Bà Nguyễn Thị Huyên (86 tuổi, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) có đôi bàn chân khá đặc biệt, khi bà đứng hai ngón chân cái cong đến mức chạm được vào nhau, giống hệt bàn chân Giao Chỉ - một bộ người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước.
Nghe cha nói ông cố cũng có "bàn chân Giao Chỉ"
Bà Huyên cho biết đôi bàn chân đặc biệt của mình có từ lúc bà chào đời. Càng lớn, bàn chân càng bè ra và các ngón chân cong hơn.
"Lúc tôi 18 tuổi là có bàn chân y như giờ, khi tôi đứng thẳng hai ngón chân cái có thể chạm vào nhau. Hồi trẻ mọi người nói tôi có bàn chân củ gừng", bà Huyên kể.
Điều lạ là đôi bàn chân này không gây đau nhức hay khó khăn trong đi lại. Chỉ phiền toái là bà không thể đi nhanh.
"Mỗi lần tôi đi nhanh là hai ngón chân cái vướng vào nhau. Hồi trẻ tôi đi nhanh hay chạy bị vướng ngã hoài. Giờ già rồi, đi chậm, sợ ngã gãy xương thì khổ", bà Huyên nói.
Cha mẹ bà Huyên sinh được bảy người con, tất cả đều có bàn chân bình thường, chỉ riêng bà có bàn chân cong.
Thuở nhỏ, bà Huyên thấy chân mình khác biệt cũng buồn, cha bà kể rằng ông cố của bà cũng có bàn chân cong y hệt.
Chính lời kể của cha giúp bà an ủi phần nào và tìm ra "gốc gác" của đôi chân lạ thường.
Ông Bùi Hạnh (chồng bà Huyên) nhớ lại khi còn thanh niên, ông bà quen nhau, mọi người nói bàn chân bà bị tật, nên cân nhắc bởi có thể bàn chân bà Huyên di truyền, sau này sinh con sẽ bị y vậy.
Bất chấp tất cả những lời "nói ra", ông bà vẫn đến với nhau và sinh được năm người con, giờ có thêm nhiều cháu nội ngoại, nhưng không ai di truyền bàn chân của bà Huyên.
"Vợ tôi chỉ có bàn chân to bè, ngón chân cong lạ thường. Còn sức khỏe rất tốt, bà ấy làm lụng quanh năm, hiếm lắm mới thấy đau", ông Hạnh tâm tình.
Thần trí của bà Huyên cũng rất minh mẫn, bà có thể nhớ những chuyện xảy ra rất lâu. Mỗi ngày, ông bà trồng rau mang ra chợ bán.
Và đôi chân đặc biệt cũng chịu sức nặng của tuổi tác, mỗi lần đi cho kịp buổi chợ, bà lão phải thức dậy sớm, bỏ rau lên xe đạp rồi chậm rãi dắt đi.
Theo tìm hiểu, đôi bàn chân đặc biệt của bà Huyên có những điểm rất giống bàn chân Giao Chỉ của cộng đồng người Việt cổ từ ngàn năm trước.
Ở Việt Nam cũng từng ghi nhận những đôi bàn chân tương tự với số lượng rất hiếm. Những người có bàn chân tương tự bà Huyên sức khỏe thường rất tốt, minh mẫn và trường thọ.
Năm 2016 báo chí từng thông tin "bàn chân Giao Chỉ" của cụ Nguyễn Đình Phương (105 tuổi, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và cho rằng đây là người có "bàn chân Giao Chỉ" cuối cùng ở Việt Nam.
Có nhiều nghiên cứu khác nhau về Giao Chỉ
Theo sách "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim, Giao Chỉ nguyên là tên gọi của một bộ trong số 15 bộ của nước Văn Lang thời xưa. Bộ Giao Chỉ thời Hùng Vương tương đương khu vực Hà Nội và miền hữu ngạn sông Hồng ngày nay.
Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử liên quan đến bộ Giao Chỉ là Hai Bà Trưng và Lý Tiến.
Nhà nghiên cứu Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng: "Giao Chỉ là người Nam, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)". Ý kiến này được nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam chấp nhận.
Bộ Từ nguyên (quyển Tý, trang 141) bác lại ý kiến trên mà cho rằng: "Theo nghĩa cũ bảo hai ngón chân cái giao nhau là Giao Chỉ, nhưng xét đời cổ bên Hy Lạp, có tiếng "đối trụ", có tiếng "lân trụ" để gọi loài người trên thế giới.
"Đối trụ" là phía Nam, phía Bắc đối nhau, "lân trụ" là phía Đông, phía Tây liền nhau. Sở dĩ có tên Giao Chỉ là hợp vào nghĩa "đối trụ", vì dân tộc phương Bắc gọi dân tộc phương Nam, cũng như một chân phía Bắc, một chân phía Nam đối nhau, không phải thực là chân người giao nhau".
Các nhà sử học Việt Nam như Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... đều theo cách giải thích thứ hai này.
Năm 1868, bác sĩ Thorel trong đoàn thám hiểm của Doudart de Lagrée đã phát hiện, nghiên cứu và nhận xét hiện tượng hai ngón chân cái giao nhau là "một đặc điểm của giống người An Nam". Sau này các học giả Pháp khác cũng ghi nhận điều này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận