10/02/2014 06:40 GMT+7

Ba học là để cho con

NGUYỄN VĂN PHƯỚC(giảng viên Trung tâm Kế toán quốc gia TP.HCM)
NGUYỄN VĂN PHƯỚC(giảng viên Trung tâm Kế toán quốc gia TP.HCM)

TT - Đừng phó mặc tất cả vào thầy cô, một cô quán xuyến hơn 40 em trong lớp thì chắc chắn không bao phủ hết được, con chúng ta chậm hiểu bài là điều đương nhiên. Phụ huynh là người gần gũi, hiểu sâu sắc con mình hơn ai hết, hãy giúp đỡ con trong học tập bằng con đường vô cùng thân thiện đó là “cha mẹ và con cùng học’’.

tSbiELQ1.jpgPhóng to

Qua đó, đồng thời chúng ta nắm bắt được những thắc mắc, những ức chế tâm lý của trẻ đang mắc phải mà bản thân làm cha làm mẹ chúng ta phải giải đáp. Nhưng để làm được điều đó thì bản thân cha mẹ phải học trước đã: học các kiến thức phổ thông cùng con, học cách truyền đạt, học cách giao tiếp cùng con, học cách lắng nghe con trẻ...

Cách đây hai năm, vào một buổi sáng, em học sinh ấy đi học với gương mặt rất buồn, tôi hỏi em: “Sao hôm nay em buồn vậy?”. Em trả lời: “Mẹ em chỉ bài cho em sai không hà, em làm toán không được thì mẹ đánh, đêm nào cũng vậy”. Còn vô số câu trả lời khác như: “Mẹ dạy không giống cô con”, “Cậu chỉ con làm tập làm văn, cô nói em dùng toàn từ lạ không à”, “Dì con chỉ làm bài, con không hiểu gì cả”, “Ba con giải bài sẵn, con chỉ chép vào thôi”...

Phụ huynh cần phải học lại, đọc lại chương trình tiểu học cùng con mình để những câu nói ngây ngô, trách móc như trên không còn nữa. Có thể dễ dàng nhận thấy đại đa số đứa trẻ được sự kìm cặp, chỉ dẫn thêm của cha mẹ ở nhà thì tâm lý của các trẻ đó rất vững, dễ hòa nhập và dễ tiếp thu bài học mới hơn những trẻ khác cùng lớp học.

Ở các vùng ngoại ô thành phố, các vùng xa trình độ học vấn của đại đa số phụ huynh còn rất hạn chế, có người hiện nay vẫn còn chưa qua hết lớp 5, mặc dù Nhà nước đã chủ trương phổ cập tiểu học từ lâu. Rồi họ cũng lập gia đình theo kiểu “nồi nào vung nấy”, sinh ra những đứa con và cũng không giúp đỡ, hướng dẫn, định hướng được gì cho những đứa con của mình cả trong việc học hành. Giáo dục là cả một thế hệ. Thời chiến tranh, cha mẹ ta không học hành đã đành, thời bình chúng ta không học nữa, chúng ta sẽ có nhận thức sai lệch về học vấn, con em sẽ ra sao khi chúng ta không giúp gì được cho con trên con đường tri thức?

Vậy thì ta hãy xác định lại ta học là cho ai? Cơ bản là người học sẽ nhận được khối kiến thức, và là con đường để tiến thân, nâng cao trình độ, tay nghề, tạo ra nhiều của cải. Bên cạnh đó, chúng ta có đủ năng lực, khả năng cảm nhận, phân tích phù hợp với chương trình học của con. Việc học của chúng ta có sức lan tỏa, ảnh hưởng trực tiếp, rất lớn đến việc học của các con. Chúng ta sẽ trở thành chiếc cầu tri thức nối liền giữa con chúng ta với nhà trường. Thấm thía được điều đó, nên khi đứa con lớp 5 hỏi rằng: “Ba đã đi dạy rồi mà ba còn học nữa làm gì?”, tôi trả lời rất đơn giản: “Ba học là để cho con sau này”.

Nói vậy không phải tất cả phụ huynh có con học tiểu học đều phải cắp sách đến trường lại, mà tôi muốn nói nghĩa bóng là phụ huynh phải cùng nhà trường chung tay dìu dắt những đứa con thơ của mình, phải cố gắng dành thời gian hướng dẫn con làm bài tập ở nhà, phải giám sát bài vở của con, phải thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập của con. Chúng ta phải đọc sách của con, sách tham khảo rồi biến những suy nghĩ của mình thành ngôn ngữ của trẻ, đừng bao giờ giải sai và dạy sai bài tập của trẻ.

Hiện nay, sách tham khảo tiểu học có rất nhiều loại và vô cùng phong phú. Chúng ta mua về tham khảo theo từng ngày phù hợp với từng ngày học trên trường, không giải rập khuôn theo mẫu mà phải biến tấu linh hoạt theo sự hiểu biết, cảm nhận của trẻ, cho ví dụ tương tự cho trẻ tự làm. Những lúc chuẩn bị đi công tác xa, chúng ta nên hướng dẫn trước tích lũy bài cho con vài ngày, tôi cũng từng làm điều này đối với con của mình và rất hiệu quả.

NGUYỄN VĂN PHƯỚC(giảng viên Trung tâm Kế toán quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên