Theo Hãng tin Reuters, sau khi gây ra cuộc nổi loạn xôn xao dư luận ở Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin không trừng phạt mà cho phép các thành viên công ty đánh thuê Wagner được tùy ý chuyển đến Belarus, quốc gia láng giềng với Ba Lan.
Việc này khiến các thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở phía đông lo ngại, rằng sự hiện diện của các chiến binh Wagner sẽ gây bất ổn lớn hơn trong khu vực. Ba Lan cũng tuyên bố thắt chặt an ninh biên giới do lo ngại sự hiện diện của nhóm Wagner ở Belarus.
Ngày 29-6, khi được hỏi liệu Brussels có nên giúp chi trả cho các biện pháp đảm bảo như vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Pawel Jablonski cho biết "Ba Lan mong đợi việc này".
“Sự đoàn kết của châu Âu có nghĩa là hỗ trợ các quốc gia bị đe dọa mất ổn định. Ba Lan, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO, cần tăng cường những biện pháp bảo vệ này”, ông nói với đài phát thanh công cộng.
Trước đó, Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết khoảng 8.000 quân Wagner có thể đã đến Belarus. Để đối phó, Ba Lan sẽ thực hiện các biện pháp tạm thời cũng như lâu dài nhằm củng cố biên giới. Cụ thể, sẽ tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh và các công sự.
Theo ông Kaczynski, sự hiện diện của tập đoàn lính đánh thuê Wagner ở Belarus có thể là sự bắt đầu cho "một giai đoạn mới của chiến tranh hỗn hợp khó khăn hơn nhiều so với trước”.
Ba Lan từng siết chặt an ninh biên giới với Belarus trước đây và cáo buộc nước láng giềng tiến hành "chiến tranh hỗn hợp" bằng cách đẩy người di cư về biên giới Ba Lan nhằm gây bất ổn an ninh của Ba Lan và EU.
Tháng 7-2022, Ba Lan hoàn thành việc xây dựng hàng rào biên giới mới bằng thép cao 5,5m, dài 186km trong nỗ lực ngăn chặn người di cư từ Belarus.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận