Ngày 24-4, quận Phú Nhuận, TP.HCM đã khánh thành sáu con hẻm được nâng cấp, mở rộng từ việc hiến đất của người dân. Nhiều năm nay, một số quận của TP.HCM cũng mở rộng, nâng cấp các con hẻm bằng cách này và sẽ tiếp tục thực hiện để thay đổi cuộc sống của bà con và bộ mặt đô thị.
Đất đai ở các khu dân cư nội thị có giá trị cao, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng/m2, nhưng nhiều người dân đã đồng lòng tự nguyện hiến đất mở hẻm. Sau khi đường và hẻm được mở rộng thông thoáng, nhiều người trong chính họ cảm thấy như được đổi đời.
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ tại nhà, cải thiện thu nhập, tạo ra một sinh khí mới cho cộng đồng dân cư.
Mở rộng hẻm, giá đất, tiện ích tăng theo
Phú Nhuận là một trong những địa phương đi đầu trong công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm tại TP.HCM. Bắt đầu triển khai từ những năm 2000, tính đến nay đã hơn 20 năm cho ra thành quả: hơn 100 công trình đưa vào sử dụng với tổng diện tích đất hiến hơn 18.000m2, chiều dài hơn 12.000m, trị giá đất hiến lên đến gần 1.200 tỉ đồng.
Con hẻm 694 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) sau một năm mở rộng từ 2m thành 4,5m giờ đây đường đi thoáng và sáng hơn, xe tải chở hàng qua lại thuận tiện, người dân đều vui mừng phấn khởi.
Bà Tuyết Trinh (ngụ hẻm 694) cho biết đợt vừa rồi tổ chức đám cưới cho đứa cháu, nhờ mở rộng hẻm mà nhà có thể xin đặt tạm một bàn trước hẻm. Không chỉ vậy, trong nhà có người cao tuổi nhưng trước đây hẻm nhỏ xe cứu thương không cách nào vào được nên nhà lúc nào cũng lo lắng.
"Sống mấy chục năm ở đây, điều kiện sống thế nào mình cũng đành chấp nhận vì không có điều kiện để lựa chọn. Chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến đất mở rộng được hẻm, đời sống của những hộ dân "núp hẻm" không còn chật vật nữa", bà Trinh nói.
Con hẻm 76/47 Phan Tây Hồ (quận Phú Nhuận) cũng đã từng là nỗi niềm của người dân khi có đoạn rộng 3m, 2m và có khúc chỉ vừa tròn 1,5m.
Ông Trần Văn Vinh, người dân sống mấy chục năm tại con hẻm "trần ai" này, cho biết vài năm trước có một đám cháy trong hẻm do sự cố bình đun siêu tốc, khi gọi xe cứu hỏa chỉ đến được đường Hoa Phượng, kéo ống nước vào rất khó khăn, may sao đó là đám cháy nhỏ. Từ đó, người dân càng quyết tâm mở rộng con hẻm.
Ông Vinh là một trong những hộ dân tiêu biểu trong việc hiến đất mở rộng hẻm 76/47 Phan Tây Hồ khi hiến gần 15m2.
"Địa phương vận động, người dân ai cũng đồng tình ủng hộ, vì mình biết dù là việc chung, việc cộng đồng nhưng cốt yếu chất lượng sống của mình sẽ được nâng cao hơn. Con hẻm nhìn khang trang hơn, giá đất trước đây 40 - 50 triệu đồng/m2 giờ đã tăng lên 70 - 80 triệu đồng", ông Vinh chia sẻ.
Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cho biết nhiều năm qua chất lượng cuộc sống của nhân dân quận Phú Nhuận nâng cao đáng kể, mỹ quan đô thị cải thiện. Từ những con hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đã được đầu tư mở rộng từ 4,5m đến 8m; đường dây điện, điện thoại, cáp viễn thông được bố trí lại gọn gàng hơn; hệ thống cống, hố ga thoát nước được lắp đặt mới đúng quy chuẩn.
Nhờ đó, các điều kiện giao thông và phòng cháy chữa cháy được đảm bảo tốt, mỹ quan đô thị và an ninh trật tự được cải thiện rõ nét, nhà ở dân cư cũng được sửa chữa và xây dựng mới khang trang hơn trước đã làm gia tăng đáng kể giá trị nhà và đất tại khu vực dự án triển khai.
"Nhờ những thay đổi tích cực này mà việc hiến đất mở rộng đường, hẻm trong thời gian qua được người dân đồng thuận cao, không xảy ra tình trạng khiếu nại phức tạp hoặc điểm nóng khiếu kiện", ông Tùng chia sẻ.
Đi lại thuận tiện, thêm kế sinh nhai
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại đường D6 hiện tại (khu dân cư Nam Long, phường Tân Thuận Đông, quận 7), đường có chiều dài khoảng 200m, rộng 24m, mặt đường được thảm nhựa khang trang, hai bên có vỉa hè trồng cây xanh... Đây là tuyến đường thuộc diện "kiểu mẫu" ở quận 7, khánh thành cuối năm 2022. Theo người dân khu vực, trước kia nơi đây chỉ là con đường nhỏ xíu đầy sình lầy.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một người dân trong phường, cho hay trước kia D6 là một con đường mòn nhỏ xung quanh là dừa nước, thường xuyên bị ngập và nhếch nhác nên người dân phải vất vả qua lại.
Để làm được con đường D6 khang trang như ngày hôm nay, ngoài sự giúp sức của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương thì việc người dân chia sẻ hiến đất là một sự ghi nhận lớn. Từ một con đường mòn mà mở ra được khang trang thế này thì người dân cũng có cơ hội để phát triển cả về mặt kinh tế và tinh thần.
"Theo cảm nhận của tôi thì tất cả người dân ở đây đều đồng thuận và vui mừng. Một số ít nhà dân nằm trong diện phải giải tỏa trắng để làm con đường này đều đã được tái định cư", ông Nghĩa chỉ về hướng con đường rộng rãi - nơi một số nhà dân ở trước đó - và nói.
Cách đó không xa, người dân sinh sống ở hẻm Tân Thuận Tây cũng phấn khởi khi hẻm này và nhiều con đường, cây cầu khác ở quận 7 được xây mới và mở rộng. Theo người dân, đây không phải là làm theo kiểu "phong trào cho có" mà tới nay đã có hàng trăm con hẻm như thế được mở rộng, giúp việc đi lại cũng như kinh doanh, phát triển kinh tế của người dân tốt hơn.
Bà Đặng Thu Thảo (ngụ phường Tân Thuận Tây) cho biết người dân ở phường này ai nấy đều rất vui mừng khi con hẻm Tân Thuận Tây được trải nhựa khang trang (dài khoảng 300m, rộng 6m và có thể thông ra đường Huỳnh Tấn Phát) nên việc đi lại của người dân rất thuận tiện. Đây là chủ trương đúng đắn của quận, phường mà người dân luôn ủng hộ.
"Khi hẻm này được hoàn thành xây dựng (đầu năm 2023), một số quán xá cũng vì vậy mọc lên nhiều hơn do xe hơi có thể chạy vào. Nhà tôi ở đây từ xưa nên không có ý định bán, tuy nhiên một số căn nhà khác gần đây vừa được bán có giá cao hơn hẳn trước kia", bà Thảo chia sẻ.
Mong người dân tiếp tục đồng thuận
Hôm nay 25-4, quận 7 cũng bắt tay vào mở rộng hẻm 803 Huỳnh Tấn Phát. Con hẻm này dài chưa đầy 500m, rộng 2,5 - 3,5m đã xuống cấp, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Sau khi nâng cấp mở rộng, con hẻm sẽ có bề rộng từ 5m trở lên. 86 hộ dân trong hẻm đã hiến gần 630m2 đất, trong đó có hộ hiến đến gần 39m2.
Cùng ngày, quận 7 cũng thông xe kỹ thuật công trình nâng cấp, mở rộng hẻm 1135 Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ nhà số 1135/83 kết nối ra đường Đào Trí). Đây là hẻm kết nối đường Huỳnh Tấn Phát và đường Đào Trí. Đây là hai tuyến đường trục chính của quận, đi qua khu vực có mật độ dân cư cao và có nhiều dự án phát triển nhà ở thương mại.
Dù vậy, đoạn hẻm từ nhà số 1135/83 kết nối ra đường Đào Trí chỉ là đường đất chưa được đầu tư hệ thống cống thoát nước dẫn đến gây ngập úng và khó khăn cho việc đi lại của người dân trong khu vực. Được nâng cấp, con hẻm gần 520m được mở rộng từ 4,64m đến 6m.
Ông Lê Văn Thành, phó chủ tịch UBND quận 7, cho biết ngoài việc khởi công nâng cấp hẻm 803 Huỳnh Tấn Phát, đợt này 10 phường khác cũng đồng loạt khởi công 12 dự án nâng cấp, mở rộng hẻm và phát động ra quân tổng vệ sinh, xây dựng cảnh quan cây xanh ven ao, hồ, kênh rạch gắn với đường phố.
Ông Thành cho biết từ năm 2020 đến nay, quận 7 đã nâng cấp mở rộng 50 con hẻm rộng từ 4m trở lên, đạt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ (đến 2025). Quận này cũng hoàn thành nâng cấp 99 hẻm rộng 2,5 - 3,5m.
Tổng kinh phí thực hiện nâng cấp, mở rộng hẻm gần 61 tỉ đồng, trong đó từ nguồn kinh phí xã hội hóa gần 38 tỉ đồng và vốn đầu tư công gần 23 tỉ đồng.
Ngoài ra, quận 7 đã hoàn thành việc xây mới 5 cây cầu thuộc hẻm với tổng kinh phí gần 22 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, quận 7 hoàn thành nâng cấp, mở rộng 7 hẻm rộng từ 4m trở lên và 19 hẻm rộng 2,5 - 3,5m. Tổng kinh phí thực hiện 3,6 tỉ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Trong năm 2024, quận 7 đặt mục tiêu nâng cấp mở rộng tối thiểu 10 con hẻm và hoàn thành vượt chỉ tiêu nâng cấp mở rộng 50 con hẻm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Thành chia sẻ điều đáng quý nhất là các hộ dân trong các hẻm đã hiểu và tự nguyện hiến đất, di dời nhà và vật kiến trúc. Nhờ vậy, các hẻm mới được nâng cấp mở rộng khang trang, sạch đẹp.
Sự gần dân và tận tâm vận động của cán bộ cơ sở góp phần lớn vào việc người dân chủ động sớm bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ. Nhờ vậy, việc kêu gọi, phát huy mọi nguồn lực xã hội cho việc mở hẻm mới thành công.
"Trên địa bàn quận 7 còn hàng ngàn hẻm nhỏ hẹp, xập xệ. Từ câu chuyện thành công và giá trị từ việc nâng cấp, mở hẻm, lãnh đạo quận rất mong muốn người dân ở nhiều hẻm khác sẽ đồng thuận cao trong việc hiến đất và đầu tư mở rộng hẻm theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm cải thiện việc đi lại; đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường và nâng cao đời sống người dân tại các khu dân cư", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đông Tùng (chủ tịch UBND quận Phú Nhuận):
Tập trung mở những hẻm mang lại nhiều lợi ích
Việc đầu tư và quy mô đầu tư các tuyến đường và hẻm, trong đó xác định rõ những lợi ích thiết thực về giao thông, phòng cháy chữa cháy, mỹ quan đô thị do dự án mang lại, xác định quy mô mở rộng và hướng tuyến hợp lý, đồng thời nghiên cứu những nội dung cần điều chỉnh cụ thể ở từng vị trí để hạn chế thiệt hại cho hộ dân mà vẫn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của công trình...
Việc khảo sát phải kỹ lưỡng, chi tiết, đảm bảo tính khả thi, cân đối hài hòa giữa lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân. Việc bố trí vốn đầu tư các dự án cần tập trung cho những dự án đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên để hoàn chỉnh từng dự án, tránh việc đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.
Quận 3 dự kiến mở rộng thêm 45 hẻm trong năm nay
UBND quận 3 đề xuất nguồn vốn ngân sách TP cho 37 dự án (mở rộng 45 hẻm) đầu năm 2024 và cả năm 2024 lần lượt là 1,6 tỉ đồng và 71 tỉ đồng.
Hiện nay quận 3 đã hoàn tất việc ban hành các quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của toàn bộ 37 dự án mở rộng hẻm vừa nêu để làm cơ sở đề xuất bổ sung vốn khởi công mới. UBND quận 3 đã trình UBND TP và Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét, sớm bổ sung vốn khởi công mới cho 37 dự án nêu trên với số vốn gần 66 tỉ đồng.
Đà Nẵng chi lớn để mở rộng kiệt và đường 3,75m
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã mạnh tay trong việc chi tiền mở rộng kiệt (hẻm) và mở rộng các tuyến đường 3,75m thành 5,5m. Việc mở rộng không gian đi lại đạt được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ phía người dân, không chỉ các hộ được hưởng lợi trực tiếp.
Kiệt trước nhà vừa được mở rộng từ 2m lên gần 4m, gia đình bà Trương Mỹ Chi (kiệt 6 đường Hoàng Diệu, phường Nam Dương, quận Hải Châu) như được mang "áo mới". Theo bà Chi, trước đây vì kiệt chật hẹp người dân phải chịu cảnh sống trong không gian tù túng, khi gia đình có đám đình hoặc sự cố cứu nạn cứu hộ việc đi lại gặp không ít khó khăn.
Do vậy khi được mở kiệt, ai nấy đều ủng hộ vì đường trước nhà được mở rộng thì tiện ích sống, giá trị nhà cũng theo đó tăng lên. Thậm chí trong quá trình mở rộng kiệt có một số "điểm nghẽn", người dân hiến 5-10m2 trước nhà.
"Phải nói ở kiệt nhỏ lo nhất là cháy nổ hoặc gia đình có người đi cấp cứu vì xe 4 bánh không vào được. Vì vậy khi chính quyền bắt tay vào làm đường mở rộng, người dân ủng hộ ngay. Đây cũng là dịp sửa sang nhà cửa nên ai cùng làm thì đổi thay bộ mặt của kiệt này" - bà Chi nói.
Hiện nay đối với các kiệt mở rộng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm thì Đà Nẵng nhất quán nơi nào đạt được sự đồng thuận sẽ tập trung triển khai thi công trước.
Trong giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng đã đầu tư dự án cải tạo, mở rộng 97 đường rộng từ 3,5m thành 5,5m tại các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu với số tiền hơn 240 tỉ đồng.
Những con đường rộng 3,5m hay 3,75m được hình thành gần 20 năm trước trong quá trình đô thị hóa nay được mở rộng, nhiều nơi đường rộng khang trang hơn, không còn đường 3,5 - 3,75m nữa.
Riêng việc mở rộng các kiệt chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm vốn có những kiệt nhỏ hình thành trong quá trình đô thị hóa. Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký quyết định nâng cấp mở rộng các đường có mặt cắt lòng đường từ 3,5m - 4m thành 5,5m đối với 18 tuyến đường ở quận Hải Châu (giai đoạn 2). Đây là quận trung tâm, có số lượng kiệt nhiều nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận