Bà Hillary Clinton: Hướng thông điệp đến cử tri

THANH TUẤN 20/04/2015 18:04 GMT+7

Chiều 12-4, với một video dài chừng 2 phút phát trên YouTube, bà Hillary Clinton chính thức thông báo việc chạy đua vào Nhà Trắng, chấm dứt mọi đồn đoán trước đó. Các nhóm ủng hộ tài chính bên ngoài Super Pac từ lâu đã đi gây quỹ và kêu gọi bà Clinton ra tranh cử.

Bà Hillary Clinton tiếp xúc cử tri tại điểm đến đầu tiên ở Iowa - Ảnh: Reuters

Không giống tám năm trước, khi điểm nhấn của bà là ứng viên với nhiều kinh nghiệm ở chính trường Washington, thông điệp đầu tiên của mùa tranh cử 2016 của bà không nhấn mạnh yếu tố này. Trong video mới, bà không nhắc gì chuyện từng làm thượng nghị sĩ hay ngoại trưởng, hay là chuyện bà có thể đi vào lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Thay vào đó, video là tổng hợp một loạt tiếng nói của cử tri về đời sống của họ, về kế hoạch và khát vọng của họ cho tương lai. Và chỉ đến cuối cùng bà mới xuất hiện. “Tôi đã sẵn sàng để làm gì đó. Tôi sẽ chạy đua để làm tổng thống - bà Clinton nói - Mỗi ngày người Mỹ đều cần một người cổ xúy và tôi muốn làm người cổ xúy đó, để các bạn có thể làm hơn không chỉ là đủ sống. Bạn có thể tiến lên và ở phía trước”.

Đó là thông điệp được cho là để lấy sự ủng hộ của các nhóm có tư tưởng tự do trong phe Dân chủ, những người coi bất bình đẳng kinh tế là vấn đề tâm điểm hiện tại. Các nhóm này vẫn nghi ngờ mối quan hệ gần gũi giữa bà Clinton với các nhóm tài chính Phố Wall cũng như chính sách kinh tế dưới thời ông Bill Clinton, chồng bà.

“Bà sẽ có lợi về mặt cử tri nếu kiên định đứng về phía người lao động, những người đang làm vất vả hơn bao giờ hết nhưng vẫn không khá lên được” - Robert Reich, cựu bộ trưởng lao động dưới thời Clinton và là người đã biết bà Hillary gần năm thập kỷ, nói với AP.

Khi bà thất bại trước ông Obama năm 2008, chiến dịch tranh cử của bà bị xem là quá ngạo mạn và coi mình là kẻ trên và hoàn toàn thiếu kết nối với nhóm tiến bộ trong Đảng Dân chủ. Lần này, video công bố tranh cử của bà thể hiện bà như một người ấm áp hơn, thông cảm hơn và nhấn mạnh hơn vào các thông điệp kinh tế dân túy.

Chiến dịch lần này của bà cũng tận dụng những mạng xã hội tinh xảo bao gồm cả Twitter, Facebook và YouTube - khác hoàn toàn so với chiến dịch lần trước, khi đội ngũ của bà bị coi là kém hơn hẳn phe ông Obama về việc sử dụng công nghệ để truyền tải thông điệp. Riêng logo chiến dịch lần này của bà thì bị chê tệ hại về thẩm mỹ.

CHƯA CHI TIẾT THÔNG ĐIỆP

Không giống như một số ứng viên Cộng hòa đã gia nhập cuộc đua, bà Clinton không nói chi tiết nhiều về chính sách trong tuyên bố đầu tiên của mình. Thượng nghị sĩ Rand Paul của Kentucky chẳng hạn, bắt đầu cuộc đua với việc công bố website và các video trên mạng, nêu quan điểm trên một loạt vấn đề chính trị và đối ngoại.

Phe Clinton cũng chuẩn bị rất kỹ cho chiến dịch này khi lấy lời khuyên của khoảng 200 chuyên gia chính sách để lên chương trình kinh tế cho bà. Và thay vì đưa ra chi tiết chính sách ngay lập tức, bà muốn dần dần đưa ra các ý tưởng về việc giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng mức lương tối thiểu.

Năm 2007, bà Clinton cũng bắt đầu chiến dịch với một video và sau đó là cuộc diễu hành màu mè tại Des Moines ở bang Iowa (một bang sơ bộ quan trọng). Khi đó bà tuyên bố: “Tôi chạy đua cho chức tổng thống và tôi tham gia là để chiến thắng”. Lần này bà Clinton sẽ vẫn đến Iowa nhưng tìm cách tương tác trực tiếp với cử tri tại một trường cao đẳng cộng đồng và một cuộc bàn tròn với doanh nghiệp nhỏ ở hai thị trấn.

“Khi gia đình vững mạnh thì nước Mỹ vững mạnh. Tôi sẽ lên đường để vận động lá phiếu của bạn. Vì giờ là thời điểm của các bạn và tôi hi vọng các bạn sẽ cùng tôi trong hành trình này” - bà nói trong video của mình.

Thông điệp lấy cử tri làm trung tâm này được phe Clinton chọn với chủ đích. Bà Clinton cũng từng là ứng viên số 1 khi cuộc chạy đua năm 2007 bắt đầu nhưng sau đó lại thất bại trước ông Barack Obama.

Khi đó, sự xa lánh với cử tri, những chỉ trích về sự ngạo mạn, lạm quyền (ở phía ngược lại là khả năng tổ chức tuyệt vời và sức truyền cảm hứng của ông Obama) đã khiến bà thất bại trước ông Obama. Bà Clinton được cho là đã hiểu rõ bài học này - thông điệp ban đầu của bà không nhấn mạnh vào chuyện kinh nghiệm của bà nữa.

Theo New York Times, chiến dịch tranh cử của bà Clinton và các nhóm ủng hộ bên ngoài của bà dự kiến sẽ huy động được khoảng 2,5 tỉ USD cho kỳ tranh cử lần này - lớn hơn phần lớn các đối thủ khác của cả hai đảng.

ẢNH HƯỞNG LỚN VỚI CHÍNH TRƯỜNG

Trong khi cuộc chạy đua giữa các ứng viên phe Cộng hòa diễn ra rất tấp nập, với phe Dân chủ, sự xuất hiện ứng viên có cái bóng quá lớn như bà Clinton đã khiến rất nhiều ứng viên e dè. Một thăm dò của Reuters-Ipsos cho thấy bà Clinton đang được sự ủng hộ của hơn 60% cử tri Dân chủ. Elizabeth Warren, một ứng viên nặng ký khác, đã từ chối tham dự khi bà chỉ có sự ủng hộ của khoảng 18% cử tri.

Hiện chỉ có một số ứng viên Dân chủ đang cân nhắc ra thi đấu với bà Clinton, trong đó có cựu thống đốc bang Maryland Martin O’Malley và cựu thượng nghị sĩ Virginia Jim Webb. Nhưng cả hai người hiện chưa có tới 10% cử tri Dân chủ ủng hộ.

Trong suốt 25 năm qua, gia đình Clinton là một trong những tiếng nói quan trọng nhất chi phối chính trường Washington - khi thì vợ chồng bà nắm Nhà Trắng, lúc thì bà là thượng nghị sĩ, ứng viên tổng thống rồi một trong những ngoại trưởng thành công nhất trong lịch sử. Trước đó, ông Clinton còn có thời gian dài làm thống đốc bang Arkansas.

Giống như các chính trường, quan hệ ở tầm cao rất quan trọng tại Washington, đặc biệt là trong việc vận động tiền cho các chiến dịch tranh cử từ các nhóm tài phiệt và các nhà đóng góp lớn. Ở phe Cộng hòa, Jeb Bush, em trai cựu tổng thống George W. Bush và là con trai vị tổng thống khác là George H.W. Bush, cũng được coi là ứng viên hàng đầu nhờ hệ thống quan hệ này của gia đình.

Các chiến dịch tấn công bà Clinton đã diễn ra ngay trước khi bà tuyên bố tranh cử. Chủ tịch Đảng Cộng hòa Reince Priebus đã vạch ra một loạt kế hoạch để phê phán thời kỳ bà làm ngoại trưởng cũng như cách bà xử lý vụ tấn công ở Benghazi hồi năm 2012.

Ứng viên tiềm năng khác, cựu thống đốc Florida Jeb Bush (em trai George W. Bush), trong một video cùng ngày nói: “Chúng ta phải làm tốt hơn chính sách đối ngoại thời Obama - Clinton mà đã làm hỏng quan hệ của ta với các đồng minh và khiến các đối thủ của ta thêm mạnh bạo”.

Nếu giành được vị trí ứng viên của phe Dân chủ, bà Clinton cũng cần phải vượt qua gánh nặng của lịch sử. Hơn nửa thế kỷ qua, chỉ một lần duy nhất một đảng nắm Nhà Trắng được ba nhiệm kỳ liên tiếp là dưới thời Ronald Reagan và George H.W. Bush (Bush cha).

GÂY CHIA RẼ LỚN

Phe Cộng hòa hiện đã có thượng nghị sĩ Rand Paul của Kentucky, thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas, thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio tuyên bố chính thức tranh cử. Những ứng viên được coi mạnh thật sự của phe Cộng hòa là Jeb Bush - cựu thống đốc bang Florida và Chris Christie - thống đốc bang New Jersey.

Dù có lợi thế rất lớn, ứng viên Hillary Clinton cũng đang gây chia rẽ trong xã hội Mỹ. Không ai phủ nhận khả năng lãnh đạo của bà nhưng cái tên Clinton luôn bị coi là đồng nghĩa với những chuyện mờ ám, ngụy biện và bê bối.

Bê bối email gần đây của bà Hillary Clinton (dùng email cá nhân thay vì email của Bộ Ngoại giao thời kỳ ngoại trưởng rồi sau lại xóa hàng chục ngàn email đó) đã ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của bà.

Một thăm dò của Bloomberg Politics đầu tháng 4 cho thấy 53% cử tri Mỹ và 60% những người độc lập nói bà Clinton đã không thành thực trong vụ email. Nhà Clinton nhiều lần trong quá khứ cũng bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để trục lợi.

Vai trò của cựu tổng thống Bill Clinton cũng là một dấu hỏi lớn. Ông Clinton cùng ông Barack Obama được coi là hai chính trị gia kiệt xuất của chính trường Mỹ hiện đại, nhưng ông Clinton lại dính quá nhiều đến các bê bối tình dục thời ông tại chức - nổi bật nhất là với cô thực tập viên Monica Lewinsky. Ông Clinton vẫn có thế mạnh trong việc gây quỹ, vận động đám đông nhưng sự xuất hiện của ông có thể sẽ lấn át chính bản thân bà Hillary.

Trong cuộc chạy đua 2007-2008, ông Clinton bị coi là đã xuất hiện quá nhiều và lấy mất sự chú ý đối với bà Clinton. Việc cân bằng vai trò của ông Clinton sẽ là một thách thức lớn đối với chiến dịch của bà Hillary.

Robert Shrum - chiến lược gia cho các ứng viên tổng thống Dân chủ như Kennedy, Al Gore và John Kerry - nói thông điệp mở đầu hiệu quả có thể giúp cải thiện hình ảnh của bà Clinton.

“Nếu bà có thể chứng tỏ bà sẽ là người lãnh đạo thế nào, thể hiện những gì bà quan tâm, có tầm nhìn về tương lai thì câu chuyện email sẽ thành rất nhỏ” - New York Times trích lời ông Shrum.

Ronald Reagan từng là trường hợp tương tự khi ông thất bại trong cuộc bầu sơ bộ năm 1976 và bị coi như một diễn viên lớn tuổi, nhưng đã thành công bốn năm sau đó khi thể hiện sự mạnh mẽ và nói về quá khứ đi lính, làm bình luận viên thể thao và lãnh đạo nghiệp đoàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận