06/05/2019 14:39 GMT+7

Bà mẹ nghèo gửi đơn cầu cứu đưa con gái từ Malaysia về nước

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - D. theo một số người lạ 3 lần xuất cảnh sang Malaysia làm việc, cô cũng về nước được 3 lần, cho mẹ được 30 triệu đồng. Nhưng bây giờ người mẹ phải viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng để giúp đưa con mình về nước.

Bà mẹ nghèo gửi đơn cầu cứu đưa con gái từ Malaysia về nước - Ảnh 1.

Bà Ch. - mẹ ruột D. - gửi đơn cầu cứu đưa con gái từ Malaysia về nước - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ngày 6-5, chính quyền xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận đơn cầu cứu của bà Nguyễn Thị Ch. (60 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thạnh A).

Bà Ch. cầu cứu cho con gái ruột Phạm Mỹ D. (23 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) sau khi nghe tin con mình bị cảnh sát Malaysia bắt giữ và hiện đang trong trạng thái không được tỉnh táo.

Bên cạnh đó, mấy ngày gần đây trên mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin và hình ảnh nhờ mọi người tìm và thông báo cho gia đình để nhanh chóng đưa D. về nước.

PV Tuổi Trẻ Online tìm đến nhà bà Ch. và được gia đình cung cấp một số thông tin về D. trong quãng thời gian sang Malaysia làm việc.

Bà Ch. với tâm trạng lo lắng cho biết gia đình bà không có họ hàng hay người quen nào ở Malaysia. Tuy nhiên, năm 2013 lúc D. mới 17 tuổi đã nghe theo lời người lạ và lên TP.HCM để tìm cách sang Malaysia làm việc.

Bà Ch. cung cấp cho PV một cuốn hộ chiếu của D. và theo thông tin từ cuốn hộ chiếu này thì D. được Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cấp vào ngày 16-5-2013, có hạn đến ngày 16-5-2023.

"Học tới lớp 8 là con D. nó nghỉ. Sau đó, nó về nhà nói có bạn bè rủ đi Malaysia làm việc. Lúc mới đi nó chẳng làm giấy tờ gì, nó nói đi làm việc trong nhà hàng, giấy tờ và vé máy bay người ta bao hết. Nghe nói đi làm có tiền phụ mẹ nên tôi cũng không cản nó làm gì.

Từ ngày đi Malaysia đến giờ con D. rất ít gọi điện về nhà. Trong thời gian 6 năm đi Malaysia thì nó về nhà được 3 lần và cho tôi tổng cộng 30 triệu đồng. Lần cuối D. về nước là vào năm 2018 và tôi có nghe một người phụ nữ gọi điện kêu lên TP.HCM làm hộ chiếu sang Malaysia làm việc tiếp cho đến giờ mà không nghe tin tức gì nữa", bà Ch. nói.

Bà mẹ nghèo gửi đơn cầu cứu đưa con gái từ Malaysia về nước - Ảnh 2.

Tấm hộ chiếu Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho D. lần đầu năm 2013 - Ảnh: CHÍ HẠNH

Theo thông tin trên cuốn hộ chiếu, sau khi được Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp thì ngày 17-5-2013, D. xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất và nhập cảnh vào Malaysia cùng ngày. Thông tin nhập cảnh cũng nêu D. chỉ được phép lưu trú tại Malaysia tối đa 30 ngày.

Tuy nhiên, quãng thời gian sau đó hộ chiếu của D. liên tục được đóng dấu xuất - nhập cảnh từ Malaysia sang Singapore và ngược lại. Việc này lặp đi lặp lại trung bình mỗi tháng 1 lần.

"Cuối tháng 3-2019, gia đình tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ lạ cho biết D. bị cảnh sát Malaysia bắt và vừa được tha tù. Bây giờ gia đình phải gửi 20 triệu đồng để làm thủ tục, mua vé máy cho D. về nước. Người phụ nữ lạ còn nhắn số tài khoản để gia đình tôi chuyển tiền.

Tuy nhiên, do gia đình nghèo không có tiền nên tôi không biết phải làm gì. Đến giờ thì tôi mới hay tin con tôi không được tỉnh táo, không biết đường về nhà", bà Ch. cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, hiện nay D. đã được cấp một giấy thông hành sử dụng 1 lần để nhập cảnh về Việt Nam với thời hạn trước ngày 10-6-2019. Do không có khả năng chuyển tiền theo đề nghị nên bà Ch. mới gửi đơn cầu cứu cho con mình về nước.

Ông Nguyễn Thành Thái - phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận - cho biết sau khi nắm được thông tin trên, chính quyền địa phương đã chủ động thông báo đến gia đình bà Ch..

"Thông tin hiện chưa xác minh cụ thể và phải chờ D. về nước mới tiến hành làm rõ. Tuy nhiên, chúng tôi xác nhận D. là người thường trú tại địa phương, lãnh đạo UBND sẽ có những động thái tích cực trong việc hỗ trợ pháp lý cho gia đình D. khi cần thiết. Đồng thời cũng sẽ phối với cơ quan chức năng trong việc giúp D. trở về với gia đình trong khả năng có thể", ông Thái cho biết.

Malaysia truy quét lao động bất hợp pháp

TTO - Bất chấp những cuộc truy quét thường xuyên và các chính sách cứng rắn gần đây của Malaysia nhắm vào lao động nhập cư bất hợp pháp, nhiều lao động nước ngoài vẫn tìm cách bám trụ lại đất nước này.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên