09/04/2014 00:03 GMT+7

Bà Chúc và ca trù

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Tiếng phách, điệu ca trù, tiếng trống chầu trong canh hát cuối cùng sẽ tiễn đưa nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc về bên kia trời. Đời ca nương lận đận, truân chuyên rồi cũng đã khép lại.

6RbZz5iQ.jpgPhóng to
Ca trù lại thêm một khoảng trống không ai khỏa lấp nổi sau sự ra đi của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc - Ảnh: B.V.

Từ nay, ca trù lại thêm một khoảng trống không ai có thể khỏa lấp nổi. Năm năm ca trù trở thành di sản cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại thì mỗi năm những khoảng trống lại càng nhiều thêm. Hai chữ “khẩn cấp” trong danh hiệu, mỗi năm, càng vận vào số phận của nghệ thuật ca trù.

Công cụ tìm kiếm Google chỉ cho thông tin cơ bản về những lần bà Chúc được trao giải thưởng, danh hiệu nghệ nhân, những buổi biểu diễn mà giọng ca trù đầy nội lực này làm say lòng người. Bà Chúc không muốn báo chí viết nhiều về cuộc đời mình. Và những truân chuyên ai oán tích tụ suốt thế kỷ 20 sẽ chỉ thấy trong từng tiếng ngân rung của làn điệu ca trù. Những người đàn bà mang phận xướng ca rút lòng mình thành thanh âm như bà Hồ, bà Chúc, bà Mơn, bà Kim... đều đã từ giã cõi đời. Tại lễ viếng nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, có người ngập ngừng ngồi điểm tên những người còn sống. Sự thảng thốt, trăn trở hiện rõ trong đôi mắt của một nhà nghiên cứu âm nhạc khi ông nhẩm tính: “Số nghệ nhân chúng ta còn không đếm đủ năm đầu ngón tay”.

Năm 2011, Viện Âm nhạc từng đề xuất một đề án trị giá 3,5 tỉ đồng để kiểm kê, bảo tồn di sản ca trù. Nhưng câu trả lời cho đề xuất của ông viện trưởng Viện Âm nhạc là “không có tiền nhiều như thế”. “Chúng tôi mỗi năm lắt nhắt nhận được một ít tiền, tính đau cả đầu mà cũng chỉ làm được một vài dự án nhỏ. Người ta làm đường, làm cầu rồi thất thoát chỗ này chỗ kia, nhưng đầu tư cho văn hóa chẳng bao giờ ra tấm ra món cả” - PGS.TS Lê Văn Toàn (viện trưởng Viện Âm nhạc) chia sẻ. Nói rằng lo nhưng những người làm khoa học, nghiên cứu lại không tự chủ được tiền bạc để giải quyết câu chuyện bảo tồn.

Trong nỗ lực cứu vãn kho tàng sống quý giá của ca trù, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đề xuất phải nhanh chóng thành lập một nhà hát ca trù. Những nghệ nhân nắm giữ những vốn quý chuẩn mực của ca trù sẽ là những người truyền dạy cho thế hệ ca nương tiếp theo từ lối hát đến cả phong thái đi đứng, biểu diễn. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, việc truyền dạy ở nhà hát sẽ giúp ca trù thoát khỏi tình trạng ba đường bảy mối, người muốn học thì không học được, còn người không có tài nhưng vẫn cố bám vào để kiếm danh. “Cuối cùng, ca trù không chỉ mất nghệ nhân, mất những giọng hay mà còn mất luôn cả lề thói chuẩn mực” - ông Hiền nói.

Sau sự ra đi của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, một lần nữa người ta lại nhắc đến nghị định về việc phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú của Nhà nước mà Bộ VH-TT&DL dự thảo từ ba năm nay (“Bao giờ cho được... nghệ nhân?”, Tuổi Trẻ ngày 21-10-2011). Hành trình của nghị định này cũng thật gian nan. Ban đầu là một đề án, sau nâng cấp lên thành thông tư, rồi nâng cấp lên nghị định cho xứng tầm. (“Ai qua nổi trăm năm để chờ danh hiệu”, Tuổi Trẻ ngày 12-7-2012). Bà Chúc đã không thể đợi sự công nhận từ phía Nhà nước.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên