Ba khẩu thần công trên con tàu cổ

VŨ TOÀN 26/10/2003 20:10 GMT+7

TTCN - Những thợ lặn làng chài Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang lặn sò thì bất ngờ gặp dưới đáy biển 3 khẩu thần công đẹp hơn cả những khẩu súng thần công ở cố đô Huế. Đằng sau chuyện ba khẩu súng này là số phận của con tàu cổ đã chìm gần 200 năm...


Khẩu thần công hiện đang được lưu giữ tại ...vườn rau nhà chủ thuyền ờ thôn 2, xã Cẩm Lĩnh

Chiều 15-8-2003, đang mò sò ở độ sâu 30m thuộc ngư trường đảo Mắt, cách cửa Nhượng 36 hải lý, đám thợ lặn quờ tay chạm phải một cái lư hương. Cạnh đó, nhô lên một đầu “pháo” bằng đồng. Phát hiện này được báo lên mặt biển bằng mật hiệu giật qua dây dưỡng khí. Các chủ thuyền lập tức huy động 28 thợ lặn quây thuyền lại đào hết những đồ đồng đem lên.

Sau 17 ngày hì hục đào dưới đáy biển, sáng 2-9 những thợ lặn này đã khai quật được ba khẩu súng thần công. Đào xong, họ cử người tìm thuê tàu trọng tải 45 tấn ra tời mất nửa ngày mới đưa được ba khẩu thần công lên thuyền. Thợ lặn mỗi người phải đeo một cái đai chì 13 - 15kg mới đủ độ nặng kéo người chìm xuống và ngậm một vòi dưỡng khí dài khoảng 100m.

Tấm hoa văn bằng đồng của bài "minh văn"
Vụ lặn đặc biệt này có sáu người bị ngất, phải cấp cứu mới qua khỏi nguy kịch. Kể từ khi đưa ba khẩu thần công về làng không ngày nào không có khách buôn đồ cổ các tỉnh rậm rịch đến săn mồi. Các thợ lặn “trích ra” một khẩu thần công trả công trục vớt cho chủ tàu 45 tấn (người này đã mang súng ra thị trấn Can Lộc “cắm” cho dân tiêu thụ sang Trung Quốc, đã bị công an huyện thu giữ).

Hai khẩu còn lại còn được lưu giữ trên... vườn rau của hai chủ thuyền tên Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng. Đây là hai khẩu súng thần công cổ đẹp chưa từng thấy.

Mỗi khẩu nặng 1,4 tấn, dài 2,43m, đường kính thân súng 40cm, đường kính nòng súng 22cm. Trên nịt bao quanh thân súng trang trí nhiều dải hoa văn khảm bạc dán vào dải hoa văn khảm đồng rất tinh tế. Phía đuôi súng có khắc một dòng chữ Hán “Minh Mạng nhị niên... đại tướng quân” (bị mất một số từ). Phần cuối thân súng, cạnh biểu tượng hình quả tim có “bài minh văn” bằng chữ Hán được khảm vàng.

Biểu tượng và bài "minh văn" bằng chữ Hán trên thân súng được khảm vàng và bạc
Theo thạc sĩ Nguyễn Trí Sơn - phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, các khẩu súng này khi bị chìm còn rất mới. Toàn bộ phần bạc (khoảng 1kg/khẩu) và vàng (khoảng 10 phân/khẩu) đã bị những người trục vớt cạy mất khi vừa đưa lên khỏi mặt biển. Bốn chữ “Minh Mạng nhị niên” là năm đầu tiên Minh Mạng lên ngôi vua (1821). Theo giả định của ông Sơn, “đây là ba khẩu súng được vua Minh Mạng thuê đúc từ Trung Quốc để khẳng định đế chế khi mình lên ngôi, bị chìm trên đường vận chuyển về nước”.

Cùng với ba khẩu súng thần công, các thợ lặn đã tìm thấy ba nồi đốt hương, 11 lư hương (lư nặng nhất 10kg), xung quanh nồi và lư đều chạm hình đầu rồng; một ấm pha trà có hai chân vịt, nắp và quai chạm hình đầu rồng khá cầu kỳ.

Đã gần hai tháng trời sau khi đào lên từ đáy biển, hai khẩu thần công vẫn đang nằm dầm sương dãi gió trên nương rau.

Một thợ lặn tham gia trục vớt các khẩu thần công này đã bí mật cho tôi biết súng được chở trên một con tàu cổ dài trên 30m, đáy tàu rộng 4m, vỏ tàu được ép một lớp đồng mỏng. Vô số thanh gỗ của thân tàu bị bấy nát, những thanh còn lại đều dính dầu, dài 4,5m, rộng 40 phân. Con tàu này đang tiếp tục được các thợ lặn “thăm viếng”. Những cổ vật họ lấy từ con tàu được đem giấu tại những vùng biển khác rồi định vị bằng hải đồ để khi “yên ổn” mới tìm cách tẩu tán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận