09/09/2019 12:01 GMT+7

Ba Minh và những đứa con khuyết tật

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ông không vợ con nhưng nhiều đứa trẻ gọi ông là 'ba'. Cả một đời ở nhà thuê nhưng ông vẫn dang tay cưu mang những đứa trẻ khuyết tật, khơi dậy niềm đam mê bơi lội cho bọn trẻ và không ít người đã thành vận động viên nổi tiếng.

Ba Minh và những đứa con khuyết tật - Ảnh 1.

Ông Minh đã chế ra chiếc máy cho các con kéo luyện tập sức bền cho tay. Trong ảnh: ông Minh và con gái Vi Thị Hằng - Ảnh: MY LĂNG

Lúc nào ba cũng hi sinh, cũng cho đi. Với ba, việc chăm sóc người khác dường như là niềm vui.

VI THỊ HẰNG

Ông là Trần Hoàng Minh, 77 tuổi, hiện đang ở nhà thuê trong một con hẻm nhỏ đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP.HCM. Ở cùng ông trong căn nhà thuê này là vợ chồng người cháu và 7 người khuyết tật. 

Tuổi đã cao nhưng ông Minh lại chọn cái phòng nhỏ xíu ở tầng thượng căn nhà, ngày ngày leo lên leo xuống mấy chục bậc thang.

20 năm, gần 20 lần đi thuê nhà

"Tụi mình gọi ba là 'hoàng tử gác mái'. Cái phòng nhỏ trên sân thượng này là của ba. Trong phòng chỉ có cái giường, mấy bộ quần áo, tủ đựng giấy tờ của các con và cái ấm trà. 

Ba chẳng có gì. Cả đời không bao giờ ba tự đi mua đồ. Sinh nhật ba, tụi mình mua thì ba mới có áo mới. Ba không có nhu cầu mặc đẹp, mặc áo mới. Ba mặc một cái áo đến sờn rách mới chuyển qua áo khác. Có cái áo ba mặc 3 năm" - Vi Thị Hằng, cô con gái đã hơn 7 năm ở cùng ba Minh, nói.

Từ năm 1999, ông Minh đã thành lập cơ sở Mùa Xuân để cưu mang những người khuyết tật, định hướng công việc cho họ, hỗ trợ họ học nghề rồi lặn lội nắng mưa đi gõ cửa nhiều công ty, xưởng may... xin việc cho những đứa con không phải mình đẻ ra. Đã 20 năm nay, cuộc sống của ông luôn gắn với những đứa trẻ khuyết tật. 

"Tôi là người Hà Nội. Số sinh ra không ở cùng gia đình. Năm 1953 tôi đã cùng chú ruột vào miền Nam. Tôi ở với chú 1-2 năm rồi bay nhảy, làm đủ thứ nghề mà lâu nhất là làm thợ điện" - ông nói.

Hơn 20 năm trước. Tháng 4-1999, hai người cháu của ông Minh lên TP.HCM học, nói có người bạn liệt hai chân muốn đi học nhưng không có điều kiện, bác có thể giúp được không. Người bạn đó chính là Nguyễn Thị Minh Lý, quê Tiền Giang, sau trở thành một vận động viên khuyết tật nổi tiếng. 

"Tôi chạy xe xuống tận nơi đón Lý lên đây. Nó học vẽ tranh lụa. Vẽ rất đẹp. Những tháng đầu tiền ăn học tôi lo hết. Khi con có sản phẩm làm ra trên 1 triệu đồng thì mới đóng góp 200.000 đồng một tháng tiền ăn" - ông Minh cho hay.

Sau Minh Lý là Lê Thị Hiền, Nguyễn Thị Bảy... cũng đến xin được ở cùng. Rồi những đứa trẻ khuyết tật từ nhiều vùng quê, tỉnh thành: Bình Định, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Đồng Tháp, Gia Lai... cũng đến xin được hỗ trợ. Có nhiều em ở TP.HCM nhưng không ở nhà mà ở đây vì vui hơn. 

Bọn trẻ lúc đầu gọi ông là bác, sau gọi "ba Minh" hết. Rồi nhà cứ đông dần lên. Có thời điểm ông gánh gồng tới 30 đứa trẻ khuyết tật. Nhà chật chội hơn nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Thế nên ông Minh gọi nhà mình là gia đình Mùa Xuân.

Ông cho bọn nhỏ học thêu, may, đan, kết cườm, làm tranh giấy xoắn.... Kiếm chỗ dạy nghề cho bọn trẻ xong, ông lại cặm cụi đi đến nhiều cơ sở hỏi người ta có chịu nhận người khuyết tật hay không. Rất nhiều nơi lắc đầu từ chối. Cũng may mắn có những nơi chìa bàn tay giúp đỡ người khuyết tật có thể kiếm miếng cơm manh áo. Người nào học xong, có trình độ thì đi làm các công ty. 

Để có tiền trang trải chi phí thuê nhà, điện nước và cơm canh cho tụi nhỏ, ông Minh làm trang trí nội thất, điện nước, sơn phết, sửa chữa điện tử điện lạnh... Giờ tóc đã bạc, không còn khỏe nhưng thỉnh thoảng khách quen kêu sửa chữa lặt vặt, ông vẫn đi.

20 năm nay, ông đã gần 20 lần đi thuê nhà, cưu mang gần 200 người khuyết tật. Nhiều người trong số đó sau khi học nghề xong về quê lập nghiệp. Có người thì đi lấy chồng ở xa. Có người thì vào công ty làm, có thể tự mình kiếm tiền nuôi sống bản thân. 

"Hiện giờ có khoảng 50 cháu lui tới thường xuyên. Còn đang ở cùng tôi thì có 7 cháu" - ông Minh nói. Trong số 7 người đó có Vi Thị Hằng, 29 tuổi, người Đắk Nông, là một vận động viên khuyết tật có nhiều thành tích hiện nay.

Ba Minh và những đứa con khuyết tật - Ảnh 3.

Ông Minh và các con gái Vi Thị Hằng, Trương Ý Nhi (đầu tiên và thứ hai từ phải qua) - Ảnh: MY LĂNG

Hi sinh và cho đi

Vi Thị Hằng là một trong những niềm tự hào của ông. Hỏi lý do cho các con đi học bơi, ông bảo: "Thể trạng tụi nó yếu lắm. Chỉ có thể thao mới có sức khỏe. Thứ hai là được đi giao lưu chỗ này chỗ kia thì tụi nó mới vui. Hơn nữa, thi đấu có huy chương thì có tiền hỗ trợ gia đình, tụi nó cũng phấn khởi hơn".

Ông khuyến khích tụi nhỏ học bơi, bỏ tiền túi ra mua vé cho các con luyện tập. Muốn có thành tích thì phải luyện tập thường xuyên. Đều đặn hằng tuần, ông lại chở tụi nhỏ đi tập bơi. Những lúc tập luyện, có khi ông chở một lúc ba đứa. 

"Xe của tôi để thêm một ghế đằng trước, đằng sau chở hai đứa. Xe cà tàng, mưa hay bị chết máy. Mình đâu có để tụi nhỏ xuống, vẫn để ba đứa ngồi trên xe, tới chỗ cao thì bồng tụi nó xuống, đạp xe nổ máy được lại bồng tụi nhỏ lên. Có khi xe chết máy bốn lần mới tới được hồ bơi" - ông mỉm cười nhớ lại.

Nhờ có sự khuyến khích và kiên trì của ông, nhiều tài năng đã được ươm mầm và mang về trái ngọt tại những đấu trường quốc tế như Nguyễn Thị Minh Lý, Nguyễn Thị Sa Ri, Vi Thị Hằng... 

"Sa Ri bị liệt hai chân. Para Games 2009 tổ chức ở Malaysia, nó được bình chọn là vận động viên xuất sắc nhất với 3 huy chương vàng, 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục Para Games. Còn Vi Thị Hằng thì hiện đang tập huấn chuẩn bị tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020. Cuối năm nay nó sẽ tham dự Para Games 2019 tổ chức tại Philippines" - ông Minh tự hào nói.

Vi Thị Hằng hiện là thành viên đội tuyển bơi người khuyết tật TP.HCM và là thành viên đội tuyển bơi người khuyết tật quốc gia. "Khi mình vô đây, ba Minh hỗ trợ nhiều lắm. Ba ngày ngày chở đi học bơi, bỏ tiền mua vé cho mình tập. Có những bạn yếu không đi được, 5-7 năm trước ba còn khỏe còn ẵm được, cõng được nhưng giờ lưng ba không cho phép nữa thì ba đẩy xe lăn. 

Ba Minh còn sáng chế cái máy cho tụi mình kéo luyện tập sức bền cho tay, bình thường phải vô phòng tập gym. Ốm đau thì ba nấu cháo, mua thuốc chăm. Tất cả những lần tụi mình đi thi đấu, đêm hôm khuya khoắt thế nào ba đều là người đưa đi và đón về" - Hằng nói.

Hằng ở với ba Minh từ năm 2012, sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp. Cô tâm sự: "Lúc nào ba cũng hi sinh, cũng cho đi. Với ba, việc chăm sóc người khác dường như là niềm vui. Cuộc sống bây giờ phải bon chen hơn mới có cái ăn. Còn ba thì không, cứ thương đi đã, cứ cho đi hôm nay đi đã, cứ vui ngày hôm nay đi đã. 

Tụi mình 1-2 tháng cho ba một ít tiền để đổ xăng. Ba có 2-3 người bạn bên Mỹ, rồi anh cả bên Thái và các cháu lâu lâu hay gửi về cho ba ít tiền. Vậy mà ba có để dành cho mình đâu. Mấy người con lập gia đình khó khăn lâu lâu gọi: Ba ơi, con con hết sữa, con con đi bệnh viện... ba lại lấy tiền dấm dúi cho. Ba cứ thương đứa này đứa kia, quanh đi quẩn lại chỉ lo cho con cho cháu".

Đã hơn 7 năm ở cùng ba Minh trong đại gia đình Mùa Xuân, Hằng bảo: "Hai năm nay tiền nhà tụi mình phụ ba chứ hồi trước ba cáng đáng hết. Mình giờ đã có thu nhập tốt hơn nhưng vẫn thích ở cùng ba. Tình cảm với ba còn hơn là từ thương. Nó lớn hơn từ thương nhiều. Ba không vợ con, lỡ trái gió trở trời ba đau bệnh thì ai lo?".

"Cái tốt nhất ba luôn dành cho các con"

Trương Ý Nhi, cô con gái đã có 3 năm ở cùng ba Minh trong đại gia đình Mùa Xuân, bảo: "Ba luôn luôn vì mọi người. Nếu tụi mình có việc gì phải đi sáng sớm hay đêm muộn ba cũng chở. Ba chăm chút từng đứa. Cái xe ba bánh nặng như vậy nhưng sáng nào dậy cũng thấy đã được xách sẵn ra, tụi mình chỉ việc leo lên nổ máy chạy. Yên xe hỏng chưa thay được, ba lấy đồ che cho không bị ướt khi mưa".

Nói đến đây, đôi mắt Ý Nhi chợt rưng rưng xúc động. Cô tâm sự: "Mình nhớ nhất là hôm rồi trời mưa tầm tã, ba mua cái bắp sú to, chia đôi ra, gọi con rể sang lấy. Không nỡ ăn một mình, thương các con, đến một quả bắp sú cũng cho nửa quả. Gạo chùa cho, ba cũng gọi con rể sang lấy. Trước thuê nhà bên Lê Trọng Tấn khó khăn lắm, ngủ không có chỗ mà lật người. Mỗi lần ăn, cái ngon ba để cho các con hết. Ba chỉ ăn cơm không, ăn đúng nửa chén một bữa. Những cái tốt nhất ba luôn dành cho các con...".

Biến chai nhựa thành tay, chân giả cho người khuyết tật Biến chai nhựa thành tay, chân giả cho người khuyết tật

TTO - Biến chai nhựa thành tay, chân giả cho người khuyết tật hứa hẹn sẽ là bước đột phá trong việc tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho cuộc sống.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên