24/10/2024 11:20 GMT+7

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi

Con nước lên đồng là thời điểm những người theo nghề "bà cậu" mong chờ. Có những đại gia đình dìu dắt nhau lên xuồng ghe kiếm sống cả mấy thế hệ từ đời ông, đời cha đến đời con cháu...

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 1.

Đại gia đình ba thế hệ của ông Phước mưu sinh trên đồng nước Mộc Hóa (Long An) - Ảnh: AN VI

Mùa nước nổi trên những cánh đồng thuộc huyện Mộc Hóa (Long An) năm nay lên trễ và cao hơn mọi năm. Đại gia đình 11 người của ông Nguyễn Văn Phước (49 tuổi, ngụ Đồng Tháp) tranh thủ lên đồng cho ba tháng lênh đênh theo mùa nước.

Tụi tôi lấy con cá đổi con chữ cho con cái là muốn nó thoát sông nước bấp bênh. Cá mắm giờ ít, khó kiếm tiền hơn nhiều rồi. Chưa kể tụi nhỏ giờ làm sao chịu nổi cảnh cực khổ dưới ghe như cha ông mình.

Anh Nguyễn Văn Lộc

Đưa đại gia đình xuống nước

Cắm cây sào đo độ nước sâu, ông Nguyễn Văn Phước rổn rảng nói năm nay nước cao nhưng cá về trễ, tội nghiệp mấy đứa cháu ngày kiếm không được bao nhiêu mà lại cực.

Trong đại gia đình 11 người, ông Phước có nhiều kinh nghiệm nhất và bén duyên với nghề "bà cậu" từ những năm 2000. Khi con trai ông là anh Nguyễn Văn Lộc (30 tuổi) cưới vợ, ông sắm thêm chiếc ghe rồi kêu vợ chồng xuống nước theo ông làm cá.

Khi vợ chồng anh Lộc đã thạo việc, thấy anh sui trên bờ bấp bênh với công việc nhà máy xi măng, ông Phước quyết định "chiêu mộ" luôn về đội. Đến mùa nước năm nay, thằng cháu kêu ông Phước bằng bác và con trai của ông sui cũng gác dép xuống ghe.

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 2.

Ông Phước là người kinh nghiệm nghề cá nhất trong đại gia đình - Ảnh: AN VI

Ông Phước nhớ lại mình đắn đo khi dắt anh Lộc xuống ghe làm nghề cá. "Bản thân tui biết cái khổ của nghề này, đương nhiên không muốn con phải khổ theo. Tính cho nó học sửa xe, ngặt hồi đó không đủ tiền đành bấm bụng cho con cái nghề mình thạo nhất", ông Phước tâm sự.

Nói về đắn đo phải kể tới gia đình anh Nguyễn Tấn Đạt (20 tuổi, ngụ Đồng Tháp) - cháu ông Phước. Trước đây, anh Đạt phụ quán ăn ở Biên Hòa, công việc bấp bênh nên từ khi cưới vợ anh quyết định xuống ghe mần ăn cùng ông bác ruột.

Anh Đạt trăn trở nhất là vướng đứa con mới 9 tháng tuổi trên bờ không ai chăm sóc nên anh quyết định đưa em bé xuống ghe. "Em suy nghĩ dữ thần lắm mới đưa con xuống đây đó chứ. Con em còn nhỏ xíu, nội chuyện muỗi mòng sóng gió là thấy mệt rồi. Chưa kể mình làm phải luôn quan sát con, sông nước lỡ gì là hối hận cả đời", anh Đạt chia sẻ.

Ghe của những người có con nít như anh Đạt chằng thêm tấm lưới phòng hờ bé bò ra ngoài. Buổi tối đi chài, vợ chồng anh phải làm thật nhẹ. "Con mà khóc coi như xong, phải bỏ hết vô dỗ nó ngủ", anh Đạt nói thêm.

Làm nghề "bà cậu" vốn có nhiều điều kỵ, với những người có con nhỏ đi theo, việc này càng được trọng. Theo anh Đạt, nếu đậu ghe ở đâu mà con anh khóc nhiều là phải đi ngay vì chỗ đó là đất xấu.

Chưa kể chuyện tắm giặt, ăn uống của con nhỏ chưa bao giờ dễ. Vợ chồng anh có thể kho nồi cá ngồi quẹt với cơm, còn đứa trẻ 9 tháng tuổi phải có sữa để uống, nước tắm cũng từ bình nước lọc lớn chứ không lấy nước dưới đồng vì sợ con ngứa.

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 3.

Bữa cơm là thời điểm đại gia đình quây quần vui vẻ với nhau trên đồng nước

Buồn vui theo mẻ cá

Nhìn từ xa, chòm ghe năm chiếc của đại gia đình ông Phước như xóm chài thu nhỏ, tiếng người lớn nói, tiếng trẻ con quấy khiến cánh đồng những ngày mưa buồn tháng 10 có thêm sinh khí.

Ngày mới của đại gia đình này bắt đầu lúc 5h sáng, riêng ông Phước và ông sui phải đi sớm hơn 1 tiếng vì vừa đánh bắt vừa lựa cá. Chẳng cần báo thức, như một nếp quen, đúng giờ là ông Phước bật dậy lụi cụi lấy mớ ngư cụ dưới hầm rồi tròng bộ đồ cũ vào việc.

Chừng tiếng sau, mấy chiếc ghe của con cháu ông Phước xung quanh cũng sáng đèn. Ông Phước ghẹo: "Tụi mầy ngủ dậy trễ, cá nó qua chỗ tao hết ráng chịu à nghen".

Nói cho vui chứ đêm nay ông Phước là người thu "bèo" nhất. Quần quật hơn ba tiếng chỉ được một bao ốc, chừng nửa ký cá chạch và vài con cá chốt. Chỉ vào thau cá mồi (cá chết, bán cho cá lớn ăn - PV), ông Phước lắc đầu:

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 4.

Gần 8h sáng, ghe thương lái đến tận nơi để mua cá từ đại gia đình này - Ảnh: AN VI

"Đó coi chán chưa, nhiêu đây có khi bán chưa được trăm ngàn bạc, ai nói làm cá mắm mà giàu đâu. Nước này phải tầm cuối tháng cá nó mới về, còn thời gian này bắt cầm chừng kiếm tiền mua gạo thôi", ông Phước nói.

Tầm 7h sáng, tiếng gọi nhau í ới của đại gia đình xé toang bầu không khí yên ả buổi sớm mai trên cánh đồng trắng nước. Nay không nhiều cá nên ghe của ông Phước vào bãi trước, tiếp đến là con trai, cháu rồi đến ông sui lần lượt tới.

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 5.

Ông Phạm Văn Hoàng (49 tuổi) - bà con bên sui của ông Phước dẫn theo người thân duy nhất của mình là chú chó xuống ghe - Ảnh: AN VI

Xong việc, mạnh ai nấy nhảy cái tủm xuống ruộng vệ sinh cá nhân rồi pha ấm trà ngồi chờ lái tới thu cá. Buổi sáng vào đây, hễ thấy mặt ai buồn so đồng nghĩa không có cá.

"Còn bữa nào nhiều cá, nó nói cho mà nghe nghen, nào là bàn coi chiều nay mua cái gì lương sương, chán cá thèm thịt, nhất là bàn coi ngày mai đặt ở đâu cho nhiều cá như vậy", ông Phước cười kể.

Mặt trời lên quá bờ ruộng, chiếc vỏ lãi mua cá đến điểm tập kết để cân. Thấy mặt ai cũng buồn so, bà lái ngày thường vui tính nhưng hôm nay chỉ tập trung ghi số ký cá mà không dám ghẹo gì thêm. Cân xong, ai muốn ăn uống, mua gì có thể gửi lái rồi hôm sau cân cá cấn tiền lại.

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 6.

Anh Đạt đưa vợ và con nhỏ xíu xuống ghe mưu sinh theo con nước - Ảnh: AN VI

"Chắc là thế hệ cuối rồi"

Ở chốn tứ bề trắng nước, chuyện đi chơi quá xa xỉ. Chiếc điện thoại thông minh là phương tiện giải trí duy nhất để anh Lộc hay ông Phước gọi thăm con cháu.

Nói về thuận lợi khi lênh đênh đông người, anh Lộc nói: "Giữa đồng không mông quạnh mưa sa gió táp mà đi một mình nửa đêm thì sởn gai ốc. Mình đi đông như vậy, có người nói chuyện đỡ buồn, lỡ đêm hôm mưa bão mấy ghe sáp lại kè nhau được. Bệnh hoạn gì nửa đêm có anh có chú, giúp mình an tâm hơn để đi suốt ba tháng liền".

Nhiều đêm tới giờ không thấy ghe nào sáng đèn, cả gia đình lại lăng xăng gọi điện, có bữa mất sóng phải chạy tới coi tình hình ra sao. Nhất là khi trời mưa dông gió, ai cũng phải để ý cho nhau.

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 7.

Chị Huyền - con dâu ông Phước lựa lại mớ cá để làm đồ ăn sáng cho đại gia đình - Ảnh: AN VI

"Cảnh đó khổ lắm! Bởi vậy mỗi lần thấy gió là cả nhà cuống cuồng bơi ra giữa sông cắm sào tụ lại, chứ núp núp trong bụi nguy hiểm lắm", anh Lộc lắc đầu ngao ngán.

Chuyện sinh hoạt hằng ngày cũng đủ thấy cái khó của nghề sông nước. Nhất là khi đi vệ sinh giữa cánh đồng trống trơn, thuyền ghe lắc lư như... xích đu.

Đại gia đình trên cánh đồng Mộc Hóa này đa phần đều có nhà trên đất, từng chiếc ghế cái bàn đều do con cá mà nên. Những người có con đang đi học như anh Lộc thường phải gửi tiền về quê đều đặn đóng học phí và sinh hoạt hằng ngày.

Anh Lộc, cũng giống như cha mình và nhiều người khác trong đại gia đình, đều khẳng định đã quen nghề lênh đênh con nước. Song anh cho biết mình không muốn con ở nhà theo nghề cha.

Tới nay đã trôi qua hơn nửa mùa nước nổi, cá mắm vẫn là câu chuyện buồn vui với đại gia đình này. Tuy nhiên, không có cá thì họ vẫn cố đi và đi vì nhớ mùa nước lên đồng…

Buổi trà sáng và cữ cơm chiều là thời điểm mười mấy người trong đại gia đình quây quần lại với nhau. Tạm gác chuyện cá mắm, bữa cơm sum vầy chỉ những chuyện vui về tụi con nít trên ghe, chuyện học hành của mấy đứa nhỏ trên bờ hay hai ông sui ngồi ghẹo nhau cũng khiến đại gia đình rôm rả.

Ba đời lênh đênh đồng nước nổi - Ảnh 4.Nhộn nhịp chợ cá mùa nước nổi nửa đêm

Mùa nước nổi, nhiều người thu mua cá ngược xuôi liên tục giấc nửa đêm, gõ cửa từng nhà làm nghề cá cho kịp giờ chợ sáng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên