Bà giáo Thìn với thói quen sưu tầm ảnh Bác khi đọc báo - Ảnh: M.T. |
“Tôi chọn ra những tấm ảnh đẹp nhất để treo khắp nhà, còn trong album có khoảng 2.800 bức ảnh như thế”, người phụ nữ chậm rãi bước ra từ sau cánh cửa gỗ, trên tay là một tờ báo có hình Bác.
Bà đặt tấm hình xuống mặt bàn, cẩn thận vuốt cho thẳng thớm rồi lồng vào album. Bà cho biết đây là cuốn album hình Bác Hồ thứ 30 mà bà cất công sưu tầm.
Nếu như trước đây mỗi ngày bà đọc 5 - 7 tờ báo để tìm kiếm các bài viết về Bác Hồ, nay bà chỉ đủ sức đọc 2 tờ mỗi ngày nên số lượng hình sưu tầm được cũng ít lại. Cứ đều đặn 9h sáng, bà lại chăm chú đọc hết các bài viết về Bác, đọc xong nghiền ngẫm rồi bà mới đặt kéo cắt một phần bài viết kèm bức ảnh.
“Cả đời tôi sống không chồng con, chỉ có hơn 2.800 tấm ảnh Bác Hồ và những đứa học trò nghèo trước đây tôi dạy học nay đã thành đạt là gia tài lớn nhất” - bà nói.
Ban đầu, bà sưu tầm những tấm ảnh Bác Hồ từ các tờ báo, tạp chí. Sau này có dịp đi nhà truyền thống, bảo tàng có trưng bày ảnh Bác, bà liền thuê thợ chụp ảnh chụp lại, rửa ra rồi ép nhựa và mang về lồng vào album. Có những tấm ảnh bà cất giữ ngót nghét đã gần 40 năm.
Những ngày đầu sau giải phóng, bà làm giáo viên Trường tiểu học Mỹ Hòa B (nay là Trường tiểu học thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), sau đó được đề bạt làm hiệu trưởng trường. Đây là quãng thời gian mà bà có điều kiện sưu tầm ảnh Bác nhiều nhất. Chỉ trong gần 10 năm đầu, bà đã sưu tầm được hơn 1.000 tấm ảnh Bác.
Sau đó, bà chuyển qua làm Hội LHPN huyện Cầu Ngang, tỉnh Cửu Long (gồm 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh hiện nay) đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Bà cùng mẹ vẫn giữ lại lớp học tình thương và duy trì thói quen sưu tầm ảnh Bác đến nay.
Ông Kim Thành Long - phó chủ tịch MTTQ huyện Cầu Ngang - cho biết bà giáo Thìn là một tấm gương điển hình của địa phương trong phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận