Ba gã say luận đàm thế sự của Nakae Chōmin và cuộc duy tân Minh Trị

TÙNG PHONG 18/10/2019 02:10 GMT+7

TTCT - Những năm 1880 là thời điểm dân tộc Nhật Bản tiến đến ngã ba đường lịch sử, khi công cuộc duy tân thời Minh Trị đã triển khai được hơn mười năm. Nhật Bản phải lựa chọn hướng đi cho dân tộc để có thể biến thành một cường quốc ở châu Á, với những câu hỏi bức thiết về chế độ chính trị trong nước cũng như kế sách ngoại giao quốc tế. Giữa lúc hàng trăm luận thuyết đua nở thì năm 1887, cuốn sách Ba gã say luận đàm thế sự của Nakae Chōmin ra đời.

Ba gã say luận đàm thế sự. -Ảnh: Tùng Phong (chụp từ sách)
Ba gã say luận đàm thế sự. -Ảnh: Tùng Phong (chụp từ sách)

Tác phẩm trình bày nhiều kiến giải quan trọng trong việc lựa chọn chế độ chính trị nào và nên đi theo chính sách ngoại giao ra sao một cách dễ hiểu và gần gũi đối với phần đông quốc dân, thông qua hình thức đối đáp, luận bàn hết sức sinh động giữa ba gã say. 

Đặc biệt hơn, người đọc còn thấy nó giống như lời báo trước về chính sách khuếch trương quân sự, đối ngoại của Nhật Bản sau này, trong đó tư tưởng hòa bình được đề cập cũng chính là con đường mà Nhật Bản lựa chọn trong tương lai.

Chính vì thế, Ba gã say luận đàm thế sự được xem là trước tác kinh điển của Nhật Bản, là tác phẩm tiêu biểu cho văn minh thời Minh Trị.

Tác giả Nakae Chōmin

Nakae là nhà hoạt động chính trị, nhà lý luận cho phong trào tự do dân quyền thời Minh Trị. Ông sinh năm 1847 tại phiên Tosa, nay là tỉnh Kochi, Nhật Bản, trong một gia đình võ sĩ hạ cấp. 17 tuổi, ông đã học tiếng Anh, Hà Lan và Pháp.

Trong thời Minh Trị duy tân, vì muốn học tập hiến pháp cũng như chế độ chính trị phương Tây, Chính phủ Nhật Bản phái cử những người trẻ tuổi lưu học Âu châu. Nakae lập tức nắm bắt cơ hội này: năm 1872, ông đến Pháp học tập.

Trước đó một năm, cuộc nổi dậy Công xã Paris bùng nổ. Mặc dù nhanh chóng bị trấn áp, nó đã để lại dấu ấn sâu sắc với xã hội Pháp thời bấy giờ. Chàng trai trẻ Nakae cũng đắm mình trong những cuộc tranh luận tư tưởng cũ mới đó. Tiếp xúc với công nhân Pháp, ông dần hiểu ra rằng tư tưởng cách mạng Pháp cũng như học thuyết của Rousseau có mối quan hệ gắn bó với nhau.

Ba năm sau, Nakae trở về Nhật Bản. Sau khi hoạn lộ trắc trở, ông quyết định lập thân trong lĩnh vực giáo dục. Dưới góc nhìn của ông thì công cuộc cải cách cần dựa vào quốc dân có tri thức hiện đại và tư tưởng khai phóng. Ông mở ra Pháp Lan Tây học xá, dạy tiếng Pháp, chính trị, triết học..., nơi đã giáo dục cho tới hơn 2.000 người. Nakae một mặt truyền bá tri thức hiện đại, mặt khác chú trọng vào phiên dịch nhằm cung cấp cho Nhật Bản những tư tưởng học thuyết mới.

Ông phiên dịch và giải thích Khế ước xã hội của Rousseau. Ông chính là người đã dịch liberte thành “tự do”, democratie thành “dân chủ”, những từ về sau được du nhập vào các tân thư của Trung Hoa và được sử dụng ở khối văn hóa Hán đến tận ngày nay.

Ông còn cùng với Saionji Kinmochi sáng lập tờ Tōyō Jiyū shimbun (Đông Dương Tự Do Tân Văn), công khai cổ xúy quân dân cộng trị, địa phương phân quyền. Ông giải thích chữ chủ (主) trong tự chủ (自主) là dùng một cây đinh để đóng lên đầu vương (王 - vua). Những ngôn luận này ảnh hưởng rất lớn về phương diện lý luận với phong trào tự do dân quyền và Nakae nhanh chóng trở thành một đối tượng nguy hiểm cho chính quyền quân chủ.

Tháng 12-1887, chính phủ Minh Trị ban bố luật bảo an, dùng những tội danh như âm mưu nội loạn, gây rối trị an để truy bức những người vận động tự do dân quyền. Trước sự truy bức, Nakae buộc phải rời Tokyo và tiếp tục công cuộc của mình ở Osaka, nơi thành lập và làm chủ bút tờ Shinonome shimbun (Đông Vân Tân Văn), ra sức phổ cập tư tưởng dân quyền, ủng hộ việc thiết lập quốc hội.

Bấy giờ Nhật Bản đứng trước ngã ba đường, phải lựa chọn tiếp tục nền quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến hay chế độ dân chủ. Cuốn Ba gã say luận đàm thế sự của Nakae xuất hiện trong hoàn cảnh đó với các nhân vật hư cấu chàng Thân sĩ Tây học, vị Hào kiệt và Nam Hải tiên sinh đại diện ba khuynh hướng tư tưởng khác nhau, tiến hành luận đàm, hỏi đáp, đưa ra kiến giải của họ.

Chàng Thân sĩ Tây học thấu hiểu tư tưởng Tây phương cận đại, chủ trương kiến lập chế độ dân chủ triệt để, phế bỏ nền quân chủ, đưa quốc gia theo con đường chủ nghĩa hòa bình và bất đối kháng vô điều kiện, giải trừ quân bị, từ bỏ chiến tranh, trở thành một quốc gia hòa bình trung lập vĩnh viễn.

Vị Hào kiệt thì cho rằng thế giới hiện là thời đại của chủ nghĩa thực lực, chiến tranh là chuyện không thể tránh khỏi, chỉ “nước văn minh” có vật chất, tài lực dồi dào mới có thể phát động chiến tranh. Đối diện với liệt cường có thuyền hạm và pháo thủ nhiều thì việc nói lý luận suông là không có tác dụng. Nhật Bản là một nước nhỏ, muốn trở nên giàu có cần phải khuếch trương quân bị, đi theo con đường đối ngoại xâm lược. Từ nước nhỏ thành nước lớn mới có thể giải quyết mâu thuẫn trong nước, thực hiện được mục tiêu phú quốc cường binh.

Nam Hải tiên sinh thì tán đồng lý tưởng chế độ dân chủ của chàng Thân sĩ Tây học, nhưng cho rằng hiện nay khó mà thực hiện được. Ông cũng bài bác luận thuyết chuyên chế và xâm lược của vị Hào kiệt, cho rằng nó không còn phù hợp với “chính nghĩa” của nhân loại nữa.

Nam Hải tiên sinh do đó chủ trương “thiết lập chế độ lập hiến, trên tôn vinh thiên hoàng, dưới tăng bồi phúc lợi cho vạn dân, đặt ra thượng hạ nghị viện, nghị viên trong thượng viện thuộc giới quý tộc, cho phép được đời đời thế tập, còn nghị viên trong hạ viện thì tuyển chọn theo phương thức tuyển cử”.

Về chính sách đối ngoại, ông chủ trương “lấy hòa hiếu làm chủ, không làm tổn hại đến quốc thể, quyết không diễu võ giương oai”.

Những minh họa về hình tướng kẻ say trong cuốn sách.

Ba gã say luận đàm thế sự chính là tấm gương chân thực phản ánh tư trào chính trị của dân tộc Nhật Bản giữa ngã ba đường lịch sử với tầm quán tưởng lớn lao. Nhìn tổng thể thì Nhật Bản từ sau Minh Trị đã dần điều chỉnh theo hướng “Nam Hải tiên sinh”, dù cũng đã phải trải qua cay đắng và nghịch cảnh của giải pháp “Hào kiệt” vì chính sách xâm lược trước và trong Thế chiến II.

“Nhiều vấn đề trọng đại của Nhật Bản hiện tại như hòa bình, tự do, phòng vệ, tiến bộ - bảo thủ, dân quyền - quốc quyền... được gói gọn trong Ba gã say luận đàm thế sự.

Dù Chōmin tự nhận “cuốn sách chỉ là một chuyến lãng du nhất thời, người viết còn chưa cởi bỏ được tư duy ấu trĩ, nên chẳng đáng để mọi người đọc nó” thế nhưng không chỉ về mặt tư tưởng chính trị, mà rộng lớn hơn “cuốn sách còn có thể được xem là tác phẩm đỉnh cao đại diện cho văn minh thời Minh Trị”, theo lời nhà phê bình văn chương lớn Nhật Bản Kuwabara Takeo.■

"Tư tưởng của Nakae Chōmin có nét tương đồng đáng ngạc nhiên với tư tưởng của Phan Châu Trinh". (GS Vĩnh Sính)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận