Đó là thông tin được PGS.TS Lê Anh Tuấn - công tác tại khoa môi trường và tài nguyên (Trường đại học Cần Thơ) - thông tin tại buổi họp mặt trí thức tiêu biểu đầu xuân Giáp Thìn 2024 tỉnh Bến Tre, diễn ra ngày 23-2.
Theo ông Tuấn, xu hướng hàng hóa xuất khẩu sẽ bị đánh thuế theo mức thải carbon và hiện nay Việt Nam cũng đã cam kết với thế giới là sẽ tiến đến NetZero vào năm 2050. Do đó chiến lược giảm phát thải và tăng cường khả năng lưu trữ carbon, đặc biệt qua rừng và cây trồng là cần thiết cho phát triển kinh tế - môi trường - xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng).
Đây là cơ sở ban đầu cho việc mở ra triển vọng bán tín chỉ carbon trên các vườn cây lâu năm, trường hợp Bến Tre là các vườn dừa.
"Tỉnh Bến Tre là vùng có diện tích dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000ha (năm 2023). Ngoài ra, Bến Tre có lượng nước ngọt từ ba con sông lớn cung cấp nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng rừng dừa xanh tốt, kết hợp nắng gió dồi dào tạo điều kiện để hấp thụ carbon tốt nhất. Cây dừa còn là cây trồng có rất nhiều công dụng, mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân", ông Tuấn nói.
Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia cũng tán thành hướng làm kinh tế mới này để tạo thêm nguồn thu nhập thụ động cho người trồng dừa Bến Tre.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Bảo - nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bến Tre, sau khi nghe các nhà khoa học, các chuyên gia cung cấp những dữ liệu quan trọng liên quan đến việc bán tín chỉ carbon từ cây dừa, ông đã yên tâm phần nào và thời gian tới sẽ phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tổ chức hội thảo ngay trong năm 2024 để nghiên cứu thêm.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến - quyền bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - cho biết trong năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 5,16%; GRDP bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,53 tỉ USD…
Bà Yến khẳng định những kết quả quan trọng nêu trên có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh.
"Đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tích cực cống hiến tài năng, trí tuệ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận và biểu dương những thành tích và đóng góp của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh đối với sự phát triển của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua", bà Yến nói tại buổi họp mặt.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO₂ tương đương.
Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO₂ hoặc 1 tấn CO₂ quy đổi tương đương. Trong khi đó, theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận