Mối tình ấy được M.Duras kể lại trong tiểu thuyết tự truyện L’Amant (Người tình) và đoạt giải thưởng Goncourt danh giá năm 1984. Tác phẩm đã được dịch thành 43 thứ tiếng để phát hành ra toàn thế giới và chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1990.
Chuyện tình Huỳnh Thủy Lê và M.Duras 85 năm trước đến nay vẫn còn nhiều điều khiến du khách quốc tế đến Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) để tìm hiểu.
Bà Marie Donnadieu khi làm hiệu trưởng Trường tiểu học Sa Đéc - Ảnh: tư liệu |
Nữ văn sĩ M. Duras được sinh ra ở Sài Gòn vào năm 1914 và qua đời năm 1996 tại Pháp. Bà Marie Donnadieu, mẹ của bà, từng làm hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc những năm trước và sau 1930.
Cưới nhau ở Pháp, sinh con ở VN
Vợ chồng bà Marie Donnadieu đều là nhà giáo. Họ rời quê hương sang Hà Nội dạy học sau khi mới lấy nhau. Cả ba đứa con của họ lần lượt chào đời trên đất nước VN. M.Duras là con gái duy nhất, cũng là người được cho ăn học đàng hoàng và thành đạt nhất so với hai người anh của mình.
Tiền lương nghề giáo ít ỏi không đủ trang trải cho gia đình có năm miệng ăn nên chồng bà Marie Donnadieu quyết định bỏ nghề đi khai hoang, lập đồn điền ở Kampot (Campuchia). Nhưng do không có kinh nghiệm và bị chèn ép nên cuối cùng ông bị khánh kiệt, phá sản sau đó lâm bệnh chết.
Bà Marie Donnadieu vẫn tiếp tục với nghề dạy học và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc (L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec, nay là Trường tiểu học Trưng Vương) từ năm 1924-1932.
Cô Phạm Thị Đẹt, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, kể Trường nữ tiểu học Sa Đéc được hình thành khoảng năm 1886-1887, nằm ở góc đường Hồ Xuân Hương-Hùng Vương, TP Sa Đéc.
Năm 1924 bà Marie Donnadieu được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Khi ấy trường có năm dãy với bảy lớp học. Trong đó dãy thứ tư dùng để dạy nữ công gia chánh và giặt ủi. Mỗi lớp có từ 30-32 học sinh. Năm 1930 trường được đổi tên thành L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec.
Năm 1932, sau khi bà Marie Donadieu về nước thì một người Việt là ông Trần Văn Kiết lên thay làm hiệu trưởng. Số lượng học sinh học tại trường này ngày càng nhiều nên các phòng dạy nữ công gia chánh và giặt ủi được tận dụng để làm lớp học.
Thế nhưng cũng không đáp ứng đủ nên phải gửi lớp nhì và lớp nhất sang Trường nam tiểu học (nay là Trường Kim Đồng) học tạm. Năm 1940 thì trường mang tên tiếng Việt “Nữ học đường tỉnh lỵ”.
Mấy năm trước cô Đẹt may mắn tìm được người học trò cũ của L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec năm 1930 là bà Nguyễn Thị Mỹ, sống tại TP Sa Đéc. Khi ấy bà đã gần 100 tuổi (nhưng bà đã qua đời sau đó).
Theo bà Mỹ kể lại, hồi ấy bà giáo Marie Donnadieu là người rất hiền lành, yêu thương học trò. Điểm nổi bật nhất ở bà hiệu trưởng mà các thế hệ học trò của bà không thể nào quên được đó là “bà rất mê nữ công gia chánh và thích mặc áo dài trắng như thiếu nữ người Việt”.
Trường tiểu học Trưng Vương còn lưu giữ được bức ảnh chụp bà Marie Donnadieu mặc áo dài trắng khi làm hiệu trưởng tại Sa Đéc. Những tính cách của bà hiệu trưởng đã in sâu trong tâm trí của cô học trò Nguyễn Thị Mỹ.
Vì thế hình ảnh bà giáo Marie Donnadieu vẫn được cô học trò này nhớ rõ, dù suốt hơn 80 năm qua họ không hề gặp lại nhau. Vì rất yêu nữ công gia chánh, yêu chiếc áo dài VN nên bà Marie Donnadieu quyết định lấy dãy phòng học thứ tư để mở lớp dạy may, thêu cho học trò mình.
Môn nữ công gia chánh do bà Marie Donnadieu sáng lập vẫn được duy trì ở những thời hiệu trưởng sau này.
Bi kịch của bà giáo
Chồng qua đời sau khi đi khai hoang, lập đồn điền ở Campuchia bị thất bại là một cú sốc quá lớn đối với bà giáo Marie Donnadieu.
Một mình phải nuôi ba đứa con nơi đất khách quê người bằng đồng lương nhà giáo ít ỏi có vẻ quá sức với một phụ nữ như bà. Con trai lớn của bà sau khi làm nhân viên kế toán ở Sài Gòn đã về Pháp theo học ngành kỹ thuật.
Nhưng rồi người này cũng bỏ dở việc học. Người con trai kế thì tính tình yếu đuối, nhu nhược. Bà kỳ vọng rất nhiều vào cô con gái út M.Duras nên đã gửi cô về Sài Gòn học nội trú với mục tiêu tốt nghiệp trung học.
Sau này M. Duras mới kể lại rằng cuộc sống của gia đình bà giáo không hạnh phúc, gọi đúng phải là bi kịch. Dù không phải đói, nhưng rất khổ, có lúc họ phải ăn cả đồ lòng cò, vạc, cá sấu. Vào năm 1932 bà đã dắt hai đứa con lên tàu trở về nước sau hơn 20 năm sống ở VN.
Lúc này M.Duras đã tốt nghiệp trung học theo đúng nguyện vọng của bà Marie Donnadieu. Cũng trong tự truyện của mình, M.Duras tiết lộ mẹ của bà sau đó đã trở lại Sài Gòn mở trường Pháp ngữ và ở đây cho đến năm 1949 mới về nước.
Sau khi bà Marie Donnadieu về nước, một hiệu trưởng người Việt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec.
Sau đó chẳng còn ai nhắc đến tên của bà ngoài những thông tin ít ỏi được lưu trong hồ sơ nhà trường.
Bỗng dưng vào năm 2002, ông Frédérique (cháu của nữ văn sĩ M.Duras, tức cháu cố của bà Marie Donnadieu) đột ngột xuất hiện tại Trường tiểu học Trưng Vương nói là trở lại thăm nơi của người bà quá cố từng làm hiệu trưởng.
Cô Phạm Thị Ðẹt kể người cháu này nói sở dĩ biết đây là nơi bà cố của mình từng dạy học hơn 80 năm trước là do đọc tiểu thuyết tự truyện L’Amant của bà nội và xem phim Người tình được chuyển thể từ tiểu thuyết này.
Người cháu này đã tặng Trường tiểu học Trưng Vương hơn 20 quyển tiểu thuyết do nữ văn sĩ M. Duras viết khi còn sống, trong đó có tác phẩm L’Amant nổi tiếng thế giới. Những quyển sách này hiện vẫn đang được lưu giữ, trưng bày trang trọng tại trường.
Từ năm 2002 đến nay số lượng du khách Pháp và các nước nói tiếng Pháp tìm đến thăm Trường tiểu học Trưng Vương rất nhiều. Tháng nào cũng có vài đoàn khách đến trường để tham quan vì... đã đọc L’Amant và xem phim Người tình.
Nhà trường đã viết lại lịch sử ngôi trường bằng tiếng Pháp kèm theo nhiều hình ảnh, bút tích của bà giáo Marie Donnadieu để giới thiệu cho du khách.
Năm 2006, nhà văn Yann Andréa (người tình cuối cùng của nữ văn sĩ M.Duras) đã đến thăm Trường tiểu học Trưng Vương cũng với lý do tìm về những nơi mà bà Marie Donnadieu và M.Duras từng sống và làm việc khi ở VN. Cô Lao Thị Tư kể: “Nhà văn Yann Andréa cũng nói thật rằng ông rất muốn biết về đất nước VN mà cụ thể là Sa Đéc. Nơi mà bà M.Duras có mối tình đầu dữ dội và lãng mạn hồi trước năm 1930 đã khiến người Pháp và cộng đồng Pháp ngữ “sôi sùng sục” khi bà kể lại nó trong tiểu thuyết L’Amant. Trong thời gian sống chung với ông Yann Andrea, bà M.Duras cũng đã kể cho ông nghe về mối tình đầu với một thương gia ở Sa Đéc này tên là Huỳnh Thủy Lê”. |
____________
Kỳ tới: Mối tình sét đánh trên phà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận