Trẻ luôn cần được lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của gia đình. Trong ảnh: phụ huynh cùng các con vẽ tranh tường trang trí - Ảnh: Q.L.
Công an Vĩnh Long khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Quân (31 tuổi) để điều tra hành vi giết người. Nạn nhân là cháu G.B. 2 tuổi, con riêng người tình của Quân.
Cháu bé chết vì chấn thương sọ não do bị Quân đạp vào đầu và chân với lý do rất không giống ai: cháu bé khóc khi được mẹ đặt ngồi xuống đất để đi lấy món đồ cho Quân.
Nông Xuân Luân (33 tuổi) bị tòa án tại Cao Bằng đưa ra xét xử với tội giết người dưới 16 tuổi với hành vi côn đồ. Nạn nhân là con riêng người tình của Luân. Hắn đã đánh cậu bé 14 tuổi ấy từ chiều, dù được nhiều người can ngăn, có lúc đã ngừng rồi lại đánh, đến 20h30 cùng ngày thì cậu bé tử vong.
Và gây bão dư luận suốt mấy tuần qua là vụ bé Vân An 8 tuổi bị "dì ghẻ" Quỳnh Trang hành hạ đến chết.
Những dòng thông tin dồn dập, lạnh lùng như cắt cứa tâm hồn mỗi chúng ta. Đọc mà nghẹn đắng cổ họng. Đọc mà uất ức, rơi nước mắt, muốn nổ tung lồng ngực vì căm phẫn, vì bất lực khi không thể làm được gì.
Câu hỏi đặt ra là người thân ở đâu, người ruột thịt đã ở đâu khi những đứa trẻ ấy ra đi? Hầu như mỗi vụ việc xảy ra, người ta đều đọc cùng một câu rằng việc đánh đập, hành hạ kia không phải chỉ diễn ra một lần, và không chỉ bị đánh một lần duy nhất mà tử vong.
Mẹ cậu bé ở Cao Bằng cho biết con mình đã nhiều lần bị cha dượng hờ đánh, có từng can ngăn. Bé Vân An bị đánh nhiều ngày, nhiều lần, thậm chí bị bạo hành nhiều tháng cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Điều đáng nói, cha ruột bé, cũng là một bị can trong vụ án này, từng tham gia vào quá trình hành hạ chính đứa con gái ruột của mình.
"Pháo đài" nào bảo vệ trẻ, "pháo đài" nào bảo vệ con nếu không phải là chính cha mẹ, người thân, người ruột thịt của những đứa bé ấy! Chúng ta không thiếu các quy định của pháp luật về việc bảo vệ trẻ em.
Chúng ta có các đoàn thể, hội, nhóm hành động vì quyền trẻ em. Song dù có đầy đủ đến mấy cũng chỉ là biện pháp cuối cùng mang tính răn đe, trừng phạt, cảnh báo khi hậu quả đã xảy ra, để xã hội không còn phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng nữa mà thôi.
Điều cần và phải làm là làm sao ngăn ngừa, bảo vệ để không còn đứa trẻ nào bị rơi vào những nghịch cảnh như vậy, để không bao giờ còn những đứa trẻ phải chết tức tưởi như thế dẫu biết rằng rất khó! Đó là trách nhiệm trước hết của chính những người ruột thịt trong gia đình, đặc biệt là cha, mẹ.
"Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con...", ấy không chỉ là một câu trong bài hát. Đó hãy là mệnh lệnh từ tận đáy lòng mỗi người làm cha, làm mẹ không được quyền quên khi đón đứa con mình chào đời!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận