TTCT - Thứ khiến những người thèm cà chua ở Anh bất bình hơn cả là nhìn sang Pháp thấy nước bạn rau củ quả cứ gọi là ê hề, chả thiếu hụt gì. Bộ trưởng Coffey và cải củ. Ảnh: The Times"Không bánh mì thì để chúng ăn bánh ngọt" - câu nói được gán cho hoàng hậu Marie-Antoinette thời Cách mạng Pháp thế kỷ 18 lại vang vọng ở trời Âu, hơn 200 năm sau. Lần này là Vương quốc Anh, và cặp bánh mì/bánh ngọt nay là cà chua/cải củ (turnip).Không biết điều gì sẽ khiến dân Anh cáu hơn - một đợt khan hiếm rau củ quả kéo dài nhiều tuần liền, vẻ hả hê của các nước láng giềng - nơi những quầy kệ vẫn chất đầy nông sản, hay là phát biểu của bà Bộ trưởng Môi trường Thérèse Coffey rằng không có cà chua thì thì ăn đỡ cải củ đi nào. Cũng có thể là cả ba.Tính tới hết tháng 2 vừa qua, năm trong số sáu chuỗi siêu thị lớn nhất Anh (Tesco, Aldi, Asda, Morrisons và Lidl, chiếm hơn 2/3 thị phần) đã yêu cầu khách hàng mua cà chua, dưa leo và ớt chuông chỉ được cho vào giỏ ba quả mỗi loại. Sainsbury's, chuỗi bách hóa lớn thứ hai ở Anh, chưa hạn chế số lượng mua nhưng xác nhận nguồn hàng rau củ đang hụt.Trong khó khăn, dân Anh vẫn giữ chất hài hước Ănglê. Twitter đầy những bài viết mỉa mai về những quầy rau củ trống không khắp các siêu thị. "Mới mua chiều nay, mời đấu giá, giá khởi điểm là 10 bảng" - một người tweet, kèm ảnh trái cà chua đỏ mọng. "Tôi có hai trái cà chua, sẵn sàng đổi lấy căn nhà hai phòng ngủ hoặc căn hộ một phòng ngủ ở London" - một người khác viết."Tôi có hai trái cà chua, sẵn sàng đổi lấy căn nhà hai phòng ngủ hoặc căn hộ một phòng ngủ ở London"Rau xanh không có, bữa ăn vừa buồn bã vừa kém bổ dưỡng, tệ hơn là món pizza khoái khẩu có khi mất cả cà chua. Đại diện Hiệp hội Pizza, Pasta và món Ý của Anh nói với tờ The Sun rằng các tiệm pizza có thể sẽ phải sáng tạo nguyên liệu thay thế vì cà chua nếu không thiếu hụt thì cũng quá đắt đỏ (có nguồn nói giá đã tăng từ 5 bảng lên 20 bảng/vỉ, tức 400%). Nếu có ai đó vui sướng trong những ngày này thì đó là những người đến giờ vẫn còn hận vì bị ép ăn rau lúc nhỏ ("Lũ trẻ ngày nay sướng quá, sao hồi đó không ai hạn chế chuyện bán cà chua vậy ta" - một người tweet).Trong các tháng mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 3), Vương quốc Anh phải nhập khẩu tới 95% nhu cầu cà chua và 90% xà lách, chủ yếu từ Tây Ban Nha và Bắc Phi, theo Liên minh Bán lẻ Anh. Năm nay hai nguồn cung lớn này đều bị ảnh hưởng thời tiết - miền nam Tây Ban Nha trời lạnh bất thường, còn vụ mùa ở Morocco bị lũ ảnh hưởng. Nguồn cung nội địa của Anh và một nguồn bổ sung là Hà Lan cũng bất ổn vì khủng hoảng năng lượng: giá điện tăng khiến các nhà sản xuất phải đóng bớt số nhà kính trồng rau để tiết kiệm tiền chiếu sáng cho cây phát triển và ra trái, dẫn đến giảm sản lượng. Lại còn thêm giá phân bón và bao bì, đóng gói tăng, khiến các nông trại ở Anh và châu Âu giảm quy mô vụ mùa đông. Nói chung là họa vô đơn chí.Tất nhiên sẽ có ý kiến đổ cho Brexit (như bao thứ khác). "Một trong những lợi ích lớn của Brexit là ít phải xếp hàng trong các cửa hàng hơn, vì không có thực phẩm để mua" - một người dùng Twitter châm chích. Liz Webster, chủ tịch tổ chức Save British Food, cho rằng Brexit làm phức tạp thêm các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng, bởi nông dân châu Âu cứ bán hàng trong Liên minh châu Âu cho sướng, việc gì phải tìm đường xuất sang Anh, giấy tờ phiền phức. Việc Anh rời khối cũng làm tăng các chi phí vận hành và thuê mướn lao động thời vụ, liên quan cả tiền lương lẫn thời gian lưu trú (vụ mùa kéo dài 9 tháng, nhưng lao động thời vụ chỉ được phép ở Anh 6 tháng theo quy định visa hậu Brexit).Thứ khiến những người thèm cà chua ở Anh bất bình hơn cả là nhìn sang Pháp thấy nước bạn rau củ quả cứ gọi là ê hề, chả thiếu hụt gì. Chẳng hạn tại chợ Saint-Quentin ở Paris, chỉ cách London hơn 2 giờ xe lửa, như mô tả của tờ The Guardian: các quầy rau củ hợp thành một bảng màu rực rỡ - cà chua, xà lách, táo, quýt, mộc qua… Mà không chỉ trong chợ này, hầu như ở đâu cũng thế - cà chua từ Pháp, Tunisia và Tây Ban Nha, cam quýt từ Morocco chất đầy những siêu thị địa phương, cửa hàng ở góc phố, cửa hàng rau quả hữu cơ và cửa hàng rau xanh đường Faubourg Saint Denis gần đó. Ở Pháp, hàng không thiếu nhưng giá thì tăng.Hình ảnh tương phản ở quầy rau củ ở Anh (ảnh lớn) và Pháp. Ảnh: Getty ImagesTức tối cũng chẳng làm gì, nhìn sang Mỹ, nơi nhiều người tự nuôi gà lấy trứng vì giá trứng còn đắt hơn vàng, cũng không an ủi gì mấy. Dân Anh giờ chỉ còn chờ hết cơn bĩ cực. Nhưng đến bao giờ? Tháng 2 kết thúc cũng là tròn 3 tuần khủng hoảng rau củ quả ở xứ sở sương mù. Hôm 23-2, bà Bộ trưởng Coffey nói chắc phải 2-4 tuần nữa thì mới hết thiếu rau, thành ra quốc dân nên mùa nào thức nấy, chứ đừng mong đợi cái gì cũng có quanh năm.Tim Lang, giáo sư danh dự về chính sách lương thực tại City University of London, cho rằng chuỗi cung ứng của Anh đang bị đứt gãy và những gì đang diễn ra với cà chua, dưa leo có thể là điềm báo trước cho một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn có thể xảy ra. "Chính phủ đã hoàn toàn thất bại trong việc phát triển một chiến lược lương thực đúng đắn" - ông nói với The Guardian. Tags: Siêu thị ở AnhRau quảRau củThiếu hụt hàng hóaHàng hóaAnh
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối 5-11 (giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại hàng loạt bang miền đông Mỹ đã mở cửa để các cử tri bầu người lèo lái nước Mỹ trong 4 năm tới.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.