và huy động các doanh nghiệp bằng việc mở chương trình “nhịp cầu thân ái”.

Cũng câu chuyện về vốn, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) về lo ngại “nếu công trình chuyển giao cho đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, thì có tình trạng kéo dài thời gian khai thác, thu phí quá cao”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng công trình giao thông thì cũng đều theo khung giá, mức phí của Bộ Tài chính, không thể tăng giá tùy tiện được.

Ông Thăng thông tin ba năm qua huy động được 160.000 tỉ đồng ngoài xã hội, chiếm đến 60% tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông.

“524km đường cao tốc hiện có, phải chuyển nhượng để lấy tiền đầu tư cuốn chiếu thì năm 2020 sẽ có 2.000km đường cao tốc” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu ví dụ và cho rằng đây là giải pháp đột phá của ngành giao thông.

Dân đang trả phí cho sản phẩm kém chất lượng

“Công nghệ Trung Quốc nhưng là... công nghệ mới” - câu nói này của ông Đinh La Thăng làm cho nhiều đại biểu bật cười khi ông trả lời về chất vấn liên quan tới những công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn: “Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ cũ hay mới? Từ hôm rơi cáp cẩu chết người tôi cứ liên tưởng đến ở Trung Quốc tàu trên cao rơi xuống chết nhiều người. Bộ trưởng có cam kết công trình này sẽ tuyệt đối an toàn không?”.

Ông Thăng cho rằng sự cố vừa qua là hết sức đáng tiếc, Bộ GTVT đã cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, chỗ nào an toàn mới cho thi công.

Riêng về nỗi lo lắng “rơi tàu xuống đất”, ông Thăng nói tiêu chuẩn an toàn phải là số 1 rồi mới đến hiệu quả.

Cũng chất vấn về chất lượng công trình, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề tuyến Nội Bài - Lào Cai vừa mới xong đã nứt, còn quốc lộ 51 thì xuống cấp rất nhanh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng phân trần sự cố cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một rủi ro, khi từ nhà thiết kế Nhật Bản, nhà thầu Hàn Quốc và cả các đơn vị của Việt Nam cũng không phát hiện được.

Với quốc lộ 51, ông Đinh La Thăng thừa nhận trong quá trình triển khai dự án đã kiểm soát không chặt chẽ và đã yêu cầu nhà thầu khi nào khắc phục xong mới được thu phí.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Công không hài lòng với câu trả lời này, cuối phiên chất vấn bà đứng dậy và nói: “Quốc lộ 51 có 70km mà mấy chục nhà thầu thi công, phải chăng là thể hiện sự chia chác? Thi công phản khoa học nhưng cơ quan quản lý nhà nước không có vai trò gì, người dân phải chịu trả phí cho dự án kém chất lượng”.

Đường cao tốc đắt hay rẻ?

“Ba năm nay không có công trình giao thông nào đội vốn, chỉ có giảm so với trước” - Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) về giải pháp hạn chế đội vốn và chống tham nhũng trong các công trình giao thông.

Ông Thăng cho rằng các công trình đội vốn là chủ quan, làm không đúng quy hoạch, giải phóng mặt bằng chậm, không lo được đủ vốn...

“Nhưng nay chuẩn bị tốt thì không có lý do gì để đội vốn cả” - ông Thăng tin tưởng.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề đường cao tốc của Việt Nam là đắt “nhất hành tinh?”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng nói như thế là chưa chính xác.

Bộ Xây dựng kiểm tra và thấy tiền đầu tư cho 1km đường cao tốc ở Việt Nam ngang với Trung Quốc, thấp hơn ở Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản.

Theo ông Thăng, giá thành đường cao tốc ở Việt Nam còn có thể giảm hơn nếu không gặp nền đất yếu như ở ĐBSCL hay quá nhiều cầu vượt, hầm chui như tuyến Hà Nội, Hải Phòng...

Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng ông Thăng hiểu sai ý mình.

Ông Minh nói: “Tôi không nói đặc thù như bộ trưởng nói về suất đầu tư cho 1km đường. Nếu cần nói đặc thù thì tôi cũng đưa ra được ở Hà Nội có những con đường đắt nhất hành tinh. Tôi đang nói mức bình quân, có yếu tố do đơn giá kỹ thuật xây dựng nên giá cao, bộ trưởng cùng các ngành khác xem giảm được nữa hay không?”.

Ông Minh còn nói: “Bộ trưởng cũng không cần thiết cung cấp cho tôi danh sách giá tiền đầu tư đường cao tốc của các nước. Đừng cung cấp chi cho tốn kém giấy mực. Bộ trưởng hãy cung cấp cho báo chí, để mọi người dân biết”.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn Bộ GTVT cho biết đã cắt giảm được 34.000 tỉ đồng nhờ điều chỉnh lại một số dự án “nhưng có xuất phát từ việc cắt quy mô, cắt khối lượng, cắt hạng mục hay là do dự toán sai, dự toán lãng phí? Thậm chí là có tiêu cực?”.

Ông cho rằng tiết kiệm là nhờ tăng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật mà vẫn đảm bảo không giảm chất lượng công trình.

“Vậy vấn đề là như thế nào, đề nghị bộ chứng minh được rõ ràng con số 34.000 tỉ đồng đó là tiết kiệm thật sự” - đại biểu Lê Văn Lai nói.

Sáng nay (19-11), Bộ trưởng Thăng tiếp tục trả lời chất vấn và giải tỏa nỗi nghi vấn xung quanh việc tiết kiệm 34.000 tỉ đồng này.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên