Bà Đại sứ và những giấc mơ tử tế về cuộc đời

THANH TUẤN - LAN PHƯƠNG 09/03/2013 11:03 GMT+7

TTCT - Là một gương mặt bặt thiệp, đầy vẻ đẹp văn hóa của ngoại giao Việt Nam, 15 năm trước bà Tôn Nữ Thị Ninh là một trong những nhà ngoại giao Việt Nam đầu tiên được nhận Bắc Đẩu Bội Tinh - huân chương cao quý nhất của nước Pháp.

Giờ đây, khi đang bận rộn với những dự án dành cho giáo dục, bà được Nhà nước Pháp một lần nữa tôn vinh.


Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Ảnh: Thanh Tuấn


Khá ngạc nhiên khi Chính phủ Pháp chọn trao giải thưởng cho một quan chức đã nghỉ hưu như bà. Từng là đại sứ VN tại Liên minh châu Âu (EU) và một loạt nước như Bỉ, Hà Lan, bà đã rời nhiệm sở từ cuối năm 2007 và không còn tham gia nhiều những hoạt động ngoại giao chính thức.

Trong lời phát biểu trao Bắc Đẩu Bội Tinh (*) mới đây, đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier trịnh trọng gọi bà Tôn Nữ Thị Ninh là “người phụ nữ của ánh sáng”, “người phụ nữ của văn hóa” và là “biểu tượng của những người VN yêu nước”.

 “Bà vừa là hiện thân cho gương mặt thời nay của các nhà Nho lớn thời xưa của VN, vừa là hiện thân của các nhà trí thức dấn thân - ông Poirier nói - Bà là người phụ nữ hiện đại không ngừng nỗ lực hoạt động để hiện đại hóa nước mình và tăng cường quan hệ VN với nước ngoài”.

Ngoại giao hiện đại

Hỏi bà vì sao Pháp trao tặng huân chương cho bà lần nữa, bà nói bà “ngạc nhiên” nhưng giải thích có lẽ nước Pháp tư duy công việc theo khía cạnh ngoại giao hiện đại. “Ngoại giao hiện đại là đại sứ phải xắn tay đi khắp nơi. Các đại sứ hiện đại không thể chỉ ngồi một chỗ mà phải xông xáo đến hang cùng ngõ hẻm, tham gia vào nhiều hoạt động” - bà nói. Rời cả chức vụ đại sứ và phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã nhiều năm nay, nhưng công việc dường như chưa bao giờ rời xa bà.

Sau khi đại diện VN trong nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam, bà tiếp tục theo đuổi dự án Đại học Trí Việt từ cuối năm 2007 với mong muốn xây dựng đại học tư thục “xanh” đầu tiên ở VN. Bà tập hợp được một bộ máy tinh tú với nhiều kế hoạch tham vọng nhưng rồi dự án vướng vào vòng xoáy giấy phép - đất - tiền mà sau khi phải dùng chính tiền của bản thân trong suốt gần hai năm cuối vẫn không thành, bà đành phải tạm xếp lại dự án này kể từ cuối năm ngoái.

Trong gần sáu năm đó, bà tham gia thành lập “mạng lưới phụ nữ VN toàn cầu,” tổ chức một hội thảo lớn về xây dựng đại học thế kỷ 21 quy tụ gần 100 chuyên gia giáo dục quốc tế hàng đầu, tổ chức chiến dịch về xây dựng thương hiệu cho VN, cũng như một loạt dự án nhỏ khác, chẳng hạn về thâm nhập văn hóa cho một đơn vị muốn mở rộng thị trường sang châu Phi...

“Tôi nghỉ hưu mà hóa ra lại bận rộn hơn rất nhiều” - bà Ninh nói với chúng tôi. Các chuyến đi theo lời mời để nói chuyện, dự hội thảo dày đặc hơn bao giờ hết. Ngày thứ ba tuần này bà lên đường đi Nhật theo lời mời của một giáo sư ở Đại học Waseda danh tiếng để nói chuyện tại hội thảo về “bản sắc ASEAN và hướng kích cho quốc gia”. Ngày 10-3 bà về nước để ngày 11-3 kịp bay lên Tây nguyên làm giám khảo chọn “đại sứ cà phê”.

Đầu tháng 4, bà sang Ấn Độ dự cuộc họp của Nhóm lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương về không phổ biến vũ khí hạt nhân (APLN) mà bà đã là thành viên trong suốt hơn hai năm nay... Cuối năm ngoái, bà có mặt ở cuộc nói chuyện của diễn đàn TED tại San Joaquin (California) - diễn đàn uy tín của các diễn giả nổi tiếng bậc nhất thế giới. Tại đó, khi nói về “Thay đổi: bản sắc với tính nhân bản” bà đã miêu tả mình là “một người Việt nhiệt thành, một cá nhân sáng tạo và một người toàn cầu chín chắn”.

 “Ở thế giới càng toàn cầu hóa thì chúng ta càng cần bám trụ vào bản sắc dân tộc, vào văn hóa và bản sắc của mỗi chúng ta như cách để tìm sự hòa bình và sự trọn vẹn”

Bà TÔN NỮ THỊ NINH

“Nhiều thanh niên năng động”

Tiếp chúng tôi ở Viện Trí Việt mới mà bà dọn về trong khuôn viên Đại học Tôn Đức Thắng, bà Ninh vẫn ấp ủ những ý tưởng mới cho giáo dục, cho thanh niên. Khi trở về nước từ châu Âu năm 2003, bà nói nhiều về chuyện lớp trẻ VN “thiếu óc sáng tạo và tư duy phản biện”. 

Hơn mười năm sau, bà cho biết mình lạc quan hơn bởi đã nhìn thấy một lớp trẻ VN “có nhiều thanh niên năng động”, biết “nung nấu”, nhất là có nhiều người biết “nhìn rộng hơn cái xung quanh”. Sau quan sát ấy, bà cho rằng đó là một chỉ dấu tốt đẹp bởi điều đó chứng tỏ “họ mong muốn đất nước VN giỏi lên, năng động hơn” và “họ bận tâm với từng bước đi của đất nước”.

Bên ngoài ngôi trường, những sinh viên trẻ vội vàng chạy lên giảng đường giữa trời trưa nắng. Còn trong góc phòng làm việc, bà Ninh bận rộn với những buổi thảo luận khoa học, những cuộc gặp với giáo sư quốc tế mà viện bà mời đến. “Tôi cố gắng dành một ít năm nữa, đóng góp trực tiếp vào một sản phẩm rõ nét về giáo dục” - bà nói. Đội ngũ hỗ trợ bà cũng là bốn, năm bạn trẻ tuổi từ 25-30.

Bà vẫn còn đó giấc mơ đã được chuẩn bị nhiều năm cho một nền giáo dục thể hiện triết lý sống tử tế. Và vì vậy mà công việc đang chồng chất: một buổi nói chuyện sắp đến với tiến sĩ Mark Ashville (nguyên lãnh đạo của Viện giáo dục quốc tế Mỹ IIE) về “Hệ thống giáo dục Mỹ trong tương quan so sánh”, mối quan tâm tới hợp tác lần đầu tiên giữa Ngân hàng Thế giới với một trường đại học ở VN (tổ chức ở Đại học Tôn Đức Thắng) để tổ chức các trao đổi/tranh luận về phát triển (development debate), kế hoạch thành lập các nhóm đánh giá độc lập chất lượng trường đại học...

Định vị rất rõ công việc mình sẽ làm khi tham gia vào giáo dục, người phụ nữ này đang dùng hết những sở trường, kinh nghiệm ngoại giao, các mối quan hệ quốc tế từ thời làm đại sứ, làm đại biểu Quốc hội, dành tặng nó cho những năm tháng giáo dục mà bà đã chờ đợi và kỳ vọng. Viện Trí Việt trong suy nghĩ của bà sẽ là nơi khai mở, bắt đầu cho những hạt giống giáo dục mà bà đã suy nghĩ suốt nhiều năm qua, từ khi còn là một đại sứ VN ở nước ngoài.

“Tôi muốn trường đại học thành cái nôi góp phần tạo ra những luồng tư tưởng mới, những xu hướng tiến bộ trong xã hội - bà nói - Những sinh viên đó sẽ tốt nghiệp, tản ra khắp nơi. Hạt giống gieo trong đầu họ sẽ nảy nở trong cuộc đời bên ngoài”. Cuộc dấn thân kế tiếp mà bà chọn chính là vì những thanh niên trẻ và ngôi trường ngoài kia của họ.

Phụ nữ Việt Nam “siêu nhân”

Câu chuyện trở về với người phụ nữ VN mà bà gọi là những “siêu nhân” quanh dự thảo sửa đổi Luật lao động mới đây, bàn về gia hạn tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ. “Cách đây năm năm tôi có góp ý về chuyện này. Tôi có nói với họ nếu năm năm nữa lại lôi chuyện này ra góp ý thì thôi xin đừng mời tôi” - bà kể. “Tôi chống việc xác định độ tuổi, tôi cho xác định điều kiện là xúc phạm” - bà nói về những điều kiện như “phải là vụ trưởng”, “cơ quan phải có nhu cầu như đề xuất”, “không được giữ vị trí quản lý”.

“Nếu VN là nơi cởi mở về nhiều vấn đề nhất thì đây chính là đá thử vàng cho thấy VN còn có những hoang đảo của sự bảo thủ” - bà nói. Theo bà, phụ nữ VN đã mất 5 năm cống hiến cho xã hội để “nuôi hai con” nhưng không những không được tăng thêm 5  năm lao động mà lại còn bị trừ thêm 5 năm. “Nên phụ nữ VN phải là siêu nhân khi vừa phải nuôi con, vừa phải giỏi hơn đàn ông - bà nói - Tôi tiếc cho trí tuệ chất xám của nhiều phụ nữ, vì khi ở tuổi ngoài 50 cũng là khi họ đạt độ chín và sung sức cả kinh nghiệm và tài năng”.

Nghỉ hưu theo quy định hiện hành, được làm việc thêm năm năm do bà là đại biểu Quốc hội, giờ đây ở tuổi 65, vẫn thấy ở bà một người phụ nữ VN đầy đam mê và hoạt động không mệt mỏi cho những triết lý sống đàng hoàng, tử tế, vẫn là người Việt nhiệt thành và cống hiến. Bà thật sự khiến chúng ta một lần nữa phải suy nghĩ lại về cách sử dụng nhân lực đúng đắn và cách trân quý những tài năng của đất nước.

(*): Cấp bậc “bội tinh” của bà khi đó là “sĩ quan” (cấp 2), lần này bà được trao cấp bậc “chỉ huy” (cấp 3), cao nhất là cấp 5 (“Grand - croix”).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận