Ngày 22-4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trên báo Fakt rằng nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để đáp trả việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân sang nước láng giềng Belarus.
Đã bàn với Mỹ về vũ khí hạt nhân
Nhà lãnh đạo Ba Lan dẫn việc Nga "gần đây đã chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus" và đẩy mạnh quân sự hóa khu vực Kaliningrad, một vùng lãnh thổ thuộc Nga ở Viễn Tây mà Ba Lan có chung đường biên giới.
"Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi... để củng cố sườn phía đông của NATO, chúng tôi sẵn sàng làm như vậy", ông Duda nói.
Ông cho biết Ba Lan nhận thức được nghĩa vụ của mình trong liên minh gồm 32 thành viên này.
Ông Duda cũng chia sẻ Ba Lan đã thảo luận vấn đề này với Mỹ "một thời gian".
"Tôi đã nói về vấn đề này nhiều lần. Tôi phải thừa nhận rằng khi được hỏi về vấn đề này, tôi đã tuyên bố sẵn sàng", ông nói sau chuyến thăm Mỹ, gặp cựu tổng thống Donald Trump và gặp đương kim Tổng thống Joe Biden vào tháng trước.
Sau đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tỏ ra thận trọng cho biết tiềm năng an ninh và quân sự của Ba Lan là ưu tiên, nhưng ông cần khẩn trương thảo luận đề xuất này với ông Duda.
"Bất kỳ sáng kiến tiềm năng nào, trước hết, phải được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi những người chịu trách nhiệm về chúng và (tôi muốn) tất cả chúng tôi hoàn toàn tích cực rằng chúng tôi muốn điều đó", ông Tusk nói.
Thông điệp cho Nga
Giới chuyên gia quân sự cho rằng động thái của Ba Lan sẽ gửi "thông điệp vô cùng mạnh mẽ" đến Nga.
"Đây là động thái táo bạo sẽ củng cố giá trị răn đe của Ba Lan trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga nếu họ có vũ khí hạt nhân đặt trong lãnh thổ của mình. Về chính trị, điều này sẽ gửi thông điệp vô cùng mạnh mẽ đến (Tổng thống Nga) Vladimir Putin", tờ The National dẫn lời ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy quân đội Anh, đánh giá.
Ngay sau tuyên bố của ông Duda, Nga đã phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân nào của Mỹ ở Ba Lan sẽ phải tuân theo các bước cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga.
"Tất nhiên, quân đội sẽ phân tích tình hình nếu những kế hoạch như vậy được thực hiện, và trong mọi trường hợp sẽ làm mọi thứ cần thiết (sẽ thực hiện), tất cả các bước đáp trả cần có để đảm bảo an toàn của chúng tôi", ông Peskov nói.
Tiếp đó, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga nói Matxcơva sẽ cân nhắc mọi kịch bản Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan trong kế hoạch quân sự của mình.
"Chính quyền Ba Lan không giấu giếm nỗ lực dựa gần hơn vào vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở châu Âu, và đang tích cực sử dụng những tham vọng này trong chính sách thù địch với Nga", bà Zakharova nói với Hãng tin TASS.
Khi triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus cuối năm ngoái, ông Putin đã nói rằng việc này cũng giống như Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Hãng tin Sputnik của Nga cũng tố NATO leo thang nguy cơ xung đột hạt nhân, cho rằng vũ khí hạt nhân Nga chỉ được triển khai khi có nguy cơ bị tấn công, trong khi chính sách của Mỹ cho phép đánh phủ đầu.
Những nước NATO nào có vũ khí hạt nhân?
Ba thành viên NATO là cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh và Pháp. Mỹ hiện có các cơ sở hạt nhân để triển khai và lưu trữ vũ khí đặt tại một số nước đồng minh: Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Washington giữ quyền kiểm soát và giám sát tuyệt đối các loại vũ khí mà nước này triển khai.
Bảy thành viên của liên minh có máy bay có khả năng vừa mang bom thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân và sẵn sàng sử dụng nếu cần tấn công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận