Dây chuyền sản xuất trứng của Công ty cổ phần Ba Huân tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Buổi gặp diễn ra sau thông tin Ba Huân gửi văn bản kêu cứu lên Thủ tướng, nhờ hỗ trợ để có thể chấm dứt hợp tác với VinaCapital. Tuy nhiên, chưa có kết quả chính thức được công bố.
Ba Huân đưa thêm điều kiện?
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc phía Ba Huân đã đưa ra một số điều kiện nhằm giải quyết những khó khăn hiện nay được nêu ra trong hợp đồng, trong khi đại diện Vinacapital chỉ ghi nhận các đề xuất này và chuyển đến người có thẩm quyền đang ở nước ngoài.
"Dự kiến trong hôm nay 7-8, đại diện của quỹ này về Việt Nam và cả hai sẽ có thông báo chung", nguồn tin Tuổi Trẻ cho hay.
Về phía VinaCapital, đại diện quỹ đầu tư này cho hay sẽ có phản hồi chính thức sau buổi làm việc với Ba Huân, tuy nhiên đến cuối ngày, VinaCapital không đưa ra thông báo nào.
Đại diện Ba Huân khẳng định đến nay dù sau 6 tháng kể từ ngày công bố khoản hợp tác, nhưng cả hai chỉ mới ký hợp đồng bằng tiếng Anh trong khi theo thỏa thuận, khoản đầu tư này sẽ được ký thành 2 văn bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ba Huân vừa thuê luật sư tư vấn xử lý trong thời gian tới.
Ba Huân đã tăng vốn
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước khi ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 2-2018, hai bên đã có quá trình thương lượng dài trước đó.
Bản hợp đồng ban đầu với Ba Huân được ký bằng tiếng Anh, sau đó VinaCapital đã chuyển cho Ba Huân bản hợp đồng bằng tiếng Việt, nhưng bản tiếng Việt không được ký.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới sửa đổi ngày 13-2 của Công ty CP Ba Huân thì Quỹ Hawke Investment - thành viên của VOF - nắm hơn 3,6 triệu cổ phần, tương đương 16,39% cổ phần, bà Ba Huân đang nắm 63,96% cổ phần.
Ngày 28-2, Ba Huân tiếp tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 222,36 tỉ đồng lên 280,69 tỉ đồng.
Tỉ lệ nắm giữ cổ phần của các bên liên quan trong công ty cũng thay đổi: Hawke Investment Pte.Ltd tăng tỉ lệ nắm giữ lên 33,77%, tương đương 9,48 triệu cổ phần.
Liên quan đến kiến nghị của Ba Huân, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng phải căn cứ vào hợp đồng để xem "ai đúng ai sai".
Việc kêu lên cơ quan quản lý không phải là giải pháp. "Đã có những trường hợp khi phát sinh tranh chấp đã kiện ra trung tâm trọng tài quốc tế. Trọng tài phải phân tích xem bản chất của câu chuyện là gì, ai là người có lý hơn để quyết định" - ông Đức nói.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM, trong các thương vụ bản hợp đồng tiếng Anh hay tiếng Việt đều có giá trị như nhau và tùy thuộc vào điều khoản trong hợp đồng.
Nếu như trong hợp đồng ghi "bản hợp đồng tiếng Anh là bản sử dụng cuối cùng" thì hợp đồng tiếng Anh đó hoàn toàn có giá trị.
Trước đó, văn bản "kêu cứu", đề nghị giúp đỡ của Công ty Ba Huân đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trong đó, Văn phòng Chính phủ cho biết đã có văn bản chuyển kiến nghị đến Bộ Kế hoạch - đầu tư để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp...
VinaCapital từng tính đầu tư tiếp
Cuối tháng 2-2018, VinaCapital, tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu tại thị trường Việt Nam, công bố khoản đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân thông qua quỹ lớn nhất do tập đoàn quản lý là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF).
Với khoản đầu tư này, VOF trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Ba Huân.
Trên cương vị là nhà đầu tư chiến lược của Ba Huân, VOF đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các quy trình sản xuất hiện tại, nâng cấp các tiêu chuẩn về phòng chống dịch bệnh nhằm tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
VinaCapital cho biết nếu Ba Huân đạt được mục tiêu kinh doanh theo thỏa thuận của đôi bên thì VOF sẽ tăng vốn đầu tư sau 12 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận