Bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ - Ảnh: AFP
Theo đó, trong cuộc trao đổi này, bà Hillary cho rằng tình trạng can thiệp này là mối lo với tất cả các đảng phái.
"Tôi nghĩ người Úc cần phải vì người Úc, người Mỹ cần phải vì người Mỹ. Và bất kể chuyện người Nga bí mật can thiệp bầu cử của chúng tôi và tạo ra hơn 3.500 quảng cáo để cố tình làm lung lạc cử tri của chúng tôi và để phá hoại tôi, hay chuyện người Trung Quốc cố tìm cách gây ảnh hưởng tới chính sách, chúng ta cũng nên nói không", bà Clinton nêu quan điểm.
"Tôi không quan tâm tới việc quý vị có thể thuộc về đảng phái chính trị nào, cả ở Úc lẫn ở Mỹ. Chúng tôi chỉ quan tâm tới việc đảm bảo sao cho những quyết định được đưa ra là của các chính phủ của chúng ta chứ không phải là kết quả của một thao túng ảnh hưởng nào khác từ một thế lực bên ngoài", cựu ngoại trưởng Mỹ nói.
Thời gian qua quan hệ giữa Úc và Trung Quốc gia tăng căng thẳng sau nhiều cáo buộc cho rằng Bắc Kinh đã có những động thái can thiệp chính trị nội bộ của họ và sử dụng các khoản tài trợ để có được sự "thâm nhập sâu" đó.
Trước các cáo buộc này, chính quyền Trung Quốc phản pháo bằng một loạt tuyên bố tấn công truyền thông sở tại Úc, lên án đó là những quan điểm điên rồ, hoang tưởng.
Trên thực tế Canberra và nhiều nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với những sức ép lớn trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của họ tại khu vực.
Bà Clinton cho rằng bất chấp thực tế nhiều nước đang ngày càng có quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Trung Quốc, nhưng các nền dân chủ không thể phớt lờ nguy cơ can thiệp, thao túng tình hình nội bộ từ nước ngoài.
Bà nói: "Úc có rất nhiều lợi ích liên quan Trung Quốc và chắc chắn nền kinh tế của quý vị cũng sẽ gắn bó rất chặt với Trung Quốc. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng Úc, cùng các nền dân chủ tự do khác trên toàn cầu, cần phải nghiêm túc cân nhắc về nguy cơ can thiệp từ nước ngoài".
Chính quyền Úc đang tiến hành những cải cách luật pháp trên diện rộng nhằm ứng phó với tình trạng do thám và can thiệp nước ngoài. Trong quá trình đó, Trung Quốc cũng được xếp riêng là một "ca đặc biệt" cần thận trọng hơn cả.
Việc cải cách luật này được tiến hành theo yêu cầu của thủ tướng Úc Malcolm Turnbull năm ngoái sau khi truyền thông trong nước phanh phui việc nhiều chính trị gia đã nhận tiền tài trợ từ 2 tỉ phú có liên hệ với Trung Quốc.
Tháng 12 năm ngoái một thượng nghị sĩ Úc đã phải rời khỏi quốc hội vì có quan hệ với một nhà tài trợ chính trị giàu có vốn có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận