Đó là Hoàng Ngọc Khánh (Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa), Nguyễn Thảo Tiên (Trường THPT Đoàn Thị Điểm), Hoàng Tuệ Lâm (Trường THPT Bảo Long, huyện Gia Lâm).
Chiều 3-8, tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các bạn trẻ đã có buổi tập trung, giao lưu, gặp gỡ với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trước khi lên đường tham dự festival.
"Vì một thế hệ tương lai cho nền nhiếp ảnh Việt Nam"
Ngọc Khánh, Thảo Tiên, Tuệ Lâm dưới sự hướng dẫn của đội trưởng - nhiếp ảnh gia Nguyễn Khắc Hiếu sẽ thi thố tài năng chụp ảnh trực tiếp cùng với 23 đội học sinh trung học đến từ 21 quốc gia khác trên thế giới tại thành phố Higashikawa, đảo Hockkaido, Nhật Bản.
Điều đặc biệt, Khắc Hiếu chính là một trong ba bạn trong đội tham dự Festival nhiếp ảnh quốc tế tại Nhật Bản lần thứ nhất năm 2015.
Năm nay là kỳ festival thứ 9 và đại diện Việt Nam tham gia cả 9 kỳ festival. Trong đó kỳ thứ hai năm 2016 đội Việt Nam đã giành giải nhất toàn đoàn, giải nhất dành cho đội được bình chọn nhiều nhất trên Internet và giải ba cá nhân.
Các kỳ festival khác học sinh Việt Nam cũng giành được nhiều giải thưởng quan trọng.
Đây là kết quả của dự án Vì một thế hệ tương lai cho nền nhiếp ảnh Việt Nam do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Hân thực hiện.
Tương lai khác cho nhiếp ảnh Việt đang quá già cỗi?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Bá Hân cho biết 10 năm qua ông tâm huyết với dự án Vì một thế hệ tương lai cho nền nhiếp ảnh Việt Nam với mục tiêu làm thế nào giới trẻ trong nước có sân chơi nhiếp ảnh bổ ích.
Ông cũng mong muốn góp chút công sức để tạo ra sự thay đổi cho tương lai nhiếp ảnh Việt Nam.
Theo ông, nhiếp ảnh Việt hiện đang quá già cỗi. Hầu hết các nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn "chung thủy" với một lối chụp những bức ảnh đèm đẹp để treo tường. Trong khi để ra được với sân chơi nhiếp ảnh thế giới phải là thứ nhiếp ảnh kể chuyện, phục vụ cộng đồng.
Hiện thực xã hội của Việt Nam chứa đầy những câu chuyện hấp dẫn để nhiếp ảnh kể chuyện. Một số nhiếp ảnh gia quốc tế đã nhìn thấy điều này và đến Việt Nam sáng tác, thu được thành công lớn.
Như trường hợp sinh viên nhiếp ảnh người Mỹ Justin Maxon đã sang Việt Nam chụp câu chuyện mẹ con chị Mùi (bị AIDS, sống biệt lập ở bãi sông Hồng) năm 2008.
Trong khi đó rất ít nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đầu tư công sức, thời gian cho những bộ ảnh kể cho cộng đồng những câu chuyện ý nghĩa.
May mắn gần đây một số nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ đang đi theo xu hướng nhiếp ảnh tài liệu này và đã tạo được một số thành tựu nhất định.
Năm 2013, nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) đã tạo được tiếng vang với bộ ảnh Yêu là yêu (Pink choice). Bộ ảnh đã giúp cô trở thành người Việt đầu tiên đoạt giải ảnh báo chí thế giới (giải nhất thể loại "Vấn đề đương đại" - Contemporary Issues) do Word Press Photo Foundation tổ chức.
Nhưng nhiếp ảnh tài liệu như Maika Elan lựa chọn chỉ là thiểu số của nhiếp ảnh Việt Nam "già cỗi" hiện nay.
Muốn góp sức thay đổi hiện trạng, đó là lý do ông Nguyễn Bá Hân rất tâm huyết với dự án tổ chức tuyển chọn, đưa các em học sinh trung học tham gia thi thố, giao lưu tại Festival nhiếp ảnh quốc tế tại Nhật Bản dành cho học sinh trung học.
Các em được ông và cộng sự hướng dẫn thực hành lối nhiếp ảnh kể chuyện, để kể những câu chuyện ý nghĩa của cộng đồng.
Năm nay, những bức ảnh đăng ký dự thi của Ngọc Khánh, Thảo Tiên, Tuệ Lâm là những câu chuyện kể về làng nổi thanh bình, đơn sơ, ấm áp nghĩa tình giữa những người dân chài có tên Vung Viêng trên vùng vịnh Bái Tử Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận