15/08/2020 12:14 GMT+7

Bà Kamala Harris: Người truyền cảm hứng từ những điều 'đầu tiên'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Trong suốt hai thập kỷ tham gia đời sống chính trị Mỹ, người phụ nữ mang hai dòng máu Ấn Độ và Jamaica này đã làm nên "bộ sưu tập" với những điều đầu tiên thật ấn tượng.

Bà Kamala Harris: Người truyền cảm hứng từ những điều đầu tiên - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Kamala Harris (phải) và mẹ, bà Shyamala Gopalan - Ảnh: AP

Kamala Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành tổng chưởng lý bang California; là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Ấn đầu tiên trong Thượng viện Mỹ và giờ là người phụ nữ gốc Á đầu tiên, người phụ nữ da màu đầu tiên được một đảng lớn của Mỹ (Đảng Dân chủ) chọn làm ứng cử viên tranh cử phó tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng cùng ông Joe Biden.

Nữ thượng nghị sĩ 55 tuổi của bang California là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử Mỹ được chọn tranh cử ghế phó tổng thống Mỹ. Trước bà là thống đốc bang Alaska Sarah Palin (năm 2008) và dân biểu bang New York Geraldine Ferraro (1984).

Và nếu thành công trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, bà sẽ còn bổ sung thêm nhiều danh hiệu "đầu tiên" khác nữa: người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên làm phó tổng thống Mỹ.

Bà Kamala Devi Harris sinh ngày 20-10-1964 tại Oakland, bang California. Bà là con cả (dưới bà còn một cô em gái tên là Maya) của nhà nghiên cứu bệnh ung thư người Ấn Độ Shyamala Gopalan và nhà kinh tế học người Jamaica Donald Trump Harris.

Năm bà Harris lên 7, cha mẹ bà ly hôn. Bà Shyamala Gopalan nhận nuôi cả hai cô con gái. Ba mẹ con sống ở Berkeley, bang California. Trong cuốn tự truyện, bà Harris viết về mẹ: "Mẹ tôi hiểu rất rõ là bà đang nuôi dạy hai cô con gái da màu, và bà quyết tâm làm sao để chúng tôi trở thành những người phụ nữ da màu tự tin, kiêu hãnh".

Khi còn nhỏ cũng như sau này, bà Harris đã được nhiều lần về Ấn Độ thăm quê mẹ và chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông bà ngoại. Ông của bà, một quan chức chính phủ cấp cao, đã tham gia chiến đấu giành độc lập cho Ấn Độ, trong khi bà ngoại bà là một nhà hoạt động nữ quyền, một người đã từng lặn lội tới các vùng nông thôn để chỉ dẫn cho những phụ nữ nghèo về các biện pháp phòng tránh thai.

Ngay từ năm 13 tuổi, cô gái nhỏ Kamala Harris đã cùng em gái Maya "lãnh đạo" thành công một cuộc biểu tình ngay trước tòa nhà chung cư đang sống để phản đối chính sách cấm trẻ em vui chơi trên cỏ.

Theo trang Politico, mẹ bà Harris đã chọn cái tên Kamala cho con gái đầu lòng như một niềm tự hào riêng với nguồn cội Ấn Độ. Bởi Kamala có nghĩa là "sen" và cũng là một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo. 

Bà Shyamala Gopalan trong một lần trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Times năm 2004 từng chia sẻ niềm tự hào đó khi nói: "Một nền văn hóa tôn thờ các nữ thần sẽ sản sinh ra những phụ nữ mạnh mẽ".

Phụ nữ làm khoa học: Lúc ăn cơm cũng phải làm Phụ nữ làm khoa học: Lúc ăn cơm cũng phải làm

TTO - Mới đây, tạp chí Asian Scientist (Singapore) công bố kết quả bình chọn 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020. Trong đó, Việt Nam có ba nhà khoa học nữ được vinh danh trong danh sách này.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên